3.531. Vượt khủng hoảng, doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng “chất”

(HQ) – Với sự vào cuộc của cơ quan quản lý về bảo hiểm, nhiều sai phạm của các doanh nghiệp bảo hiểm đã được “điểm mặt, chỉ tên” và công khai đầy đủ.

Ngành bảo hiểm cần nhìn lại mình để lấy lại niềm tin của khách hàng. Ảnh: ST

Đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm nhìn lại mình và có những giải pháp để nâng cao chất lượng, lấy lại niềm tin của khách hàng.

Tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm mua qua ngân hàng lên tới 70%

Theo kết luận thanh tra, kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm là: Prudential, MB Ageas Life, Sun Life và BIDV Metlife của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.

Một số sai phạm được chỉ ra cụ thể như hoạt động thực hiện quy trình, quy chế quản lý đại lý chưa nghiêm; chưa thực hiện phối hợp, đối soát giữa các bộ phận về thông tin phản ánh, khiếu nại đầy đủ; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin; không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Đặc biệt, kết quả thanh tra, kiểm tra còn cho thấy một vấn đề khá nhức nhối là tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm mua qua ngân hàng sau năm thứ nhất ở mức khá cao. Năm 2021, BIDV Metlife phát hành mới 21.123 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng nhưng tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39,4%. Tương tự, Prudential (Việt Nam) phát hành mới 94.431 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng nhưng tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 41%. Sun Life Việt Nam cũng ghi nhận phát hành mới 80.117 hợp đồng, tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng phát hành qua TPBank là 73%, qua ACB là 39%. MB Ageas Life có tỷ lệ hủy bỏ thấp nhất là gần 6% trên 66.757 hợp đồng bảo hiểm phát hành mới trong năm 2021.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt gần 160.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Dù là số liệu và kết quả thanh tra, kiểm tra của năm 2021, nhưng nhìn vào tình hình thực tế thì đây có thể vẫn là tình trạng chung. Bởi thời gian qua, những thông tin về việc khách hàng bị ép mua bảo hiểm khi vay vốn (nếu không mua thì không được giải ngân hoặc phải vay vốn với lãi suất cao hơn…), bị nhân viên ngân hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư bảo hiểm… liên tục xảy ra, khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc để xử lý.

DN bảo hiểm và ngân hàng phải “tỉnh táo” lại

Cho đến nay, câu chuyện về liên kết bảo hiểm – ngân hàng vẫn chưa hết “nóng”, nên các cơ quan quản lý, thanh tra của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ tiếp tục có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý. Thậm chí, Nghị quyết 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư…

Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ, thực trạng “mua bia kèm lạc” khi đi vay vốn diễn ra tại nhiều ngân hàng, song rất khó để chứng minh. Vì thế, vấn đề này cần được chấn chỉnh. Đầu tiên là phía ngân hàng phải “tỉnh táo” lại, cần xác định lại cách làm, bởi nếu để kéo dài càng lâu thì khiến người dân có cái nhìn mất thiện cảm về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động ngân hàng. Trong khi đây lại là ngành kinh doanh dựa trên uy tín và niềm tin. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải xem lại cách bán hàng như vậy có đúng không, có hợp lý không, quyền lợi của khách hàng có bảo đảm không… Nếu khách hàng không đóng tiếp thì sản phẩm bảo hiểm đó coi như mất giá trị, thiệt hại cho cả ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.

Nhận thức được vấn đề này, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã phát đi thông cáo sẽ chấn chỉnh hoạt động. Đơn cử, MB Ageas Life cho biết những kết quả thanh tra giúp các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là khách hàng. Đối với MB Ageas Life, các tồn tại được phát hiện đã giúp MB Ageas Life cải tiến, hoàn thiện các hoạt động quản lý, quản trị kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, 100% doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện rà soát lại, kiểm soát hoạt động của tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó, đặc biệt lưu ý điều kiện đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải có nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đáp ứng các điều kiện quy định. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm…

Ngày 1/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đây được đánh giá là sự kịp thời về chính sách để các doanh nghiệp bảo hiểm có cơ sở pháp lý để hoạt động chất lượng hơn, đồng thời cũng giúp cơ quan quản lý có chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Đặc biệt, Nghị định này đã bổ sung nhiều điều kiện với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, như phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, người đứng đầu phải có kinh nghiệm tối thiểu 3 năm làm việc, có hệ thống công nghệ thông tin phù hợp, có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng…

Hương Dịu

————-

Hải quan (Doanh nghiệp – Doanh nhân) ngày 09-7-2023:

https://haiquanonline.com.vn/vuot-khung-hoang-doanh-nghiep-bao-hiem-phai-tang-chat-176095-176095.html

(164/1.195) #BHNT #bancassurance

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,789