Toạ đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam”: Cầm đồ là kênh tài chính tiêu dùng được cấp phép
(DN&PL) – Hoạt động cầm đồ là hoạt động cho vay truyền thống tồn tại 100 năm nay, phổ biến ở nhiều quốc gia. Bởi khách hàng có nhu cầu, hoạt đồng này còn tồn tại. Theo các chuyên gia, vấn đề chúng ta làm sao phải đưa vào khuôn khổ đề quản lý.
Với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi), Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, thị trường tài chính tiêu dùng đã phát triển bùng nổ với nhiều loại hình dịch vụ cho vay tiêu dùng phong phú, đa đạng.
Đến nay, đã có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động theo điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng, đối tượng vay chủ yếu là người lao động, khó tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng.
Tính đến 31/12/2022, tổng dư nợ 16 công ty tài chính mới đạt trên 220.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Thị trường tài chính tiêu dùng còn có sự góp mặt của nhiều loại hình cho vay tiêu dùng khác như các chuỗi dịch vụ cho vay cầm đồ và tiệm cầm đồ nhỏ lẻ; các công ty fintech; công ty tài chính… hoạt động theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư 2020.
Điều này cho thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng nói chung và hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống nói riêng đã có vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, qua đó thực hiện chiến lược tài chính toàn diện.
Dù thị trường tài chính tiêu dùng có vai trò và tiềm năng rất lớn nhưng trên thực tế đang bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp, bất ổn khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện, triệt phá nhiều tổ chức, cá nhân dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay cũng như thu hồi nợ.
Tại toạ đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam”, các chuyên gia, luật sư, đại diện doanh nghiệp đã cùng thảo luận, đưa ý kiến nhằm đánh giá đúng thực trạng và tìm kiếm các giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng.
Cầm đồ là tài chính tiêu dùng được cấp phép
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam bao gồm cả kênh tín dụng chính thức và phi chính thức. Trong đó, tài chính tiêu dùng chính thức là các tổ chức tín dụng được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà Nước và hoạt động theo Luật Các Tổ chức tín dụng, gồm: Ngân hàng thương mại (NHTM) và Công ty tài chính (CTTC).
Tài chính tiêu dùng phi chính thức (tuân theo các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015) gồm: Dịch vụ cầm đồ, P2P, các apps cho vay trực tuyến, dịch vụ mua trước trả sau.
Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành, Khối dịch vụ nghiên cứu và Tư vấn FiinGroup. Ảnh: Trọng Hiếu.
Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành, Khối dịch vụ nghiên cứu và Tư vấn FiinGroup cho biết, hoạt động cầm đồ là hoạt động cho vay truyền thống tồn tại 100 năm nay, phổ biến ở nhiều quốc gia. Khách hàng có có nhu cầu, thì hoạt động này sẽ còn tồn tại bởi đáp ứng được phân khúc khách hàng chưa đáp ứng được yêu cầu của các công ty chính thống vấn đề của cầm đồ là về lãi suất và thu hồi nợ. Lãi suất đang hoạt động theo Bộ luật Dân sự. Vấn đề chúng ta phải đưa vào khuôn khổ để quản lý.
Ở Việt Nam, mô hình kinh doanh của các chuỗi cầm đồ, hình thức pháp lý là hoạt động theo Giấy đăng ký Kinh doanh được cấp bởi Sở Kế hoạch Đầu tư các tỉnh, thành phố và tuân theo các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện (Nghị định 96/2016).
Theo ông Đồng, hiện tại, mức lãi suất tại quy định 20%, không quy định mức phí, đây chính là kẽ hở. Họ tính mức phí vài trăm % thì người vay sao chịu được.
Qua tìm hiểu, hoạt động cầm đồ ở các nước khác đều có mức trần lãi suất, hạn chế tác động cho người yếu thế. Còn về thu hồi nợ, hoạt động cầm đồ là có tài sản đảm bảo nhưng thực tế, hoạt động của chuỗi cầm đồ, thậm chí là công ty cầm đồ lớn thì tài sản đảm bảo là tài sản cá nhân, đăng ký xe. Bản chất chúng ta không cầm tài sản gì cả. Do đó, đây là điểm yếu dẫn đến họ đi đòi nợ cực đoạn. Ông Đồng cho rằng, nên xem xét đưa hoạt động thu hồi nợ thành hoạt động chuyên nghiệp chính thức và cần có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này.
