3.499. Nên cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào xử lý nợ xấu

(CT) – Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đang có xu hướng tăng lên tới 2,91% vào cuối tháng 2/2023, cao hơn nhiều so với mức 2% cuối năm 2022 và dự báo còn tăng.

Chuyển biến tích cực nhưng còn bất cập

Sáng 17/5, tại Hà Nội, tạp chí Nhà đầu tư (Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) tổ chức Hội thảo Vấn đề xử lý nợ xấu trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thông tin từ hội thảo cho thấy, Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 và Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Biên tập tạp chí Nhà đầu tư phát biểu tại hội thảo

Cùng với Luật Các tổ chức tín dụng, tháng 8/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Việc thực hiện Nghị quyết số 42 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu giải đoạn 2016-2020.

Cụ thể hơn, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Biên tập tạp chí Nhà đầu tư, luỹ kế từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, từ tháng 8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu, xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 đạt 211,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 50,9% tổng nợ xấu đã xử lý. Ngoài ra, xử lý các khoản nợ đang hoạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,3% tổng nợ xấu đã xử lý. Xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,7%.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng thông tin từ hội thảo cũng cho thấy, sau hơn 12 năm thực hiện với một lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2017, một số quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng đã không còn phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn. Nghị quyết 42 sau hơn 6 năm thí điểm trên thực tiễn cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với cuối năm 2022 và tăng gần gấp đôi năm 2021. Ngân hàng Nhà nước xác định, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối 2/2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ – gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và quý I/2023 cho thấy, nợ xấu gia tăng mạnh so với trước, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến 4%.

Đồng quan điểm, TS, Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng: Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã rất chủ động, quyết liệt ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng dự báo nợ xấu của các tổ chức tín dụng có thể còn tăng trong năm 2023 khi rủi ro tín dụng gia tăng do khách hàng phải chịu tác động cộng hưởng từ những rủi ro còn lại do ảnh hưởng của Covid-19, khó khăn trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đi cùng với đó là tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, mặt bằng lãi suất còn ở mức cao.

Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia giải quyết nợ xấu

Để không tạo khoảng trống pháp lý xử lý nợ xấu khi Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Cụ thể, chương IX trong Dự thảo Luật sửa đổi gồm 9 điều liên quan đến các nội dung: Khái niệm nợ xấu; bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; thủ tục giữ tài sản bảo đảm; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; thủ tục mua, giữ tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính; chuyển nhượng tài sản bảo đảm.

Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các quy định này nhận được sự ủng hộ của các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm hơn vấn đề nợ xấu, nhiều ý kiến cũng cho rằng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần mở rộng phạm vi áp dụng với cơ chế xử lý nợ xấu.

Liên quan đến vấn đề này, ông Darryl Dong – cán bộ Quốc gia cao cấp, Chương trình Kiến tạo thị trường Việt Nam thuộc Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng: Nợ xấu là nội dung quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, đây cũng là một phần của hoạt động sản xuất kinh doanh, không có gì sai khi có nợ xấu. Nhưng chúng ta cần một khung pháp lý, một chương trình để làm sạch nợ xấu thay vì che giấu.

Để giải quyết hiệu quả vấn đề nợ xấu, ông Darryl Dong cho rằng: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần tạo cơ chế thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tham gia giải quyết vấn đề nợ xấu, muốn làm được như vậy Luật sửa đổi cần mở cửa mạnh mẽ cho các nhà đầu tư tham gia giải quyết nợ xấu. Đồng thời, Luật cũng phải nêu rõ, cho phép các tổ chức phi ngân hàng mua bán nợ xấu trực tiếp từ các ngân hàng.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC chia sẻ: Rất đồng tình với quan điểm cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào vấn đề giải quyết nợ xấu tại Việt Nam. Vì họ là những nhà đầu tư có kinh nghiệm, có nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút được những nhà đầu tư này, Việt Nam cũng cần có cơ chế cho người mua nợ kèm theo tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng được kế thừa 2 quyền đặc biệt quan trọng là: Tiếp tục được quyền thu giữ tài sản bảo đảm; tiếp tục được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, rộng hơn là được nhận thế chấp bất động sản đối với các công ty mua bán nợ của nước ngoài.

“Việc tiếp tục cho phép nhận thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời cần được sửa trong Luật Đất đai 2023. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho thị trường xử lý nợ xấu nói chung mà còn ảnh hưởng quan trọng đến việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” – Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Nguyễn Hoà

———-—-

Công thương (Tài chính) ngày 17-5-2023:

https://congthuong.vn/nen-cho-phep-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-tham-gia-vao-xu-ly-no-xau-254426.html

(215/1.536) #NQ42

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,803