3.488. Luật sư là “nhịp cầu” kết nối giữa pháp luật và kinh doanh.

(LĐ) – Luật sư Trương Thanh Đức là chuyên gia khách mời của nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Lao Động TV. Ảnh chụp màn hình

Hiện nay, có một thực tế: Trong hệ thống các quy định pháp luật còn không ít sự chồng chéo, bất cập, mâu thuẫn, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển. Làm thế nào để tháo gỡ vấn đề này? Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – đã có những ý kiến trao đổi thẳng thắn xung quanh công tác xây dựng luật và thực thi pháp luật.

Từng đảm trách vị trí quan trọng ở một số ngân hàng, nên hẳn ông đã gặp không ít khó khăn, như với nhiều doanh nghiệp (DN) khác, khi đối mặt với một ”rừng’’ văn bản quy phạm pháp luật?

– Với 35 năm hành nghề, công việc chính của tôi là nghiên cứu và áp dụng pháp luật, thì phải thừa nhận rằng, với một hệ thống pháp luật nhiều tầng nấc, rất phức tạp và còn quá nhiều điểm bất hợp lý, đó đúng là một “rừng rậm”. Trong cuộc sống và kinh doanh, không thể không nắm bắt và tuân thủ pháp luật, đồng thời rất hiếm người muốn vi phạm pháp luật, nhưng cái khó là để hiểu và làm đúng luật thì không hề đơn giản. Nhưng nếu muốn tìm hiểu và tuân thủ pháp luật thì buộc phải có phương pháp, kỹ năng, chuyên môn, đồng thời cũng phải chấp nhận bước vào “rừng” hết sức cẩn trọng và an toàn, không để mình rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Vì vậy, các DN, doanh nhân, ngoài việc tự mình bắt buộc vẫn phải đi, thì cũng rất cần dựa vào “hoa tiêu luật” – tức là luật sư, là người ít nhiều thông thạo đường đi, chỉ dẫn mục tiêu, tìm lối ra nhanh nhất, chính xác nhất trong cái ”rừng luật’’ ấy.

Ông nghĩ sao về việc ”phạt cho tồn tại’’ của cơ quan chức năng khiến dư luận bức xúc bấy lâu nay, không chỉ riêng với những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, khiến cho việc xử lý bị ”nhờn thuốc”?

– Pháp luật xử lý vi phạm không phải là chỉ nhăm nhăm vào việc xử phạt, mà phải đạt được tác dụng lớn hơn là nhằm cảnh báo, ngăn chặn và phòng ngừa, hạn chế vi phạm. Vì vậy, nếu người vi phạm bị xử lý mà vẫn không cảm thấy bị bất lợi, thậm chí còn có lợi hơn, thì việc xử phạt chỉ là thắng lợi nhỏ bé và tạm thời, còn thất bại trong việc thực thi pháp luật mới là vấn đề lớn và lâu dài.

Việc ”phạt cho tồn tại’’ thường có lợi cho người vi phạm, nhưng có hại cho tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Vấn đề không khó để nhận ra, nhưng nó vẫn xảy ra, thì lại phải xem lại tính đúng đắn, hợp lý và khả thi của pháp luật? Điều đó thể hiện một thực tế rằng, chính pháp luật xử phạt cũng phải “lùi bước” trước vi phạm, đồng thời cũng cho thấy trong nhiều trường hợp, nếu không cho tồn tại thì ”có gì đó sai sai’’. Sự nhùng nhằng, không dứt khoát của pháp luật chứng tỏ rằng tính hệ thống, tính đồng bộ của pháp luật đã bị phá vỡ. Vì vậy, cần phải xem xét xử lý ở tầm cao hơn, sâu hơn và toàn diện hơn, thì sau một thời gian dài mới có thể chấm dứt tình trạng này.

Từ việc thu hồi gấp gáp văn bản có tính pháp quy của một số cơ quan, bộ, ngành mới đây, đã bị dư luận xã hội phản ứng mạnh (như các văn bản của Bộ Y tế, TP.Hà Nội…) cho thấy một ”lỗ hổng’’ trong trách nhiệm soạn thảo và ký ban hành văn bản. Vậy, điều cần thiết nào cần phải thay đổi/xử lý cho đúng luật định?

– Trước hết, phải thừa nhận rằng, đây là những văn bản ra đời trong tình thế gấp gáp phòng, chống đại dịch. “Lỗ hổng” đã bộc lộ và đã được nhanh chóng “vá”, như những trường hợp nêu trên, đều đã được sửa sai chỉ trong 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, lỗi ban hành văn bản lại không phải là ở câu chữ, ý tứ, quy trình, mà là ở tư duy, quan điểm quản lý không chuẩn, thậm chí là trái luật, làm xấu thêm tình trạng vốn đã khó khăn, căng thẳng, làm mất thêm lòng tin của dân chúng vào năng lực, thậm chí vào sự liêm chính của một số cơ quan chức năng.

Tôi cho rằng, bài học ở đây không phải là lấp hỗ hổng pháp lý, mà cần cân nhắc thấu đáo, chặt chẽ, kỹ lưỡng, không chỉ tập trung vào mục tiêu, mong muốn của người ban hành, mà cần phải giảm thiểu lỗ hổng trống rỗng về hiệu quả, lỗ hổng pha loãng tác động thiết thực, lỗ hổng khoét rộng bất lợi do văn bản mang lại.

