3.521. Tịch thu xe của khách hàng khi đến trả lãi vay: VIB khẳng định đúng luật, luật sư nói không được phép.

(DV) – Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tiếp tục bị khách hàng “tố” tịch thu xe ôtô khi đến ngân hàng trả lãi. Điều đáng nói, nhóm nợ của khách hàng này mới thuộc nợ nhóm 2, chưa đủ điều kiện để thu giữ tài sản đảm bảo.

Khách hàng tố bị VIB tịch thu xe khi đến trả lãi

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Hồng Lưu cho biết, ngày 10/9/2021, ông Lưu ra quầy ngân hàng để nộp 17,7 triệu đồng cho VIB. Đây là số tiền phải trả gồm gốc, lãi và tiền phạt do nộp chậm, theo hợp đồng vay vốn mua ô tô Peugoet 5008 biển kiểm soát 30G19123 giữa ông Lưu và VIB.

Trước đó, ngày 26/06/2020 ông Lưu có thực hiện hợp đồng số 859164520 với VIB – chi nhánh Láng Hạ vay số tiền 700.000.000 ( bảy trăm triệu đồng chẵn) thế chấp mua tài sản là chiếc ô tô nói trên trong thời hạn 60 tháng kể từ ngày 27/06/2020. Đến nay ông Lưu vẫn trả nợ đủ tiền gốc lãi tại các kỳ theo thỏa thuận của hợp đồng. Số tiền còn nợ ngân hàng VIB chi nhánh Láng Hạ đến 4/9/2021 là 548 triệu đồng.

“Việc trả nợ góp hàng tháng số tiền 17,5 triệu đồng (gồm lãi 11,5 triệu và gốc 6 triệu đồng) suôn sẻ. Đến tháng 7, tôi đi công tác và bị kẹt tại TP. HCM do bùng dịch Covid-19. Tôi đã gọi điện đến ngân hàng, trình bày về hoàn cảnh bất khả kháng và xin nộp chậm. Mặt khác, hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi cũng lâm vào cảnh khó khăn”, ông Lưu chia sẻ.

Chiếc Peugeot 5008 của anh Lê Hồng Lưu bị ngân hàng VIB thu giữ hôm 10/9/2021 tại khu đô thị Times City (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cũng theo ông Lê Hồng Lưu, đến ngày 28/8, sau khi ra Hà Nội và tuân thủ cách ly tại nhà 21 ngày, khách hàng của VIB đã ra thanh toán cả lãi phạt với số tiền 17,7 triệu đồng cho VIB.

Ngày 4/9/2021, ông Lưu nhận được thông báo nợ gốc đã quá hạn 4 ngày. Tiếp đó, ngày 10/9/2021 ông Lưu đã bị nhân viên của VIB thuê người cẩu xe đi trong lúc đang nộp tiền vào ngân hàng để trả nợ theo định kỳ.

“Tôi rất bất ngờ trước hành động cẩu xe của VIB. Đối với khoản vay, dù tôi nộp chậm nhưng hàng tháng vẫn thanh toán đầy đủ. Thêm nữa, phía nhà băng này thu hồi xe mà không có sự thoả thuận hay thông báo bất kỳ nào trước đó đối với tôi”, ông Lưu bức xúc nói.

Ngân hàng VIB làm đúng luật?

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với Dân Việt, đại diện VIB cho rằng, ngày 26/06/2020, khách hàng ký kết Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng để vay vốn mua xe ôtô. Tài sản bảo đảm là xe ô tô hình thành từ việc vay vốn. Hợp đồng thế chấp phương tiện vận tải đã được ký kết và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định pháp luật.

Khách hàng phát sinh nợ quá hạn lần đầu vào kỳ thanh toán tháng 7/2020 và khoản vay của khách hàng chuyển nợ nhóm 2 từ tháng 4/2021. Kể từ khi khách hàng quá hạn lần đầu, Ngân hàng đã nhiều lần liên hệ để yêu cầu khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Hợp đồng tín dụng.

Tuy nhiên, khách hàng không hợp tác và thường xuyên vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Trong thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 8/2021, khách hàng đã chậm thanh toán so với lịch trả nợ đã thỏa thuận trong 12 kỳ thanh toán với số ngày chậm thanh toán cao nhất là 30 ngày.

Đại diện VIB cho rằng phía bên ngân hàng đã làm đúng luật. Ảnh: NN.

