(LĐ) – “Nợ xấu không xấu, nó đồng hành cùng hoạt động ngân hàng. Chúng ta cần một khung pháp lí để làm sạch chúng và xử lí một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa” – ông Darryl Dong – Cán bộ Quốc gia Cao cấp của IFC Việt Nam – nhận xét.
Cần luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu
Xử lí nợ xấu ngân hàng đang là vấn đề nóng. Tính đến 31.3.2023, theo khảo sát của phóng viên, nợ xấu của 28 ngân hàng đạt khoảng 172.080 tỉ đồng trong tổng dư nợ, tăng hơn 23% so với đầu năm.
Cơ cấu nợ xấu tăng mạnh ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) với tỉ lệ 63%. Kế đến là nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng gần 30%. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) gần như đi ngang mức đầu năm.
Tín dụng tăng trưởng thấp, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại các ngân hàng cũng sụt giảm trong quý I.
Cùng với Luật các tổ chức tín dụng, Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lí nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tạo ra khung khổ pháp lí cho các tổ chức tín dụng và VAMC.
“Việc ban hành Nghị quyết 42 là tốt, nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Về giải pháp, trong dài hạn, xây dựng một luật chung về xử lí nợ xấu” – Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – nhận định.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo một ngân hàng Big4 cho biết: “Cần đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật về xử lí nợ xấu. Việc đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật liên quan đến xử lí nợ xấu sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng hành lang pháp lí cần thiết, hình thành một môi trường kinh tế lành mạnh, hoạt động cấp tín dụng và xử lí nợ chuyên nghiệp, bài bản cho Việt Nam, góp phần nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam”.
“Nếu như xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành ngân hàng thì xử lí rất khó, còn nếu xác định nợ xấu là vấn đề xã hội, là vấn đề cần quan tâm thì phải cần sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức để xử lí nghiêm và thu hồi các khoản nợ” – ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng – nhận định.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế – đề xuất ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần có sự đồng thuận của chủ tài sản bảo đảm nhưng phải thông báo cho chủ tài sản biết.
Xử lí nợ xấu cần có giải pháp lâu dài. Ảnh: Trà My
Cần có thị trường mua bán nợ
Ông Darryl Dong – cán bộ Quốc gia Cao cấp tại IFC Việt Nam – cho rằng, Việt Nam vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc ở cửa thị trường mua bán nợ xấu. Thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.
“Hiện nay, luật lệ Việt Nam và các đề xuất đều chưa thu hút được các bên tham gia thị trường. Hiện quy định mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch, đá đi, đá lại giữa các ngân hàng mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa. Khi Việt Nam muốn trở thành một phần của thị trường tài chính toàn cầu phải có được bảng cân đối tài sản mạnh mẽ, muốn có nguồn tín dụng cho doanh nghiệp nội địa cần mở được cánh cửa cho thị trường mua bán nợ xấu của mình.
Biện pháp tiếp cận tốt hơn cả hiện nay là nên có luật riêng dành cho nợ xấu” – đại diện IFC lên tiếng.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Quan điểm xử lí nợ xấu không đồng nghĩa với người xấu, doanh nghiệp xấu, ngân hàng xấu, chúng ta phải tách biệt rõ ràng. Nợ xấu không phải là sở hữu của ngân hàng mà của doanh nghiệp, người đi vay. Vì vậy, phải làm nợ xấu tốt lên. Trong thời gian qua, nợ xấu cao, lãi suất cao… và phong trào tung hô “bùng nợ” nên chúng ta cần nghĩ đến cơ chế, xử lí”.
Trà My
————-
Lao Động (Kinh doanh) ngày 21-5-2023:
https://laodong.vn/kinh-doanh/viet-nam-can-co-thi-truong-mua-ban-xu-li-no-xau-1194652.ldo
(135/820) #XLN #IFC #NQ42