(TBTC) – Doanh nghiệp có dùng trái phiếu để đảo nợ ngân hàng hay không là câu chuyện lẩn khuất không dễ phát hiện. Việc kiểm soát thực trạng này sẽ càng khó khăn hơn nếu có sự bắt tay nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh việc cho phép ngân hàng tham gia mua, bán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Đảo nợ – vừa khó vừa dễ
Thời gian qua, quy định pháp lý đã cho phép các ngân hàng tham gia mua bán, giao dịch trái phiếu, thể hiện ở Thông tư 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018). Thông tư 22 và Thông tư 15 đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng nếu không kiểm soát tốt, trái phiếu doanh nghiệp có thể bị lợi dụng để làm công cụ đảo nợ.
Hiện nay, các quy định chống đảo nợ về lý thuyết là khá chặt chẽ. Cụ thể, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định chi tiết về một số nhu cầu vốn không được cho vay nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng. Theo đó, ngân hàng không được cho vay để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng đó hoặc tại tổ chức tín dụng khác (trừ một số trường hợp đặc biệt).
Tuy nhiên, việc các ngân hàng có thể mua bán trái phiếu doanh nghiệp dễ dàng cũng đặt ra lo ngại việc các doanh nghiệp có thể thông qua việc mua bán trái phiếu với ngân hàng để “lách” quy định. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, thực chất việc sử dụng trái phiếu để đảo nợ cũng không dễ, bởi quan điểm quản lý của Ngân hàng Nhà nước cũng coi ngân hàng mua trái phiếu như một khoản cho vay và chịu các quy định về kiểm soát cho vay.
Tuy nhiên, việc đảo nợ bằng trái phiếu cũng không phải là quá khó nếu như ngân hàng và doanh nghiệp họ cố tình bắt tay nhau. Ví dụ, rất nhiều cách để họ có thể lách như để doanh nghiệp phát hành với mục đích sử dụng vốn khác với các khoản tín dụng cũ. Sau khi giải ngân, tiền nếu “vòng” về ngân hàng ngay sau một vài ngày thì có thể dễ lộ, nhưng họ để vài tuần hoặc cả tháng mới cho tiền vòng lại ngân hàng thì việc kiểm soát sẽ rất khó hơn nhiều. Chưa kể, “liên minh” đảo nợ thậm chí có thể còn tinh vi và khó phát hiện hơn nếu được thực hiện thông qua kết hợp của đến 3, 4 bên tham gia. Vì với hình thức này, tiền còn đi lòng vòng qua nhiều bên mới trở lại ngân hàng nên rất khó truy vết.
Siết ngân hàng mua bán trái phiếu
Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn ra rất sôi động, trong đó, dấu ấn đáng kể là sự tham gia của các ngân hàng. Theo tổng hợp của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm, nhóm các ngân hàng thương mại tiếp tục dẫn đầu, với tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 116,1 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, số liệu thống kê từ Công ty chứng khoán SSI cho thấy, các ngân hàng cũng thuộc 2 nhóm đối tượng mua trái phiếu nhất. Trong nửa đầu năm 2021, có tới 55,6% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là do các ngân hàng và công ty chứng khoán nắm giữ. Cụ thể, các ngân hàng thương mại mua vào 44,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,3%; các công ty chứng khoán mua 71,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,4%. Quan sát của SSI cho thấy, tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán tại 31/12/2020 chỉ khoảng 93 nghìn tỷ đồng nên nhiều khả năng công ty chứng khoán chỉ đứng tên mua trái phiếu doanh nghiệp trên sơ cấp, nắm giữ ngắn hạn và nhanh chóng phân phối lại cho các nhà đầu tư khác.
Việc các ngân hàng thương mại tham gia mạnh vào thị trường trái phiếu cũng có mặt tích cực là tạo ra sự sôi động, tăng thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, với quan điểm coi hoạt động mua trái phiếu vẫn cần kiểm soát như hoạt động cho vay, Ngân hàng Nhà nước tỏ ra khá chặt chẽ khi đưa ra một số hàng rào pháp lý mới trong dự thảo sửa đổi Thông tư 22. Ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, diễn biến thực tế thời gian qua cũng có một số ngân hàng “lách” luật, nên các quy định mới cũng có phần hướng tới sự chặt chẽ hơn. Nhưng quan điểm chung vẫn là tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động.
Chia sẻ sự đồng cảm về mặt quản lý nhà nước, ông Nguyễn Viết Mạnh – Ủy viên Hội đồng thành viên Agribank cho biết, thực tế diễn biến trên thị trường trái phiếu cũng có những mặt bất cập cần quản lý. Do đó, các quy định cởi mở cũng cần có giới hạn và các ngân hàng cũng cần có sự chia sẻ với Ngân hàng Nhà nước trong việc đảm bảo giữ thị trường an toàn ổn định. Tuy nhiên, ông Mạnh cũng cho biết, các quy định trong văn bản dù chặt chẽ, nhưng phải sát với thực tế để đảm bảo tính hữu dụng cao nhất của văn bản, văn bản khi ban hành không bị lạc hậu nhanh. Ông Mạnh đưa ra ví dụ, việc tổ chức tín dụng mua đi bán lại trái phiếu cũng là nghiệp vụ bình thường, nếu dự thảo thông tư mới đưa ra quy định sau khi bán phải 12 tháng mới được mua lại là không cần thiết.
Rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang tăng lên Một báo cáo đánh giá của SSI cho biết, môi trường lãi suất thấp giúp dòng tiền đầu tư cũng tìm đến kênh bất động sản nhiều hơn và các doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh huy động vốn trái phiếu để triển khai các dự án. Tuy nhiên, dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của nhóm này bớt thuận lợi. Thanh khoản của thị trường bất động sản có xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần. Các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh… Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. |
Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 14-9-2021:
Chí Tín
(262/1.234)