(DĐDN) – “Việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng, tăng chế tài xử phạt với hành vi vi phạm là những “rào cản” cần thiết để hạn chế tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng…”.
Đây là quan điểm của ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội xung quanh giải pháp để ngăn tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng.
Chuyên gia cho rằng, các quy định tại Dự thảo khá “mạnh tay” với việc ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, song hiệu quả thực hiện còn phụ thuộc vào quá trình thực thi. Ảnh minh họa
Theo đó, thông tin từ ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù tình trạng sở hữu chéo đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề này vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến tổ chức tín dụng có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.
Cũng theo ngân hàng Nhà nước, một trong những nhiệm vụ được ngân hàng Nhà nước chú trọng là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó có việc tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó, bổ sung các quy định nhằm xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đưa ra một số quy định với mục tiêu xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Cụ thể, dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10% tính trên vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại (hiện tại là 25%).
Dự thảo cũng giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.
>>Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: “Ngăn” sở hữu chéo, “chặn” thao túng ngân hàng
Cần chế tài xử phạt thật nghiêm tình trạng sở hữu cổ phần vượt quá quy định. Ảnh minh họa
Trao đổi với báo chí về các quy định mới tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, các quy định tại Dự thảo khá “mạnh tay” với việc ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, song hiệu quả thực hiện còn phụ thuộc vào quá trình thực thi. “Cần tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát việc sở hữu cổ phần tại các ngân hàng, thậm chí có thể trao chức năng điều tra cho các đơn vị thực hiện. Kết quả thanh tra, giám sát cần được công khai, minh bạch để đạt hiệu quả cao nhất”, ông Lực nói.
Đồng quan điểm, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng, tăng chế tài xử phạt với hành vi vi phạm là những “rào cản” cần thiết để hạn chế tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng.
Theo ông Minh, cùng với đó, tiến trình nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng sẽ góp phần hạn chế tình trạng sở hữu chéo. Bởi lẽ, khi vốn chủ sở hữu của ngân hàng đủ lớn thì việc sở hữu một tỷ lệ cổ phần có khả năng chi phối là không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng cũng góp phần nâng cao năng lực quản trị rủi ro, từ đó hạn chế được sự thao túng cổ phần hay cấp tín dụng cho các hoạt động rủi ro.
Về thanh tra, giám sát việc sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, theo ông Minh, khó có thể thực hiện với tất cả các ngân hàng. Thay vào đó, nên chú trọng các ngân hàng có rủi ro cao, đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ với các cổ đông có quan hệ gia đình bởi việc thao túng dễ thực hiện tại các ngân hàng này hơn các ngân hàng lớn.
Từ một góc nhìn khác, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc đặt ra các rào cản về tỷ lệ sở hữu cổ phần là cần thiết, song để biết được con số chính xác và thực chất về tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn là không dễ dàng bởi họ luôn tìm cách “lách” các quy định này.
“Điều đáng ngại nhất là việc sở hữu chéo có thể dẫn đến tình trạng “cho vay sân sau”, 10 đồng dư nợ tín dụng có thể có đến 9 đồng cho doanh nghiệp của cổ đông lớn vay, nếu rủi ro xảy ra sẽ làm thất thoát vốn và không thu hồi được nợ cho ngân hàng, làm suy giảm tiềm lực tài chính. Do đó, cần chế tài xử phạt thật nghiêm tình trạng sở hữu cổ phần vượt quá quy định. Chẳng hạn, nếu vi phạm có thể bị tịch thu cổ phần, giao cho Nhà nước quản lý. Đồng thời, cần thắt chặt, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để đẩy mạnh việc thanh tra, giám sát tình trạng sở hữu chéo”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Khôi Nguyên
————-
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) ngày 06-6-2023:
https://diendandoanhnghiep.vn/ngan-so-huu-cheo-trong-ngan-hang-can-tang-che-tai-xu-phat-245242.html
(206/1.193) #TCTD