(24h) – Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, đòi nợ thuê nên được nhìn nhận là một loại hình dịch vụ. Ông cho rằng, chỉ nên cấm những hoạt động đòi nợ bất hợp pháp, chứ không cấm hoạt động đòi nợ được Nhà nước cho phép.
GS.TSKH Nguyễn Mại
Tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam”, ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) cho rằng vay tiêu dùng là nhu cầu cần thiết cấp bách của người dân, đặc biệt là những người yếu thế khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, theo ông Ninh, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, một trong số đó là khó khăn trong hoạt động đòi nợ. Việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường.
Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra tình trạng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, một số trụ sở, chi nhánh, văn phòng mở rộng của các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép, được báo chí đưa tin dày đặc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh uy tín và dẫn đến hoạt động thu hồi nợ bị đình trệ, nợ xấu tăng cao do một số khách hàng cố tình vin vào những tin tức này để tẩy chay, cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng này là phạm pháp, chây ỳ việc trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần.
Tỷ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao; trong khi đó, chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp.
Thêm vào đó, ông Lê Quốc Ninh cho biết gần đây xảy ra hiện tượng “rủ nhau” bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ “khủng bố”, đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính (tính đến ngày 31/12/2022, nợ xấu của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tăng 23,09% so với thời điểm 31/12/2021 và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới).
Bên cạnh đó, nhân viên thu hồi nợ của công ty bị ảnh hưởng tâm lý về việc bị đe dọa ngược từ khách hàng, hoang mang, lo lắng vì nhiều thông tin trái chiều (bắt bớ, điều tra,… từ kiểm tra của cơ quan chức năng ).
Việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các công ty tài chính tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý.
Tại buổi tọa đàm, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết theo phản ánh, các công ty cho vay tài chính tiêu dùng đang gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ trong khi dịch vụ đòi nợ thuê đã bị cấm từ khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, các cơ chế khác thì không mấy hiệu quả.
Theo ông, điều khó nhất trong tài chính tiêu dùng là đòi nợ bất hợp pháp và cần nghiên cứu để đưa ra giải pháp. Trong đó phải chuyên nghiệp hóa trong việc đòi nợ và cần có đạo luật xử lý nợ xấu để giải quyết các vấn đề của công ty tài chính cũng như hoạt động tài chính tiêu dùng.
“Tôi cho rằng chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng hơn về vấn đề này. Xã hội càng văn minh phát triển thì càng phải chuyên nghiệp, từ những khâu vô cùng nhỏ. Theo tôi cần thiết phải xem lại luật để có quy định về thu hồi nợ cho phù hợp”, luật sư cho biết.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, đòi nợ thuê nên được nhìn nhận là một loại hình dịch vụ. Ông cho rằng, chỉ nên cấm những hoạt động đòi nợ bất hợp pháp, chứ không cấm hoạt động đòi nợ được Nhà nước cho phép. GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết cần có chuyên gia có chuyên môn đòi nợ. Theo ông, không có gì hiệu quả hơn là chuyên nghiệp hoá từng lĩnh vực rất nhỏ.
“Câu chuyện chính không phải là khôi phục “đòi nợ thuê” mà là khôi phục tư duy làm luật theo kinh tế thị trường hiện đại, bớt sai lầm trong tư duy không quản được thì cấm. Khi cho vay theo cơ chế thị trường nghĩa là giữa người vay và người cho vay phải có thoả thuận. Đây là thoả thuận dân sự và chúng ta không nên hình sự hoá thoả thuận này”, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết.
Tại buổi toạ đàm, vị chuyên gia này đề nghị Chỉnh phủ xây dựng luật riêng cho tài chính tiêu dùng. Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành khối dịch vụ nghiên cứu và tư vấn FiinGroup, cũng đề xuất xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đòi nợ.
Theo ông Đồng, nên xem xét đưa hoạt động thu hồi nợ thành hoạt động chuyên nghiệp chính thức, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho cả hoạt động đòi nợ cho tổ chức tài chính và các tổ chức phi chính thức. Ông cho rằng, các quy định hiện hanh trong pháp luật rất sơ sài về đòi nợ cũng như hoạt động cho vay tài sản.
Lê Thúy Hằng
———-
24h Money (Tài chính) ngày 26-4-2023:
(179/1.052) #TCTD #TDTD