3.476. ‘Cấp giấy đi đường ở Hà Nội vội vàng, ít hàm lượng công nghệ’ 

(TP) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, việc cấp giấy đi đường của Hà Nội vội vàng khiến người dân không kịp thực hiện, không áp dụng các công nghệ hiện có. Ngoài ra, luật sư Đức cho rằng, Hà Nội cần xem xét chấp nhận việc không thể “phong tỏa, vô trùng, vô khuẩn”, từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp với thực tế dịch bệnh hơn… 

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Hà Nội thực hiện các biện pháp chống dịch với yêu cầu cao nhất để bảo vệ người dân nhưng vẫn phải giữ vững nguyên tắc tuân thủ pháp luật và không gây khó cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Luật sư Đức, Hà Nội triển khai áp dụng biện pháp kiểm soát người dân ra đường bằng việc cấp giấy đi đường có gắn QR code còn những bất cập sau:

Thứ nhất, việc thay đổi mẫu giấy đi đường phải hợp tình hợp lý về mặt thời gian, phải có dự lệnh. Ở đây, Hà Nội gần đây ban hành hiệu lệnh trễ, dẫn đến không thể thực hiện hoặc thực hiện gây ra nhiều bức xúc. Nếu Hà Nội đã định thay đổi giấy thì phải ban hành thông báo sớm, có thể cách đây 1 tuần; khi đó sẽ không có những phản ứng gay gắt hay những lúng túng như hiện nay.

Thứ 2, về phân nhóm, Hà Nội phân 6 nhóm đối tượng cấp giấy là phi logic. Theo tôi, chỉ cần phân chia thành 4 nhóm cấp phép: Nhóm do Công an thành phố cấp (Hiện được phân là nhóm 2); nhóm do công an phường cấp (nhóm 6); nhóm tự cấp (nhóm 1, 3 & 4) và nhóm kiểu khác cấp (như đi tiêm phòng, đi đến bệnh viện, đi đến toà án, đi đến sân bay, đi chợ – nhóm 5). Như hiện nay, bản thân luật sư, cán bộ ngân hàng từ một năm rưỡi nay đang thuộc nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nay cũng không biết mình ở nhóm nào, không biết có được đi làm hay không.

Thứ 3, khi tiến hành làm các thủ tục cấp giấy đi đường cơ quan chức năng phải áp dụng tối đa công nghệ. Đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ ở Hà Nội đã phổ cập, sử dụng mã QR code đã quá thông dụng nên chính quyền có thể cấp mã tự động từ xa.

Sự lây lan duy nhất của dịch bệnh COVID-19 là do tiếp xúc gần, vì vậy, theo luật sư, muốn chống dịch thành công thì phải giảm thiểu “tử huyệt” này. Do đó, cần phải thực hiện cấp mã chứ không cấp giấy, kiểm soát bằng phương tiện kỹ thuật chứ không kiểm soát trực tiếp bằng tay hay bằng mắt thường.

“Kiểm soát việc đi đường chỉ là hình thức, bản chất phải kiểm soát sự di chuyển của 3 nhóm đối tượng: Nhóm tương đối an toàn (đã mắc bệnh, đã tiêm 2 mũi, đã có kết quá xét nghiệm âm tính), nhóm người đang có nguy cơ (tiếp xúc gần với F0, ở rất gần F0, đang có dấu hiệu nghi vấn) và người đang bị dương tính – F0 (có hoặc chưa có triệu chứng)” – luật sư Đức phân tích.

Ngoài ra, theo Luật sư Đức, thành phố Hà Nội cần tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, các cấp chính quyền cơ sở để bảo đảm việc nắm bắt, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng yêu cầu, thực chất và hiệu quả. “Cách làm như hiện nay còn thiếu thống nhất, thiếu hợp lý, rất lúng túng, thậm chí là tuỳ tiện. Do đó, cán bộ vất vả, người dân thì bức xúc” – luật sư Đức nói.

Luật sư Đức cho rằng, Hà Nội cần thay đổi cơ bản quan điểm chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến của các bác sỹ, nhà khoa học. Thành phố không nên tiếp tục thực hiện giãn cách quá lâu, quá rộng vì sẽ không đủ nguồn lực y tế, con người đến tiền bạc và thực tế không thể theo đuổi mục tiêu vô trùng, vô khuẩn, mà phải chấp nhận sự cân bằng nhất định giữa việc phòng chống dịch bệnh với duy trì sản xuất, kinh doanh và cuộc sống dân sinh.

