3.526. Sở hữu chéo ngân hàng: Cần tăng cường thanh tra, giám sát, tăng chế tài xử phạt

(TT) – Thực tế đặt ra yêu cầu về tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cũng như tình trạng sở hữu chéo trong các ngân hàng. Do đó, cần tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát việc sở hữu cổ phần tại các ngân hàng, thậm chí có thể trao chức năng điều tra cho các đơn vị thực hiện. Kết quả thanh tra, giám sát cần được công khai, minh bạch để đạt hiệu quả cao nhất.

Sở hữu chéo ngân hàng: Chấm dứt chứ không phải hạn chế

Mới đây, tại buổi thảo luận của Quốc hội về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, những đóng góp của ngành ngân hàng thời gian vừa qua là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế đặt ra yêu cầu về tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cũng như tình trạng sở hữu chéo trong các ngân hàng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết Trung ương lần này cũng đã nhấn mạnh phải chấm dứt sở hữu chéo; chấm dứt chứ không phải hạn chế. Về dự thảo luật đề nghị giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn từ 5% xuống 3% để hạn chế cổ đông lớn chi phối trong hoạt động ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Quan trọng không phải là 5% hay 3%. Trong một số luật của các nước, anh sở hữu trong các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng là phải có nghĩa vụ công khai, báo cáo công khai hết để người ta biết được nhóm người có liên quan và ai là người thực sự chi phối ngân hàng, tổ chức tín dụng”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, tuy chưa có luật về tập đoàn tài chính nhưng trong thực tế, bắt đầu đã có hình thành những cái mô hình tổ chức như là tập đoàn tài chính. Hoặc mô hình công ty mẹ con nhưng công ty mẹ là một tổ chức tín dụng; hoặc là một tập đoàn nhưng trong đó có một ngân hàng thương mại của tổ chức tín dụng là một thành viên trong hệ sinh thái của các tập đoàn đó.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ, cụ thể hơn vấn đề tài chính của tổ chức tín dụng. “Trong dự thảo chỉ quy định mấy dòng thì không được”, Chủ tịch Quốc hội nói. Vấn đề tài chính của tổ chức tín dụng, cần quy định cụ thể các vấn đề về doanh thu, chi phí, trích lập dự phòng… để làm sao giải thích được câu hỏi vì sao lạm phát thấp mà lãi suất huy động lại cao như thế để xã hội khỏi thắc mắc.

“Lạm phát năm ngoái có 3,15% mà lãi suất huy động đến 9% thì vô lý quá. Thế bây giờ muốn giải đáp những câu hỏi đấy thì phải quy định ngay trong luật này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Theo đó, các đại biểu nhận định, việc đưa ra các quy định nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông, giảm tỷ lệ cấp tín dụng với một khách hàng/nhóm khách hàng mới chỉ giải quyết được “phần ngọn” của tình trạng sở hữu chéo.

Cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát…kết quả cần được công khai, minh bạch để đạt hiệu quả cao nhất.

Theo đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng cho rằng, trong thực tế có thể phát sinh việc thuê, nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng. Ở các nước có nền tài chính phát triển, các tập đoàn lớn, có doanh thu hàng trăm tỷ USD/năm cũng chỉ sở hữu vài ba công ty con. Trong khi, doanh nghiệp Việt Nam có tới hàng trăm công ty con, thậm chí công ty cháu, công ty chắt.

Trên thực tế, có tình trạng thông qua nhiều người quen biết, lập hàng trăm công ty con để nắm cổ phần chi phối ngân hàng mà chưa được kiểm soát hiệu quả. Tỷ lệ sở hữu thực tại các ngân hàng được che dấu trong ma trận công ty con và hệ sinh thái chằng chịt. Cho đến nay, chưa có quy định nào để kiểm soát các tập đoàn có mối liên hệ mất thiết với ngân hàng. Chẳng hạn trường hợp doanh nghiệp Vạn Thịnh Phát với 762 doanh nghiệp có liên quan, một con số quá lớn, gây lũng đoạn ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

“Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao trong thực tiễn? Vấn nạn sở hữu chéo tại các ngân hàng có thể giải quyết căn cơ khi giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần? Đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định của pháp luật hay trong tổ chức thực thi? Mặt khác, cũng cần có sự đánh giá tác động với các cổ đông đang sở hữu cổ phần cao hơn quy định trong dự thảo. Nếu giữ nguyên quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu như dự thảo thì làm thế nào để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tâm huyết?”, ông Trần Chí Cường nêu ý kiến.

