3.497. Lành mạnh thị trường vay tiêu dùng

(DĐDN) – Pháp luật cho vay và thu nợ càng phù hợp với thực tiễn cuộc sống thì càng dễ được chấp nhận và thực hiện nghiêm túc; còn ngược lại, người phải thực hiện sẽ tìm cách lách luật…”.

Cơ quan chức năng khám xét tại trụ sở Công ty luật Pháp Việt. Ảnh: CACC

Đó là chia sẻ của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI xung quanh vấn đề tìm giải pháp để phát triển thị trường cho vay tiêu dùng một cách lành mạnh và minh bạch.

“Nóng” chuyện cho vay, thu hồi nợ

Theo đó, Báo cáo tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị địa phương phá nhiều vụ án, trong đó có hai vụ án điển hình. Cụ thể là vụ án cưỡng đoạt tài sản liên quan Công ty Luật TNHH Pháp Việt có trụ sở tại TP.HCM. Công ty này có hành vi cưỡng đoạt thông qua việc đòi nợ trái pháp luật.

“Những hành vi đòi nợ vi phạm pháp luật gây bức xúc, lo lắng với người dân, nhất là người dân có vay nợ với các tổ chức tín dụng và ngân hàng” – ông Lê Quốc Hùng nói và thông tin đến nay Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố 54 bị can, trong đó có hai phó giám đốc Công ty TNHH Pháp Việt, 20 trưởng phòng, một thư ký và 31 nhân viên công ty này.

Vụ án thứ hai, theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, từ tháng 11/2022 đến nay, Bộ Công an đã rốt ráo chỉ đạo Công an TP.HCM phối hợp với công an địa phương triệt phá 6 nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty tài chính như Công ty TNHH MTV Mirae Asset, Công ty luật TNHH Power Law chi nhánh Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Tiếng Nói Hay, Công ty CP Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty TNHH Luật Thế Hệ Trẻ, Công ty CP Đầu tư kinh doanh F88.

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố 64 bị can để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản với các hành vi nói trên, tiến hành kiểm tra hành chính một số cơ quan, đơn vị khác như Công ty TNHH Dịch vụ Galaxy, Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam, Công ty Tài chính Shinhan…

“Vàng thau lẫn lộn”

Nhiều ý kiến đánh giá sau khi phá hai vụ án trên, hành vi núp bóng công ty luật, công ty tài chính đòi nợ thuê trái pháp luật, triển khai các hành vi đe dọa khủng bố trên mạng xã hội cũng như đe dọa khủng bố tinh thần của người vay nợ đã giảm hẳn trên cả nước, tạo sự đồng tình, ủng hộ lớn cho người dân

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, từ đây dư luận cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm với hoạt động cho vay tiêu dùng, ảnh hưởng không nhỏ đến những đơn vị cho vay chân chính, thậm chí những doanh nghiệp này cũng bị đánh đồng với “tín dụng đen”.

Nhìn lại các vụ án vừa qua dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La đặt vấn đề, các công ty tài chính, công ty cho vay tiêu dùng đã thực hiện đúng luật chưa? Khi người vay cung cấp hồ sơ đúng luật, công ty đã thẩm định – cho vay hay không là quyền của công ty tài chính. Khi đã cho vay thì không đòi được là trách nhiệm của họ.

Theo luật sư Biên, dù từ năm 2019 đã có quy định cho phép mua bán nợ. Theo đó, doanh nghiệp được quyền bán nợ nhưng đơn vị mua nợ phải hoạt động hợp pháp. Do đó, vị luật sư cho rằng, việc cấp thiết hiện nay là Ngân hàng Nhà nước cần bổ sung quy định để tín dụng tiêu dùng minh bạch, rõ ràng hơn.

“Doanh nghiệp muốn hoạt động phải có giấy phép và hợp đồng vay cần bổ sung giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp, cơ quan chức năng cũng cần rà soát lại tính pháp lý, nội dung hoạt động, việc cấp giấy phép cho các công ty, văn phòng luật, công ty thực hiện mua bán và thu hồi nợ nhằm hạn chế những bất cập trong cho vay và thu hồi nợ”, luật sư Nguyễn Đức Biên góp ý.

Kiến nghị 4 giải pháp

Xung quanh vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, pháp luật về giao dịch cho vay, trong đó có lãi suất, là một vấn đề rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường, cần phải bảo đảm tính hợp lý, gần sát với thực tế, không nên cứ bắt người ta dễ bị vi phạm, thậm chí nhiều khi buộc phải vi phạm.

Vì vậy, đưa ra giải pháp để ngăn chặn vi phạm trong hoạt động cho vay và thu hồi nợ, cũng như để thị trường vay tiêu dùng lành mạnh, luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị xem xét sửa đổi 4 vấn đề.

Thứ nhất, cần sớm có những quy định của luật cấm một số hành vi khi đòi nợ để ngăn chặn tình trạng lạm dụng “khủng bố con nợ” và người liên quan như vừa qua. Hiện nay, mới chỉ có một vài yêu cầu đặt ra đối với riêng việc đòi nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính theo Thông tư 43/2016/TT-NHNN.

Thứ hai, cần xem xét lại việc cấm dịch vụ đòi nợ bằng việc đặt ra những điều kiện chặt chẽ, để hoạt động này diễn ra một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ nợ, chủ sở hữu, đồng thời góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội, đời sống.

Thứ ba, cần ấn định cụ thể trong Bộ luật Hình sự về mức lãi suất cho vay nặng lãi, thay vì quy định bắc cầu đến Bộ luật Dân sự.

Thứ tư, cần sửa đổi về trần lãi suất cho vay trong Bộ luật Dân sự theo hướng hoặc là bãi bỏ, hoặc là nâng lên cho phù hợp với thực tế mấy chục năm nay, hoặc là phải dựa theo lãi suất thị trường, tức bám sát vào lãi suất cho vay cao nhất của ngành ngân hàng.

Nguyễn Giang

——————

Diễn đàn Doanh nghiệp (Bình luận) ngày 14-5-2023:

https://diendandoanhnghiep.vn/lanh-manh-thi-truong-vay-tieu-dung-243802.html

(380/1.155) #TCTD 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,803