(DV) – Bà Nguyễn Phương Hằng – vợ Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam Huỳnh Uy Dũng, tuyên bố giữ 1,9 kg giấy tờ sao kê tài khoản của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và những ồn ào xung quanh việc minh bạch các khoản quyên góp từ thiện của một nghệ sĩ Việt, nhiều người không khỏi tò mò về chi phí in sao kê tài khoản ngân hàng.
Việc bà Nguyễn Phương Hằng – vợ Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam Huỳnh Uy Dũng livestream yêu cầu ca sĩ Thủy Tiên phải minh bạch 177 tỷ đồng từ thiện miền Trung với công chúng gây xôn xao dư luận.
Mới đây nhất, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên cũng livestream cho biết sau khi TP.HCM hết giãn cách sẽ tiến hành sao kê đầy đủ giấy tờ để chứng minh chuyện “ăn chặn” tiền từ thiện chỉ là vu khống.
Nhiều nghệ sĩ Việt lên tiếng khi bị “tố” thiếu minh bạch trong từ thiện. (Ảnh chụp từ FBNV)
Ca sĩ Thủy Tiên cũng tiết lộ, trước đây cô chọn cách sao kê tài khoản tổng tiền từ thiện, có xác nhận của ngân hàng vì số lượng người chuyển tiền quá nhiều, sao kê có thể lên đến vài thùng giấy và rất khó để ngân hàng tổng kết.
Tuy nhiên, sự việc ngày trở nên nhạy cảm nên Thủy Tiên tuyên bố sẽ cố gắng đưa ra sao kê đầy đủ về số tiền từ thiện miền Trung.
Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng cũng từng chia sẻ về số tiền từ thiện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, người phụ nữ này cho biết đang giữ khoảng 1,9 kg giấy tờ sao kê tài khoản với số tiền lên đến 96 tỷ đồng, chứ không phải 1,8 tỷ đồng mà ca sĩ này công bố trước đó.
Ai được yêu cầu in sao kê tài khoản từ ngân hàng?
Chia sẻ với Dân Việt, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết theo quy định của pháp luật ngoài bản thân ngân hàng, chỉ có chủ tài khoản và người được chủ tài khoản ủy quyền được yêu cầu sao kê tài khoản ngân hàng tại chính ngân hàng.
Theo quy định của pháp luật ngoài bản thân ngân hàng, chỉ có chủ tài khoản và người được chủ tài khoản ủy quyền được yêu cầu sao kê tài khoản ngân hàng tại chính ngân hàng. (Ảnh: LVP)
Trong một số trường hợp đặc biệt, một số cá nhân, tổ chức có thẩm quyền theo quy định cụ thể của pháp luật mới có quyền yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản ngân hàng của người khác.
Theo đó, 10 nhóm cá nhân của cơ quan sau mới có thẩm quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin sao kê tài khoản của khách hàng gồm: cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, Viện kiểm soát nhân dân, tòa án nhân dân các cấp, điều tra viên các cơ quan điều tra, đơn vị nghiệp vụ, cơ quan thi hành án, cơ quan hải quan, cơ quan thuế, cá nhân cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký văn bản nhà nước.
Tất cả cá nhân, cơ quan này đều phải tuân thủ theo các trình tự, thủ tục, hồ sơ quy định rất chi tiết tại Nghị định 117/2018 về bảo mật cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng.
Cũng theo ông Đức, trong bất cứ trường hợp nào, nếu ngân hàng làm sai quy định sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng – 80 triệu đồng.
Về hình thức, nếu in sao kê trực tiếp tại ngân hàng, chính chủ cầm theo chứng minh thư/căn cước công dân (CMT/CCCD) tới ngân hàng, sau khi giao dịch viên xác thực nhân thân khách hàng và thực hiện sao kê theo yêu cầu.
Trong trường hợp được ủy quyền, khách hàng cầm theo giấy ủy quyền hợp lệ và CMT/CCCD của mình đến yêu cầu sao kê.
Trường hợp không đến trực tiếp, chính chủ tài khoản sử dụng số điện thoại đã đăng ký với ngân hàng, gọi lên và sẽ được hỏi những câu nhằm xác định chính chủ (gồm số CMT, ngày tháng năm sinh, các giao dịch gần nhất trên tài khoản…).
Sau khi đã xác minh là chính chủ thì sẽ hỗ trợ gửi sao kê theo hai hình thức: qua email (đã đăng ký với ngân hàng) hoặc gửi chuyển phát nhanh (CPN) bản cứng về địa chỉ khách hàng đã đăng ký với ngân hàng.
In cả cân giấy sao kê tài khoản mất bao nhiêu tiền?
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, cũng giống như lãi suất hay các loại phí khác, các ngân hàng có quy định riêng về phí sao kê tài khoản, có thể là miễn phí đến vài chục nghìn đồng/lần hoặc tính theo số trang sao kê tùy thuộc vào chính sách, sự thỏa thuận của ngân hàng và khách hàng. Nếu khách hàng tự sao kê tài khoản của mình từ tài khoản điện tử sẽ không mất phí.
Nếu khách hàng tự sao kê tài khoản của mình từ tài khoản điện tử sẽ không mất phí. (Ảnh: LT)
Trên thực tế, hầu hết ngân hàng đều có hai loại hình sao kê tài khoản là trực tiếp tại phòng giao dịch hoặc trực tuyến (online). Trong trường hợp khách hàng không thể di chuyển từ nhà đến phòng giao dịch các ngân hàng để làm thủ tục sao kê, thì có thể sao kê trực tuyến tại nhà.
Chi phí in sao kê phụ thuộc vào quy định của từng ngân hàng, thường phổ biến 2.000-5.000 đồng/trang và có thể miễn phí toàn bộ cho khách hàng VIP.
Tại Vietcombank, ngân hàng miễn phí với in sao kê định kỳ một lần một tháng, khi in sao kê định kỳ nhiều hơn một lần một tháng sẽ thu phí 5.000 đồng/trang hoặc theo thỏa thuận, tối thiểu 20.000 đồng/lần.
Đối với in sao kê đột xuất theo yêu cầu của khách hàng, chi phí tại Vietcombank cũng là 5.000 đồng/trang.
Tuy nhiên, nếu in sao kê các giao dịch phát sinh trong 12 tháng kể từ ngày yêu cầu, phí in tối thiểu là 30.000 đồng/lần; sao kê giao dịch phát sinh trên 12 tháng tối thiểu 50.000 đồng/lần.
Còn tại VietinBank và VPBank, chi phí in sao kê theo yêu cầu là 2.000 đồng/trang, tối thiểu 10.000 đồng/lần. VPBank miễn phí toàn bộ với khách hàng VIP.
1 gram giấy A4 định lượng 70 gsm sẽ nặng hơn 2 kg tương đương 500 tờ. Như vậy với một khách hàng thường, ước tính với mức giá in tối thiểu 2.000 đồng/trang, nếu in 1,9 kg sao kê, số tiền phí khách hàng bỏ ra khoảng 950.000 đồng.
H.Anh
——–
Dân Việt (Kinh tế) 07-9-2021:
https://danviet.vn/on-ao-sao-ke-tai-khoan-tu-thien-in-19-kg-giay-mat-bao-tien-20210907123108631.htm
(544/1.182)