“Biện pháp trước mắt là phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định bằng việc nới lỏng để duy trì hoạt động kinh tế, duy trì được đời sống. Có giữ vững mạch máu kinh tế, bảo đảm được sản xuất kinh doanh thì mới có sức trụ được và có khả năng chống dịch. Chống dịch vẫn như chống giặc, nhưng thay vì phân rõ địch ta rõ ràng để dàn trận chiến đấu, thì cần phải chấp nhận kiểu chiến tranh du kích, đánh địch từ trong lòng định, vì dịch kẻ địch vô hình. Thành phố cần tập trung khoanh vùng quản lý chặt các địa bàn hẹp, chỉ hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện theo đúng quy định tại Điều 53, Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm”, Luật sư Đức dẫn giải

Long Vân


Tiền phong (Bạn đọc) 06-9-2021;

https://tienphong.vn/cap-giay-di-duong-o-ha-noi-voi-vang-it-ham-luong-cong-nghe-post1373404.tpo

(907/907)

——————-

 

Bản gốc:

Chống dịch là đánh địch vô hình

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội thực hiện các biện pháp chống dịch với yêu cầu cao nhất để bảo vệ người dân nhưng vẫn phải giữ vững nguyên tắc tuân thủ pháp luật và không gây khó cho người dân, doanh nghiệp.

Thành phố phải căn cứ vào quy định của pháp luật, trong đó có mấy văn bản chính là Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội, Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06-8-2021 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06-8-2021 của Chính phủ,

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 3-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31-5-2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch CIVID-19.

Hà Nội đã phân chia thành phố thành 3 vùng, nhưng không xác định là cả nội ngoại thành Hà Nội và 3 vùng đó là “vùng có dịch” hay “vùng có nguy cơ dịch” theo quy định tại các khoản 14 và 15, Điều 2, Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Theo tôi, với loại dịch bệnh này, với tình hình thực tế và chủ trương mới nhất là phải chấp nhận sống chung với dịch, thì cần phải phân chia thật nhỏ vùng có dịch để giãn cách, cách ly hay phong toả cho phù hợp. Khu nhà tôi và rất nhiều khu vực khác đang là “khu vực xanh”, chỉ là “vùng có nguy cơ dịch”, tự dưng đến sáng ngày 06-9 tất cả bị biến thành “vùng đỏ”, là vùng có dịch bệnh nguy hiểm. Do vậy, các biện pháp đưa ra bị lẫn lộn, không hợp lý, không phù hợp với thực tế. Nếu đã xác định không thể kéo dài mãi việc phong toả và phải bảo đảm đời sống, sản xuất, lưu thông hàng hoá để chiến đấu dài hơi với dịch bệnh thì  thành phố cần tập trung khoanh vùng quản lý chặt các địa bàn hẹp, chỉ “hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện” theo đúng quy định tại Điều 53, Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Xét theo các quy định nêu trên cũng như về tính khoa học, không cho phép các địa phương áp dụng mọi biện pháp theo ý mình để phòng chống dịch. Chính phủ cũng đã nhiều lần nhắc nhở, không được ngăn sông, cấm chợ vô lý. Và đặc biệt, là dù áp dụng biện pháp chống dịch thế nào cũng phải nhằm bảo đảm yêu cầu giãn cách, tránh tập trung đông người, tránh tiếp xúc, tránh nguy cơ lây lan. Người đi đường dù có đông, nhưng không tiếp xúc gần, không ùn ứ, không bị dồn lại ở địa điểm nào thì vẫn bảo đảm an toàn. Ngược lại, ít người ra đường, nhưng phải tập trung đông người xin giấy tờ và dồn ứ ở các chốt thì đó chính là nguy cơ lớn nhất.

 

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều tỉnh thành phố (trong đó có Hà Nội) đã ban hành các biện pháp chưa hợp lý, gây ra sự khó khăn, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo Luật sư Đức, Hà Nội thông báo áp dụng biện pháp kiểm soát người dân ra đường bằng việc cấp giấy đi đường có gắn QR code là một ví dụ còn những bất cập. Thứ nhất, người dân chấp nhận thay đổi mẫu giấy đi đường nhưng phải hợp tình hợp lý về mặt thời gian. Muốn người dân thực hiện đúng mệnh lệnh thì phải có thời gian dự lệnh nhưng ở đây Hà Nội luôn ban hành hiệu lệnh trễ, dẫn đến không thể thực hiện kể từ thời điểm cho hiệu lực. Bởi muốn làm giấy tờ người dân cần thời gian hành chính để cơ quan, đơn vị ký tên, đóng dấu và xin phép. Nếu Hà Nội đã định thay đổi giấy thì phải ban hành thông báo sớm, có thể cách đây 1 tuần thì nhiều người sẽ chủ động thực hiện, mà không có những phản ứng gay gắt hay những lúng túng như hiện nay.