Cần tăng cường thanh tra, giám sát, tăng chế tài xử phạt

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề kiểm soát và ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong các ngân hàng hiện nay đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong xử lý. Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, nguyên nhân xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn, do cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến các tổ chức tín dụng có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.

Cũng theo NHNN, hiện nay một số tổ chức tín dụng có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan, mặc dù mức độ sở hữu không vi phạm quy định của pháp luật song tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Như vậy, vấn đề tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng không còn lo ngại nằm ở chỗ sở hữu giữa các ngân hàng với nhau khi các tỷ lệ sở hữu thể hiện khá rõ ràng trên giấy tờ và thể hiện sự tuân thủ quy định. Nhưng việc các ngân hàng phải liên kết với nhau để thông qua cổ phần chia sẻ nguồn vốn nhau dẫu đã khác trước đây, và khi nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần vốn tư nhân sau quá trình M&A, thực thi Thông tư 36, trong một  thị trường chứng khoán phát triển hơn, lại cũng đã phát triển hơn về quy mô, về nguồn vốn; đồng thời từ đó mức độ liên kết từ sở hữu chéo lại càng trở nên “tinh vi”, “phức tạp” hơn.

Điều đáng ngại nhất là việc sở hữu chéo có thể dẫn đến tình trạng “cho vay sân sau”.

Trao đổi với báo chí về các quy định mới tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, các quy định tại Dự thảo khá “mạnh tay” với việc ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, song hiệu quả thực hiện còn phụ thuộc vào quá trình thực thi.

“Cần tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát việc sở hữu cổ phần tại các ngân hàng, thậm chí có thể trao chức năng điều tra cho các đơn vị thực hiện. Kết quả thanh tra, giám sát cần được công khai, minh bạch để đạt hiệu quả cao nhất”, ông Lực nói.

Đồng quan điểm, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng, tăng chế tài xử phạt với hành vi vi phạm là những “rào cản” cần thiết để hạn chế tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng.

Theo ông Minh, cùng với đó, tiến trình nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng sẽ góp phần hạn chế tình trạng sở hữu chéo. Bởi lẽ, khi vốn chủ sở hữu của ngân hàng đủ lớn thì việc sở hữu một tỷ lệ cổ phần có khả năng chi phối là không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng cũng góp phần nâng cao năng lực quản trị rủi ro, từ đó hạn chế được sự thao túng cổ phần hay cấp tín dụng cho các hoạt động rủi ro.

Về thanh tra, giám sát việc sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, theo ông Minh, khó có thể thực hiện với tất cả các ngân hàng. Thay vào đó, nên chú trọng các ngân hàng có rủi ro cao, đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ với các cổ đông có quan hệ gia đình bởi việc thao túng dễ thực hiện tại các ngân hàng này hơn các ngân hàng lớn.

Từ một góc nhìn khác, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc đặt ra các rào cản về tỷ lệ sở hữu cổ phần là cần thiết, song để biết được con số chính xác và thực chất về tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn là không dễ dàng bởi họ luôn tìm cách “lách” các quy định này.

“Điều đáng ngại nhất là việc sở hữu chéo có thể dẫn đến tình trạng “cho vay sân sau”, 10 đồng dư nợ tín dụng có thể có đến 9 đồng cho doanh nghiệp của cổ đông lớn vay, nếu rủi ro xảy ra sẽ làm thất thoát vốn và không thu hồi được nợ cho ngân hàng, làm suy giảm tiềm lực tài chính. Do đó, cần chế tài xử phạt thật nghiêm tình trạng sở hữu cổ phần vượt quá quy định. Chẳng hạn, nếu vi phạm có thể bị tịch thu cổ phần, giao cho Nhà nước quản lý. Đồng thời, cần thắt chặt, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để đẩy mạnh việc thanh tra, giám sát tình trạng sở hữu chéo”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Quang Anh

————-

Tạp chí Thương trường (Tài chính – Ngân hàng) ngày 26-6-2023:

https://thuongtruong.com.vn/news/so-huu-cheo-ngan-hang-can-tang-cuong-thanh-tra-giam-sat-tang-che-tai-xu-phat-105197.html

(206/1.972) #TCTC #NHNN 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,572