Để đối phó với đại dịch COVID-19, việc tiêm vaccine là cần thiết đối với mọi người dân cũng như DN, nhưng cơ quan chức năng chưa làm rõ việc ”tự nguyện hay bắt buộc phải tiêm’’, khiến mọi người còn băn khoăn. Ông nghĩ sao về điều này?

– COVID-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm ở cấp nguy hiểm cao nhất, nên cần tập trung phòng, chống; trong đó có việc xác định rõ ràng khái niệm, yêu cầu, hành động cũng như quy định pháp luật. Liên quan tới việc phòng, chống dịch, thì trước đây, Khoản 1, Điều 29, Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007 đã quy định: “Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine…”. Còn trong Điểm a, Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì quy định: Phạt từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi “Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”. Tuy nhiên đến nay, Thông tư số 38/2017/TT-BYT hiện hành của Bộ trưởng Bộ Y tế mới chỉ quy định có 8 bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm vaccine, gồm 3 bệnh thuộc nhóm A (bại liệt, tả và viêm não Nhật Bản B) và 5 bệnh thuộc nhóm B (bạch hầu, dại, ho gà, rubella và sởi).

Hiện, dịch bệnh COVID-19 thuộc nhóm A, với mức độ lây lan nhanh và nguy hiểm cao hơn 8 loại dịch bệnh nói trên (trong đó có 3 dịch bệnh nhóm A), nên rất cần phải xác định rõ ràng có hay không bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm chủng mở rộng. Nếu không bắt buộc, thì mới đặt ra vấn đề người tham gia phải ký “Phiếu cam kết đồng ý tiêm chủng” theo Quyết định số 3802/QĐ-BYT ngày 10.8.2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19’’. Còn nếu bắt buộc, thì “Khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại” theo quy định tại Khoản 6, Điều 30, Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Ngoài việc tham gia nhóm tác giả của một số đầu sách, ông đã có riêng 3 cuốn sách thu hút bạn đọc. Điều gì đã khiến nhiều DN, doanh nhân quan tâm tới những ấn phẩm ”khô khan’’ đó?

– Với những trải nghiệm trước sự khó khăn, vướng mắc của DN trong việc tìm hiểu và vận dụng pháp luật, tôi đã viết 3 cuốn sách dành cho DN và ngân hàng. Cuốn đầu là “Kinh doanh sành luật” (Ứng dụng Luật Doanh nghiệp và quy định liên quan), 512 trang, xuất bản năm 2016, đã in lại lần thứ 7 (năm 2021). Hai cuốn còn lại gồm: “9 biện pháp bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng” (Quy định, thực tế và thiết kế giao dịch theo Bộ luật Dân sự), 604 trang, xuất bản năm 2017, đã in lại lần thứ 6 (năm 2021) và “Cẩm nang pháp luật ngân hàng” (Nhận diện những vấn đề pháp lý), 576 trang, xuất bản năm 2020, đã in lần thứ 2. Cả 3 cuốn sách đều do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành, đến nay đã bán được gần 12.000 cuốn. Sở dĩ sách được độc giả quan tâm và in lại nhiều lần là bởi nội dung có tính thực tế, rõ ràng, đơn giản, cụ thể, dễ hiểu, không nặng về lý thuyết, một chiều, hay sao chép luật và tài liệu khác.

Ông tâm đắc câu nói/quan điểm nào có liên quan tới pháp luật mà lợi ích của nó phù hợp với sự phát triển của xã hội?

– Tôi thích một câu nói đã đọc được, đó là “Kinh doanh, đó là cuộc chơi mà chiến thắng thường thuộc về người sành sỏi luật chơi, còn thất bại thì đến với người thực hiện đúng luật chơi”. Điều đó hoàn toàn không phải là câu chuyện phạm luật hay lách luật. Đó là một câu vừa đúng thực tế, vừa có tính hài hước; vừa là luật pháp áp dụng trong thương trường, đồng thời vừa là luật chơi trong các cuộc chơi nói chung.

Đó chính là lời khuyên trong rèn luyện và cạnh tranh: Cần phải giỏi trong lĩnh vực của mình. Đó cũng chính là ý tưởng mà tôi theo đuổi để rồi đặt tên cho cuốn sách “Kinh doanh sành luật”, đồng thời cũng lấy làm slogan của Công ty Luật ANVI – một đơn vị có chức năng tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác cho mọi DN, pháp nhân và cá nhân. Trong đó, thế mạnh là cung cấp dịch vụ pháp lý trong hoạt động quản trị, điều hành, đầu tư, kinh doanh cho DN và các ngân hàng, tổ chức tài chính.

Tôi cũng đã đúc kết và từng chia sẻ trên báo chí: Luật sư đóng vai trò là “nhịp cầu” kết nối giữa pháp luật và kinh doanh: Biến sự bó buộc, khuôn khổ, công thức cứng nhắc của pháp luật thành sự tự do, sáng tạo, thay đổi linh hoạt của kinh doanh.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

 

LÊ QUANG VINH (THỰC HIỆN)

Lao Động (cuối tuần) 11-9-2021:

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/luat-su-la-nhip-cau-ket-noi-giua-phap-luat-va-kinh-doanh-951700.ldo

(1.629/1.898)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,383