Về vấn đề trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, phản ánh của các doanh nghiệp cho vay tài chính tiêu dùng cho thấy họ gặp khó trong việc thu hồi nợ. Đặc biệt, dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, các cơ chế khác cũng không mấy hiệu quả. Từ vấn đề này, tôi cho rằng chúng ta cần xét kỹ lưỡng hơn. Xã hội càng văn minh phát triển thì càng chuyên nghiệp, cần chuyên nghiệp từ khâu nhỏ nhất.
Như mấy sự việc gần đây đều là nợ của ngân hàng, công ty tài chính hợp pháp. Gần đây nhất có thông tin truy tố 60 bị can đòi nợ thuê “núp bóng” công ty luật. Đây là bằng chứng cho thấy chúng ta cần thiết phải xem lại luật để có quy định về thu hồi nợ cho phù hợp.
Một vấn đề nữa tôi cho rằng có nhiều vấn đề chưa rạch ròi, chưa sòng phẳng rõ ràng. Có ý kiến đặt ra vấn đề tài chính tiêu dùng chính thống, trong đó có 16 công ty tài chính chính thống, do Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhưng quan điểm của tôi, tín dụng cầm đồ cũng là chính thống bởi họ hoạt động theo sự cho phép của cơ quan Nhà nước.
Vấn đề cần đặt ra ở đây là các doanh nghiệp tiêu dùng cũng như dịch vụ cho vay cầm đồ gặp khó khăn trong việc cho vay. Đó là quy định về lãi suất phí, cũng như thu hồi nợ thì cần nhìn nhận việc quản lý như thế nào, hành lang pháp lý cho các mô hình đã tạo điều kiện hay chưa. Cái khó nhất trong tài chính tiêu dùng là đòi nợ bất hợp pháp thì chúng ta cần nghiên cứu để có giải pháp. Trong đó, phải chuyên nghiệp hóa trong việc đòi nợ và cần có đạo luật xử lý nợ xấu để giải quyết các vấn đề trên.
Đòi nợ thuê nên nhìn nhận là một loại hình dịch vụ
Về vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, đòi nợ thuê nên nhìn nhận là một loại hình dịch vụ. Ông khẳng định, luật là cuộc sống, phản ánh thực tiễn. Nếu cấm, thì là cấm những gì bất hợp pháp.
Câu chuyện ở đây là chúng ta cần đề cập là khôi phục lại tư duy làm luật theo kinh tế thị trường hiện đại. Chúng tôi mong rằng cần bớt sai lầm trong tư duy không quản được thì cấm, mà phải tư duy từ cuộc sống.
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Trọng Hiếu.
Theo vị giáo sư này, đã là cho vay thì rõ ràng theo cơ chế thị trường, nghĩa là giữa người vay và cho vay phải thỏa thuận. Chúng ta đã bỏ trần lãi suất, trần giá vé máy bay, thì ngay chuyện cho vay là thế nào cho vay phi pháp cũng tính đến chuyện 2 bên vay và cho vay là thỏa thuận theo quan hệ dân sự và không nền hình sự hóa thỏa thuận đó.
Bên cạnh đó, ông cho rằng Chính phủ cần xây dựng luật riêng cho tài chính tiêu dùng.
Cùng quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, về lâu dài có thể hướng đến đạo luật hoặc quy định riêng cho lĩnh vực đòi nợ. Song để hoàn thành một đạo luật riêng, ông Hiếu cho rằng cần nhiều thời gian từ làm rõ sự cần thiết đến xét tính khả thi. “Tôi chỉ mong muốn rằng trong thời gian tới, trong giải pháp ngắn hạn chúng ta đang rà soát, sửa đổi Luật các TCTD phù hợp”, ông Hiếu cho biết.
Linh Anh
———-
Doanh nhân & Pháp luật (Tài chính) ngày 27-4-2023:
(358/1.630) #TCTD