Góc nhìn chuyên gia từ vụ việc mua bảo hiểm nhân thọ của diễn viên Ngọc Lan
(NQL) – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nêu thực tế, khi mua bảo hiểm, đa số người mua thường chỉ quan tâm tới quyền lợi mà đôi khi không để ý tìm hiểu những điều khoản, điều kiện ràng buộc. Trong khi đó những điều khoản này sẽ quyết định việc người tham gia có được nhận quyền lợi hay không khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Thời gian qua, câu chuyện của diễn viên Ngọc Lan cho rằng mình bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đã nhận được quan tâm của dự luận. Theo đó, nữ diễn viên đã mua 2 gói bảo hiểm của Công ty TNHH BHNT Aviva Việt Nam (nay là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MVI (MVI life); trực thuộc Manulife) cho bản thân và con trai với tổng cộng số tiền cần đóng là 700 triệu đồng/năm nhưng đến nay phát hiện nhiều thông tin không đúng với những gì được tư vấn.
Cụ thể, vào ba năm trước, nữ diễn viên tin tưởng người tư vấn, nên đã ký hợp đồng, và nghĩ rằng sau 10 năm sẽ nhận cộng gốc và lãi là 10 tỷ đồng (bao gồm 7 tỷ đồng tiền gốc và 3 tỷ đồng tiền lãi cộng thêm). Tuy nhiên, gần đây cô mới biết hợp đồng của mình có thời hạn lên đến 74 năm và của con trai là 42 năm. Bên cạnh đó, do hợp đồng còn bao gồm nhiều khoản bảo hiểm khác đi kèm, nên số tiền mà cô có thể nhận về sẽ ít hơn rất nhiều so với dự kiến.
Diễn viên Ngọc Lan khóc nức nở khi nói về hợp đồng bảo hiểm của mình và con.
Trước sự việc này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nêu thực tế, khi mua bảo hiểm, đa số người mua thường chỉ quan tâm tới quyền lợi mà đôi khi không để ý tìm hiểu những điều khoản, điều kiện ràng buộc. Trong khi đó những điều khoản này sẽ quyết định việc người tham gia có được nhận quyền lợi hay không khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Ở trường hợp này, lỗi trước tiên là ở diễn viên Ngọc Lan – người đứng tên mua bảo hiểm. Bởi việc quyết định mua bao nhiêu, thời gian bao nhiều năm, được hưởng quyền lợi, trách nhiệm gì trước khi ký hợp đồng phải tìm hiểu kỹ trước. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại trách nhiệm của nhân viên tư vấn trong trường hợp này. Họ đã mắc lỗi nghiêm trọng, có thể xếp vào lỗi lừa đảo. Với vai trò một tư vấn viên, là người phải tư vấn đầy đủ, đúng với loại bảo hiểm, các chi phí, số tiền liên quan nhưng họ không đủ tâm, đủ tầm khi tư vấn cho khách hàng. Còn về phía doanh nghiệp bảo hiểm cũng có lỗi nghiêm trọng khi không chăm sóc, kiểm tra lại hợp của khách hàng.
“Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ hơn quyền kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Cơ quan quản lý có vai trò quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, cần quản lý chặt chẽ hơn trách nhiệm của đại lý bảo hiểm, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào đạo đội ngũ tư vấn viên đảm bảo đủ tâm, đủ tầm”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm về sự việc mua bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan.
Trên phương diện pháp lý, TS.Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thông tin, bảo hiểm cũng là một dạng hàng hoá và dịch vụ, nó là một sản phẩm đặc biệt, người mua là người tiêu dùng.
“Trường hợp bên mua bảo hiểm muốn chấm dứt hợp đồng mà không phải chịu thiệt hại thì họ phải chứng minh được lỗi do bên bán bảo hiểm là lừa dối hay nhầm lẫn. Lúc đó hợp đồng sẽ được tuyên bố vô hiệu và các bên trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi bên đó phải bồi thường. Hoặc hai bên có thể thỏa thuận để đi đến thống nhất giải quyết, sau đó có thể thực hiện một gói bảo hiểm khác” – luật sư Thiệp cho biết.
Thông thường, khách hàng cần lưu ý trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm. Khách hàng mới sẽ có 21 ngày cân nhắc với quyền dùng thử, kể từ ngày khách hàng nhận bộ hợp đồng.
Trong thời gian này, khách hàng có quyền cân nhắc, thay đổi, điều chỉnh một số thông tin, thậm chí từ chối tiếp tục tham gia. Nếu khách hàng đổi ý không tiếp tục tham gia, công ty bảo hiểm sẽ hoàn lại tổng phí đã đóng, không có lãi, sau khi trừ đi một số chi phí xét nghiệm, y khoa (nếu có). Sang ngày thứ 22, yêu cầu hủy hợp đồng và nhận lại phí bảo hiểm sẽ không thực hiện được.
Vì vậy, người mua nên tận dụng khoảng thời gian cân nhắc để xem lại các thông tin đã cung cấp cho đơn vị bảo hiểm; tìm đọc quy tắc, điều khoản cũng như các tài liệu khác trong bộ hợp đồng.