Đối với việc cẩu xe của khách hàng, phía VIB cho biết, ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi khoản vay theo quy định của pháp luật và quy định tại Hợp đồng thế chấp phương tiện vận tải đã ký kết giữa Ngân hàng và Khách hàng.

Cụ thể, Khoản 2, Điều 95 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi , bổ sung năm 2017 quy định trong trường hợp Khách hàng không trả được nợ đến hạn thì ngân hàng có quyền xử lý nợ, xử lý TSBĐ.

Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý của bên nhận bảo đảm (Nghị định 163/2006/NĐ-CP được thay thế bởi Nghị định 21/2021/NĐ-CP từ ngày 15/05/2021; HĐTC xác lập trước thời điểm Nghị định 21/2021/NĐ-CP có hiệu lực nên vẫn áp dụng Nghị định 163/2006/NĐ-CP là phù hợp với quy định tại Điều 61 Nghị định 21/2021/NĐ-CP.

Điều 9.1 và Điều 9.2 HĐTC quy định trong trường hợp Khách hàng không thanh toán hoặc không có khả năng thanh toán bất cứ khoản tiền nào đến hạn theo Hợp đồng tín dung thì Ngân hàng có quyền xử lý Tài sản bảo đảm. (trong đó bao gồm phương thức thu giữ TSBĐ).

“Ngày 3/9/2021, chúng tôi đã gửi thông báo yêu cầu khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc chủ động bàn giao tài sản bảo đảm cho Ngân hàng để xử lý. Thông báo gửi về địa chỉ khách hàng theo thỏa thuận tại Hợp đồng thế chấp phương tiện vận tải và phù hợp với quy định tại nghị định 163/2006/NĐ-CP. Nội dung Thông báo nêu rõ, trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc chủ động bàn giao tài sản bảo đảm thì ngân hàng sẽ chấm dứt cho vay và xử lý tài sản bảo đảm”, phía VIB cho hay.

Nợ nhóm 2 không được phép thu giữ tài sản bảo đảm

Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, người đã có quá trình tham gia xây dựng từ hai Bộ luật Dân sự 2005 và 2015, cho đến Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 cũng như hai Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và số 21/2021/NĐ-CP phân tích như sau:

Nếu khoản nợ phát sinh nợ xấu (tức nợ nhóm 3 trở lên) trước ngày 15/8/2017 thì mới được phép thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14. Mà theo Nghị quyết 42, thì phải có đầy đủ 5 điều kiện mới được phép thu giữ tài sản thế chấp, trong đó điều kiện đầu tiên là phải có nợ xấu.

Đối với các khoản nợ xấu phát sinh từ ngày 15/8/2017 trở đi thì không được phép thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và Nghị định 21/2021/NĐ-CP.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. Ảnh: ST.

Nếu cho rằng việc thu giữ tài sản thế chấp được thực hiện theo Nghị định số 163 hay 21 thì đã phủ nhận vai trò của Nghị quyết số 42. Vì Điều 301 về “Giao tài sản bảo đảm để xử lý”, Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ năm 2017 đã không còn cho phép việc thu giữ tài sản bảo đảm như quy định tại Nghị định số 163, nên năm 2017 Quốc hội mới phải ban hành Nghị quyết số 42 cho phép tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản bảo đảm trong thời hạn 5 năm.

“Khách hàng mới chỉ chuyển nhóm nợ nhóm 2. Trong khi 5 điều kiện để thu giữ tài sàn, điều kiện đầu tiên là nợ xấu là nợ nhóm 3 trở đi bao nhiêu ngày. Còn trường hợp khách hàng nợ xấu nhóm 3 cũng không được thu giữ, vì luật quy định rằng nợ xấu phát sinh trước ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực thì mới được thu giữ, còn phát sinh sau ngày đó thì Bộ luật dân sự cấm rồi” luật sư Đức nhấn mạnh.

Tóm lại, mọi khoản nợ nói chung từ năm 2017 trở đi và nợ xấu của các tổ chức tín dụng nói riêng, kể từ ngày 15/8/2017 trở đi không được phép thu giữ tài sản bảo đảm. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất xây dựng Luật Xử lý nợ xấu để xử lý các khoản nợ này, trong đó có việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Quang Dân

———

Dân Việt (Kinh tế) 06-10-2021:

https://danviet.vn/tich-thu-xe-cua-khach-hang-khi-den-tra-lai-vay-vib-khang-dinh-dung-luat-luat-su-noi-khong-duoc-phep-20211006141920371.htm

 

(436/1.480)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,788