Thứ 2, về phân nhóm, Hà Nội phân 6 nhóm đối tượng cấp giấy là phi logic. Đáng lẽ phải phân theo 4 nhóm cấp phép: Nhóm do Công an thành phố cấp (Hà Nội phân nhóm 2); Nhóm do công an phường cấp (nhóm 6); Nhóm tự cấp (nhóm 1, 3 & 4) & Nhóm kiểu khác cấp (như đi tiêm phòng, đi đến bệnh viện, đi đến toà án, đi đến sân bay, đi chợ – nhóm 5). Và việc cấp giấy đi đường phải có quy định rõ ràng, liệt kê rõ đối tượng. Như hiện nay, bản thân luật sư, cán bộ ngân hàng từ một năm rưỡi nay đang thuộc nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nay cũng không biết mình ở nhóm nào, không biết có được đi làm hay không bởi mọi thứ đang tù mù.

Thứ 3, khi tiến hành làm các thủ tục cấp giấy đi đường cơ quan chức năng phải áp dụng tối đa hoá công nghệ, chỉ làm trực tiếp với trường hợp không thể áp dụng công nghệ. Đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ ở Hà Nội đã phổ cập, sử dụng mã QR code đã quá thông dụng nên chính quyền có thể cấp mã tự động từ xa và sử dụng qua các thiết bị, phương tiện được. Sự lây lan duy nhất của dịch bệnh COVID-19 là do tiếp xúc gần, vì vậy, muốn chống dịch thành công thì phải giảm thiểu “tử huyệt” này. Do đó, cần phải thực hiện cấp mã chứ không cấp giấy, kiểm soát bằng phương tiện kỹ thuật chứ không kiểm soát trực tiếp bằng tay hay bằng mắt thường. Kiểm soát việc đi đường chỉ là hình thức, là phụ, còn bản chất và chính là phải kiểm soát sự di chuyển của 3 nhóm đối tượng, nhóm người tương đối an toàn (đã mắc bệnh, đã tiêm 2 mũi, đã có kết quá xét nghiệm), nhóm người đang có nguy cơ (tiếp xúc gần với F0, ờ rất gần F0, đang có dấu hiệu nghi vấn) và người đang bị dương tính FO (có hoặc chưa có triệu chứng).

Thứ 4, các cơ quan chức năng Hà Nội cần tập trung vào việc ứng phó cấp cứu, chạy chữa cho các ca bệnh F0 nặng và các bệnh nhân nguy hiểm khác, đồng thời nhanh chóng thay thế việc cách ly tập trung bằng cách ly phân tán tại chỗ các ca F0 không triệu chứng nặng và toàn bộ các ca F1.

Thứ 5, phải tập trung vào việc phân loại đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và yêu cầu của Chính phủ, không chỉ mũi thứ nhất, mà cà mũi thứ 2. Hiện nay nhiều người đã đến hạn tiêm mũi thứ 2 nhưng chưa biết bao giờ mới được tiêm tiếp, nhất là đối với vaxin Moderna. Ngoài ra, theo Luật sư Đức, tại Hà Nội, thành phố cần tập trung vào việc tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, các cấp chính quyền cơ sở để bảo đảm việc nắm bắt, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng yêu cầu, mục đích thực chất và hiệu quả. Cách làm như hiện nay còn thiếu thống nhất, thiếu hợp lý, rất lúng túng, thậm chí là tuỳ tiện, lung tung. Do đó cán bộ thì rất vất vả, người dân thì rất bức xúc.

Cuối cùng, theo LS Đức, Hà Nội cần thay đổi cơ bản quan điểm chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến của các bác sỹ, nhà khoa học. Thành phố không nên tiếp tục thực hiện giãn cách quá lâu, quá rộng vì sẽ không đủ nguồn lực từ y tế, con người đến tiền bạc và thực tế không thể theo đuổi mục tiêu vô trùng, vô khuẩn, mà phải chấp nhận sự cân bằng nhất định giữa việc phòng chống dịch bện với duy trì sản xuất, kinh doanh và cuộc sống dân sinh. Biện pháp trước mắt là phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định bằng việc nới lỏng để duy trì hoạt động kinh tế, duy trì được đời sống. Có giữ vững mạch máu kinh tế, bảo đảm được sản xuất kinh doanh thì mới có sức trụ được và có khả năng chống dịch. Chống dịch vẫn như chống giặc, nhưng thay vì phân rõ địch ta rõ ràng để dàn trận chiến đấu, thì cần phải chấp nhận kiểu chiến tranh du kích, đánh địch từ trong lòng định, vì dịch kẻ địch vô hình.

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,795