Theo ông Thiệp, về mặt nguyên tắc, điều kiện bảo hiểm sẽ gắn với tuổi thọ con người. Thông thường các bên sẽ ký kết hợp đồng từ sự thỏa thuận và về nguyên tắc không được trái thông lệ chung và nó phải bảo vệ được người mua bảo hiểm.
Theo quy định của pháp luật, đơn vị cung cấp bảo hiểm thì sẽ có hợp đồng theo mẫu. Bên bán bảo hiểm sẽ phải đăng ký với cơ quan chức năng theo đúng quy định của pháp luật và được chấp thuận. Mục đích của hợp đồng bảo hiểm bao giờ cũng nhằm bảo vệ người yếu thế đó là người mua bảo hiểm. Nếu có thể xảy ra tranh chấp, kiện cáo thì toà án cũng luôn đứng ra bảo vệ người yếu thế.
Thời hạn bảo hiểm thì vô cùng nhưng đã gắn với bảo hiểm nhân thọ thì hiệu lực của hợp đồng bao giờ cũng phát sinh cho đến khi người mua bảo hiểm chấm dứt sự sống (chết).
“Theo quy luật thông thường, thời gian sống của con người không thể kéo dài đến vài trăm năm. Do vậy, việc mua bảo hiểm lên đến 74 năm thì cần phải xem lại hợp đồng có đúng như vậy hay không?”, luật sư Thiệp lưu ý.
Cũng theo luật sư Thiệp, các bên có thể tự do thoả thuận nhưng không trái với quy định pháp luật và không trái với đạo đức xã hội cũng như quy luật, vì không ai có thể sống đến vài trăm tuổi.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, đây không phải trường hợp đầu tiên khiếu nại, thời gian qua, có rất nhiều trường hợp khách hàng mua BHNT đã khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm.
Theo ông Đức, BHNT có độ phức tạp cao, hợp đồng gần 100 trang nhưng nhiều khi dân tài chính, giáo sư, tiến sĩ đọc chưa chắc hiểu được hết. Trong khi họ thường không đọc, không hiểu hết các điều khoản trong hợp đồng mà chỉ nghe tư vấn là ký. Do đó, chỉ cần một từ “lắt léo” trong hợp đồng đến khi xảy ra tranh chấp ở tòa thì khách hàng cũng thua.
“Người mua yếu thế, do không nắm thông tin, chuyên môn nên dù sao lỗi cũng ít hơn. Còn các công ty, NH là những đơn vị chuyên môn, khi khách hàng ký vào HĐ mà họ soạn sẵn, đặc biệt ký những HĐ có giá trị lớn thì cũng cần kiểm tra lại lần nữa xem khách hàng đã được tư vấn đúng chưa. Thông thường khách hàng chỉ nhận được tư vấn một phần sự thật, những điều tốt đẹp thì chỉ ra, còn xấu hì nói ít hoặc không đề cập”, Luật sư Trương Thanh Đức nói đồng thời kiến nghị “Doanh nghiệp bảo hiểm phải làm thế nào để khách hàng mua bảo hiểm kể cả không được bảo hiểm nhưng vẫn tâm phục khẩu phục, không cảm thấy bị lừa, bị bẫy, còn nếu người ta cảm thấy không hài lòng vì nó không rõ ràng, không đủ thông tin, bắt bẻ, gài chỗ này chỗ kia, thậm chí là từ ngữ, câu chữ khó hiểu là chưa được”.
Theo ông Đức: “Bảo hiểm bán giấy lấy tiền” nên khác với các doanh nghiệp khác bán hàng đổi tiền, vì bán hàng đổi tiền chỉ có trường hợp hàng tốt – xấu còn đây sơ sểnh là mất, bỏ ra 1 tỷ mang về 500 triệu. Do đó, đối với doanh nghiệp bảo hiểm quan trọng nhất là sự tử tế, đứng đắn chuyên nghiệp của người thực thi chứ không thể bất chấp hết, doanh nghiệp bất chấp, đại lý bất chấp, khách hàng đôi khi cũng à ơi, thậm chí là gian lận, trục lợi.
“Doanh nghiệp bảo hiểm cần phải làm việc bài bản, chuyên nghiệp. Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã đòi hỏi rất chặt chẽ, giám sát hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải tự nâng mình lên, chuyên nghiệp, tử tế, có đạo đức, văn hóa kinh doanh thì mới bền được”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng, bảo hiểm là lĩnh vực mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ những lúc khó khăn, đau ốm hay người tham gia qua đời thì gia đình nhận được một khoản bồi thường. Thế nên trong hợp đồng cũng cần nhân văn khi khách hàng gặp phải hoàn cảnh khó khăn, không tiếp tục theo quá trình dài với phí tham gia cao được thì cũng nên giải quyết trả lại tiền gốc cho khách. Như vậy thì khách hàng mới có thể đặt niềm tin tham gia bảo hiểm được.
Công Minh
———-——
Nhà quản lý (Khoa học quản lý) ngày 13-4-2023:
(569/1.795) #baohiem #BHNT #Aviva #MVI