(BĐT) – (Tài chính) – Chuyển nợ thành vốn góp là cách thức tái cơ cấu nợ và hoạt động của doanh nghiệp được áp dụng ở nhiều nước nhưng vẫn còn rất hạn chế tại Việt Nam. Để thúc đẩy hoạt động này, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thị trường mua bán nợ, đồng thời khuyến khích hình thành nhiều công ty mua bán nợ.
Hoạt động kinh doanh của Sadico Cần Thơ khôi phục và tăng trưởng trở lại sau khi Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam chuyển nợ thành vốn góp. Ảnh: Sadico |
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 62/2021/TT-BTC về Quy chế tài chính của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC), thay thế Thông tư số 134/2016/TT-BTC, trong đó nêu rõ hơn nội dung DATC thực hiện chuyển nợ thành vốn góp tại các doanh nghiệp do công ty này thực hiện tái cơ cấu.
Cụ thể, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thực hiện theo phương án đã thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, phù hợp quy định của pháp luật về sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp khác, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận với chủ sở hữu doanh nghiệp. DATC không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có vốn góp chi phối của DATC thông qua tái cơ cấu nợ theo hình thức chuyển nợ thành vốn góp.
Cách thức chuyển nợ thành vốn góp để đẩy mạnh việc tái cơ cấu doanh nghiệp đã được DATC và một số ngân hàng thương mại thực hiện từ nhiều năm trước. Đơn cử, năm 2007, Công ty Sadico Cần Thơ (SDG) rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng nề, mất khả năng thanh toán nợ, được DATC xử lý tài chính và nắm giữ 50% cổ phần từ tháng 6/2007. Sau 4 năm tái cấu trúc, hoạt động kinh doanh của SDG đã khôi phục hoàn toàn và tăng trưởng trở lại.
Năm 2011, Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định và bị thua lỗ. Các chủ nợ chính là các tổ chức tín dụng đã cùng phối hợp tái cấu trúc hoạt động của Công ty thông qua việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần. Đến 24/8/2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 25 triệu cổ phần, bằng 50% vốn điều lệ Bianfishco và tham gia tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, chuyển nợ thành vốn đầu tư là hình thức mà nhiều doanh nghiệp ở các nước phát triển thực hiện với sự tính toán thấu đáo, chặt chẽ cả cơ hội và rủi ro. Theo đó, chủ nợ xác định có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, đủ nguồn lực để trở thành cổ đông và tham gia tái cấu trúc hiệu quả công ty “con nợ” thì mới làm. Tại Việt Nam cũng vậy, khi xét thấy doanh nghiệp có khả năng phục hồi thì chủ nợ mới tính đến phương án chuyển nợ thành vốn cổ phần.
“Do đó, đây là cách thức phù hợp với những công ty chủ nợ, hoặc công ty mua bán nợ có năng lực tái thiết tốt. DATC và một số công ty khác đã làm tốt trong một số trường hợp được công khai. Đây là một trong những biện pháp hỗ trợ tích cực để thúc đẩy hoạt động mua bán nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp, cần có sự tham gia tích cực hơn của các công ty khác trên thị trường”, ông Hiếu nói.
Theo luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco, biện pháp chuyển đổi nợ thành vốn góp giúp doanh nghiệp loại ra khỏi bảng cân đối kế toán khoản nợ xấu, lành mạnh hóa sổ sách tài chính, phục dựng lại hình ảnh, đồng thời nâng cao khả năng và hiệu quả hoạt động, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa.
Ở khía cạnh khác, theo ông Phong, việc thúc đẩy hoạt động chuyển nợ thành vốn góp sẽ hiệu quả hơn trong một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa với hành lang pháp lý rõ ràng. Hơn nữa, các doanh nghiệp tư nhân có khả năng chấp nhận rủi ro tốt hơn, năng lực quản trị nhìn chung là tốt hơn, nên cần khuyến khích khối doanh nghiệp này tham gia thị trường mua bán nợ cũng như thực hiện nghiệp vụ chuyển nợ thành vốn góp. Do vậy, cần có những động thái quyết liệt và mạnh dạn hơn nữa trong việc tạo lập thị trường mua bán nợ theo cơ chế thị trường.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, thực tế ở Việt Nam hiện nay, việc mua nợ chủ yếu nhắm đến việc mua tài sản hoặc thâu tóm doanh nghiệp, ý chí mua để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp có thể có nhưng không nhiều. Việc thúc đẩy hoạt động mua nợ rồi chuyển nợ thành vốn góp là một cách tích cực hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, giúp doanh nghiệp cân đối tài chính, từ đó quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện vì mỗi “con nợ” hoạt động ở một lĩnh vực khác nhau, phải rất am hiểu để phân tích và thấy triển vọng thật khả quan thì mới dám tham gia. Hành lang pháp lý hiện tại đã đầy đủ và thuận tiện cho việc thành lập các công ty mua bán nợ, cần thúc đẩy thành lập các công ty mua bán nợ để thị trường có đa dạng người mua, vừa tạo tính thanh khoản cho thị trường nợ, vừa tạo cơ hội cho các công ty gặp khó khăn có thể được tái cơ cấu và phát triển trở lại.
Xuân Yến
08-9-2021:
https://baodauthau.vn/chuyen-no-thanh-von-gop-can-them-nhieu-cong-ty-mua-ban-no-post112605.html
(202/1.103)