(ND) – Được ví như chiếc “phao vàng” giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đó giúp tăng trưởng nền kinh tế, tuy nhiên, trên thực tế, gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% có vẻ chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Khó khăn đơn hàng, ngành dệt may đang trải qua những khó khăn chưa từng có. Ảnh: TTXVN |
Tỷ lệ giải ngân đạt thấp
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Quốc hội về nhiệm vụ hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, số tiền giải ngân từ gói 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%, mới chỉ đạt gần 256 tỷ đồng, khoảng 0,64% tổng số tiền.
Hỗ trợ giảm lãi suất là chính sách mà bất cứ người vay nào cũng mong muốn, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp đang thiếu hụt dòng tiền gây ảnh hưởng dây chuyền trong chuỗi cung ứng, thiếu tiền trả cho nhà thầu, trả lãi ngân hàng, trả lương cho người lao động. Câu hỏi được đặt ra: Vì sao tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng hỗ trợ này lại đạt thấp đến như vậy?
Lý giải điều này, chính Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra: Theo quy định, doanh nghiệp muốn được giảm lãi suất 2% phải chứng minh được khả năng phục hồi, khả năng trả nợ. Song, với khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ khó có thể đáp ứng được yêu cầu này. Đặc biệt, một số khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, chủ yếu là tâm lý e ngại thanh kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp còn cân nhắc lợi ích giữa việc nhận hỗ trợ lãi suất 2% và các vấn đề về theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Những khó khăn trong việc triển khai gói hỗ trợ xuất hiện từ rất sớm và cũng đã sớm được nhiều chuyên gia nêu ra. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tiêu chí đánh giá để hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải “có khả năng phục hồi”. Thế nhưng, trong bối cảnh rất khó khăn để đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng, thì cả hai phía ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách. “Chính những quy định, điều kiện ràng buộc đưa ra không phù hợp đã buộc chặt gói tín dụng. Thực tế, một số khách hàng dù đã được nhận hỗ trợ lãi suất, nhưng sau đó lại chủ động hoàn trả cho phía ngân hàng toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ lãi suất”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Ðâu sẽ là giải pháp?
Gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023; tức là chỉ còn chưa đến sáu tháng nữa là hết thời hạn. Ngân hàng Nhà nước dự kiến, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.570 tỷ đồng; trong đó, số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2022 là khoảng 135 tỷ đồng. Giả sử, số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2023 đạt mức khoảng 2.435 tỷ đồng, thì tồn đọng tới hơn 37.000 tỷ đồng, hơn 90% tổng số tiền.
Bàn về giải pháp, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng: Nếu chúng ta đã nhận diện được nguyên nhân, bất cập rồi thì phải khắc phục nó. Để gói tín dụng được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian còn lại, cần chỉnh sửa các điều kiện vay vốn để hợp lý. Trước hết, là bỏ cụm từ “có khả năng phục hồi”. Thứ hai, cần có giải pháp cải thiện điều kiện vay vốn đối với các doanh nghiệp. Thứ ba, cần quy định rõ ràng là thanh tra ở phạm vi nào? Nội dung thanh tra ở đây là xem doanh nghiệp có sử dụng đúng mục đích vốn hay không thôi, chứ không nên mở rộng sang các hoạt động, phạm vi, nội dung khác của doanh nghiệp. Đây sẽ là mối lo canh cánh của các doanh nghiệp, cần đưa ra quy định rõ ràng, cụ thể nhất, TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.
Một giải pháp được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc tới, đó là cơ quan chức năng nên nghiên cứu, trong trường hợp nguồn vốn chưa dùng hết nên chuyển tiếp, hoặc chuyển sang các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện như: hỗ trợ giảm thuế, phí trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp, nhằm giúp nguồn tiền ngân sách được sử dụng kịp thời, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế. Cũng có thể chuyển sang thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng, với điều kiện cho vay thông thoáng hơn; trong đó có việc không yêu cầu phải thế chấp bằng bất động sản đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Có thể nói, nguyên nhân đã được xác định, tuy nhiên, những vướng mắc hiện nay không dễ tìm ra giải pháp. Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin về kết quả hỗ trợ lãi suất và dự kiến khả năng hấp thụ chính sách để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thông tin làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện theo quy định.
Nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát các gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng và 120 nghìn tỷ đồng với các điều kiện cho vay thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn,… nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.
Cam Lâm
————-
Nhân Dân (Góc nhìn kinh tế) ngày 09-6-2023:
https://nhandan.vn/goi-tin-dung-40-nghin-ty-dong-cho-duoc-coi-troi-post756971.html
(174/1.186) #TCTD #NHNN