3.493. Cần có quy chế riêng quy định trách nhiệm của người đi vay

(TSC) – Hiện đang có khoảng trống trong quy định pháp luật để các công ty tài chính thu hồi nợ khi người vay không có ý thức trả nợ. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy chế riêng quy định trách nhiệm của người đi vay.

Cần có quy chế riêng quy định trách nhiệm của người đi vay. Ảnh: Minh họa

Tổng dư nợ của 16 công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đạt trên 220 nghìn tỷ đồng

Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đã ghi nhận sự mở rộng mạnh mẽ về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Các công ty tài chính đã phủ rộng đến các phân khúc khách hàng đại chúng chưa hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản bảo đảm… Đến ngày 31/12/2022 tổng dư nợ của 16 công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.

Được xác định là một kênh dẫn vốn quan trọng góp phần đẩy lùi tín dụng đen, nhưng hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng đang đối diện thực trạng khó đòi nợ.

Ông Lê Quốc Ninh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) đã thẳng thắn chia sẻ, nợ xấu tăng cao khi một số khách hàng cố tình không trả nợ, khách hàng vin vào lý do hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng là phạm pháp. Đặc biệt, gần đây còn xảy ra hiện tượng rủ nhau “bùng” nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ “khủng bố”, đòi nợ phản cảm.

Theo tìm hiểu, chỉ cần lên Facebook gõ cụm từ “bùng nợ” sẽ cho ra một loạt hội nhóm với số lượng thành viên đăng ký tham gia từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên, có thể kể đến như: Hội bùng App vay tiền Online và chia sẻ cách đối phó (59.000 thành viên); Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (174.000 thành viên); Hội Bùng App/web vay tiền online và chia sẻ cách đối phó (3.500 thành viên)…

Ông Nguyễn Đình Đức – Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH HD SAISON, cho rằng thu nợ có hành vi trái pháp luật bị cả xã hội lên án và xử lý. Tuy nhiên, cũng phải thấy rõ sự cần thiết phải có hành lang pháp lý với người đi vay. Theo ông Đức, việc bắt buộc người đi vay phải có trách nhiệm với khoản nợ của mình, cũng là giải pháp để hạn chế hành vi thu nợ trái pháp luật.

Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho cả hoạt động đòi nợ của tổ chức tài chính và các tổ chức phi chính thức.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cái khó nhất trong tài chính tiêu dùng là đòi nợ bất hợp pháp thì chúng ta cần nghiên cứu để có giải pháp.

Còn khoảng trống trong quy định pháp luật để các công ty tài chính thu hồi nợ

PGS.TS Hoàng Xuân Quế – Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) khi nói đến hoạt động thu hồi nợ của công ty tài chính đã cho rằng pháp luật không cấm đòi nợ, chỉ cấm hình thức đòi nợ không hợp pháp như khủng bố, xã hội đen. Vì vậy cần thiết phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước, hệ thống pháp luật phải đồng bộ từ việc xử lý nợ, có chế tài rõ ràng việc thi hành án các trường hợp bùng nợ.

Trong khi đó, theo ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã thiết kế Chiến lược phát triển tài chính toàn diện tầm nhìn đến 2025 và định hướng đến 2030 với nhiệm vụ chính là đảm bảo công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và cho vay. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thi hành như thế nào. Về lâu dài có thể hướng đến đạo luật hoặc quy định riêng cho lĩnh vực đòi nợ. Tuy nhiên, đó là một việc cần thời gian và xem xét tính khả thi. Do đó, trong ngắn hạn, ông Hiếu cho rằng, hai vấn đề về công ty tài chính và xử lý nợ xấu có thể kiến nghị và đưa vào trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cần phải thống nhất nguyên tắc vay là phải trả và lên án hành động cố tình gây khó khăn khi thu hồi nợ. Thực tế khi ra tòa, người đi vay không có gì vì những người vay công ty tài chính tiêu dùng là người yếu thế, không tiếp cận được vốn ngân hàng, không có tài sản bảo đảm, nên rất khó để họ trả nợ.

Ông Hùng cũng cho rằng hiện đang có khoảng trống trong quy định pháp luật để các công ty tài chính thu hồi nợ khi người vay không có ý thức trả nợ.

Vì thế, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, trong đó công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng. Chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp để thực hiện tốt các chính sách về tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tín dụng tiêu dùng, phối hợp để thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho nông dân, công nhân và người dân lao động có thu nhập thấp; tiếp tục siết chặt, kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp có hoạt động cho vay, thu hồi nợ không đúng quy định pháp luật.

T.Hằng

———-

Tài sản công (Chuyển động kinh tế) ngày 03-5-2023:

https://taisancong.vn/can-co-quy-che-rieng-quy-dinh-trach-nhiem-cua-nguoi-di-vay-20383.html

(37/1.146) #TCTD

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,803