3.475. Kỳ vọng tiêu dùng nội địa bứt tốc

(VNB) – Sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và sự phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp. Kỳ vọng sức mua trên thị trường sẽ sớm ‘bùng nổ’, với sự hỗ trợ của chính sách giảm thuế, kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 đến gần cũng là lúc các doanh nghiệp (DN) tung ra các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng nội địa. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Cetral Retail cho biết, các hệ thống đại siêu thị sẽ tổ chức chương trình ẩm thực Việt, với giá khuyến mãi lên đến 34% dành cho các sản phẩm trái cây, thực phẩm chế biến… nhằm mục tiêu duy trì sức mua trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Sức cầu giảm do lo ngại lạm phát

Theo Bộ Công Thương, sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư của DN cũng như quy mô thị trường chưa phục hồi như trước dịch.

Người tiêu dùng nội địa có xu hướng cắt giảm chi tiêu. 

“Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như: ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép…”, Bộ Công Thương nhìn nhận.

Với ngành ô tô, báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tháng 3, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 30.038 xe, tăng 30% so với tháng 2, nhưng giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số lượng bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 3/2023 giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo công bố doanh số bán hàng của Tập đoàn Thành Công (TC Group), hết quý I/2023, các mẫu xe mang thương hiệu Hyundai đạt 14.736 xe bán ra, sụt giảm 21,1% so với quý I/2022. “Bước sang quý III khi sức cầu của thị trường gia tăng, cùng với mùa cao điểm du lịch với nhu cầu di chuyển của khách hàng lớn hơn, doanh số kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng trưởng cao hơn quý I với những biến động khó lường”, TC Group nhận định tình hình.

Trước đó, trong văn bản gửi Chính phủ, ông Lê Ngọc Đức, Phó Chủ tịch TC Group cho rằng, sự bất ổn của các kênh đầu tư chính ảnh hưởng đến thu nhập nhà đầu tư và người tiêu dùng. Thị trường chứng khoán và bất động sản năm 2023 đều được dự báo tồn tại nhiều rủi ro và không ổn định. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý và thu nhập nhà đầu tư, trong khi đây là hai kênh mang lại nguồn tiền lớn cho nền kinh tế. “Trong trường hợp hai thị trường biến động tiêu cực, người tiêu dùng sẽ gia tăng tâm lý tích trữ và hạn chế phát sinh nhu cầu tiêu dùng không thiết yếu”, TC Group đánh giá.

Đây là lý do khiến TC Group đề xuất Chính phủ xem xét ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt; đồng thời giảm 50% lệ phí trước bạ với DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Đồng thời, báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam của Trường Đại học Thương mại cho thấy, người tiêu dùng nội địa vẫn đang thận trọng với lo ngại rủi ro lạm phát tăng cao, do độ trễ của gói phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và dự báo lạm phát ở các nền kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam vẫn ở mức cao.

“Mặc dù, Việt Nam đã có những chính sách kiểm soát lạm phát tương đối tốt khi giữ lạm phát luôn ổn định ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải thực hiện các chính sách một cách thận trọng với bối cảnh phức tạp của giá cả như hiện nay”, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Thương mại đánh giá.

Kích hoạt công cụ thuế

Theo đó, nhóm nghiên cứu đánh giá tiêu dùng nội địa trong năm 2023 sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát lạm phát của Chính phủ. “Quốc hội đã quyết định tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương ứng với mức tăng 20,8%, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2023. Ngoài ra, lãi suất tăng cũng sẽ làm tăng chi phí của các DN sản xuất, thương mại và logistics, từ đó gia tăng áp lực tăng giá đầu ra”, báo cáo trên chỉ ra.

Ngoài ra, nhóm  nghiên cứu cũng dự báo, sức mua năm 2023 trên thị trường nội địa vẫn phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ Việt Nam cũng như niềm tin của người tiêu dùng vào tăng trưởng kinh tế, ổn định an ninh, chính trị trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp cần thiết để có thể kích cầu là miễn giảm thuế, đây cũng là giải pháp mà nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Cùng với đó các DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng các chương trình khuyến mãi, cắt giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.

Để hỗ trợ kích cầu trong nước, mới đây Chính phủ đã chấp thuận đề xuất phương án giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với tất cả mặt hàng theo đề xuất của Bộ Tài chính. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua theo thể thức rút gọn quy trình.

Sau khi tiếp nhận thông tin này, nhiều DN kỳ vọng việc giảm 2% thuế VAT sẽ giúp kích cầu sức mua. Tuy vậy, các chuyên gia, DN cũng kỳ vọng thuế VAT có thể được giảm thêm nữa.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu quan điểm, Chính phủ có thể xem xét giảm đồng loạt thuế VAT về 5%. “Bối cảnh năm 2021 – 2022, dù xảy ra đại dịch nhưng kinh tế vẫn chưa đến nỗi khó khăn như hiện nay. Thị trường bất động sản đang đóng băng, trái phiếu, chứng khoán giảm sút đến kiệt quệ; DN xuất khẩu mất đơn hàng, giảm kim ngạch… trăm thứ khó đổ trên vai DN nên cần phải có những chính sách nhanh chóng tạo điều kiện thực chất cho họ”, Luật sư Trương Thanh Đức kỳ vọng. 

TS. Nguyễn Đình Cung

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng bán lẻ trong nước vẫn chưa lấy lại được đà như trước COVID-19. Trong bối cảnh này, giải pháp hiệu quả nhất là tăng thu nhập cho người dân để họ chi tiêu, thông qua chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, tăng đầu tư công để tạo công ăn việc làm, kích tổng cầu trong nước, giúp người dân có khả năng chi tiêu. Đây là những giải pháp không chỉ đúng trên lý thuyết kinh tế học mà trên thực tế, chính sách hỗ trợ phục hồi cầu tiêu dùng trong các thời kỳ khó khăn đều xử lý như thế.

Ông Nguyễn Văn Phụng

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế)

Việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cho toàn bộ mặt hàng chịu thuế 10% là điều tán thành, song quy trình thủ tục cần nhanh gọn, cụ thể; càng chi tiết, càng đơn giản và mở rộng điều kiện thuế càng có lợi cho DN và cơ quan quản lý. Về tổng thể, tác động của chính sách hỗ trợ trên sẽ tác động tổng thể lên nền kinh tế, tăng thu từ tăng thuế thu nhập DN, kích thích tiêu dùng, hạ giá sản phẩm. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc giảm thuế sẽ có ý nghĩa như liều “doping” cho nền kinh tế, DN.

Ông Johnathan Ooi

Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo Dịch vụ tư vấn Thương vụ PwC Việt Nam

Người tiêu dùng đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu, ưa chuộng mua sắm trên các nền tảng điện tử và ưu tiên sử dụng sản phẩm từ các nhà cung cấp có uy tín. 62% người tiêu dùng Việt Nam trả lời rằng họ dự kiến sẽ cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết (số liệu của toàn cầu là 69%). Vì vậy, các nhà lãnh đạo cần theo dõi chặt chẽ các xu hướng này và kịp thời thích ứng để có thể duy trì tính cạnh tranh trong một thị trường không ngừng thay đổi.

Lê Thúy

———-

VnBusiness (Tiêu điểm) ngày 20-4-2023:

https://vnbusiness.vn/viet-nam/ky-vong-tieu-dung-noi-dia-but-toc-1092099.html

(106/1.547) #VAT #TNCN #TNDN #8%

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,582