(ĐBND) – Theo chuyên gia, những biến động lớn của ngành bảo hiểm nhân thọ thời gian qua là dịp giúp thanh lọc thị trường, đồng thời thôi thúc cả nhà quản lý và doanh nghiệp giám sát chặt chẽ hơn để bảo đảm tốt nhất quyền lợi của khách hàng.
Dịp tốt để thanh lọc thị trường
Ngày 1.7 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, giúp quản lý hoạt động bảo hiểm hiệu quả hơn.
Khung khổ pháp lý, chính sách quản lý ngày càng hoàn thiện sẽ hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển. Nguồn: ITN.
Cụ thể, Nghị định 46 quy định các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Người đứng đầu bộ phận chuyên trách bán bảo hiểm phải có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Tại mỗi chi nhánh phải đảm bảo tối thiểu 3 nhân viên đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý. Cũng tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách bạch với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo giới chuyên gia, khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý với thị trường bảo hiểm ngày càng hoàn thiện sẽ hỗ trợ thị trường phát triển, góp phần thúc đẩy hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, kết luận thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm vừa qua của Bộ Tài chính cũng đã đánh giá và đề xuất những điều chỉnh cần thiết trong quản lý và giám sát của các cơ quan có liên quan.
Việc này đảm bảo rằng những sai sót, rủi ro trong hệ thống bảo hiểm sẽ được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, giúp người dân an tâm hơn khi mua bảo hiểm, tăng cường lòng tin và sự ổn định trong thị trường đầy tiềm năng này.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, kết luận thanh tra của Bộ Tài chính đã khẳng định rõ những sai phạm, bất cập của bên bán bảo hiểm là các đại lý ngân hàng. Qua đó, xác định rõ ràng trách nhiệm và chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm, giảm thiểu việc tái diễn các vi phạm tương tự.
“Những vệt nhức nhối đã vỡ ra và được xử lý là sức ép mạnh mẽ giúp thị trường thay đổi một cách vượt bậc theo chiều hướng tốt lên. Thị trường bảo hiểm tuy có chậm lại trong thời gian ngắn nhưng sẽ bước sang một giai đoạn mới phát triển bền vững”, luật sư Đức nhấn mạnh.
Tương tự, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, cũng cho rằng, những biến động lớn của ngành bảo hiểm nhân thọ thời gian qua là dịp giúp thanh lọc thị trường, nhiều “con mắt” giám sát được tăng cường từ phía quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp, lợi ích của khách hàng được đảm bảo tốt hơn nữa.
Doanh nghiệp phải thay đổi
Với khung khổ pháp lý đã khá hoàn thiện, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, những đòi hỏi thay đổi chủ yếu về phía đơn vị bán.
Theo đó, phía tư vấn, người bán phải giải thích đầy đủ, chính xác, trung thực hơn để khách hàng thật sự hiểu rõ và hoàn toàn tự nguyện tham gia. Tình trạng nhân viên tư vấn, nhất là nhân viên ngân hàng, ép buộc khách mua bảo hiểm mới được vay vốn hay vì lợi ích riêng mà cố tính tư vấn thiếu hụt, lắt léo để khách hàng mua bảo hiểm sẽ giảm tối đa.
Với khung khổ pháp lý đã khá hoàn thiện, những đòi hỏi thay đổi tới đây chủ yếu về phía đơn vị bán bảo hiểm. Nguồn: ITN
Trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm đã nỗ lực giải quyết những tồn tại được phát hiện trước đó và sau khi có kết luận thanh tra.
Tất cả doanh nghiệp đều chủ động rà soát, chấn chỉnh hoạt động tư vấn, quy trình bán hàng… 100% doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã hoàn thiện việc rà soát hợp đồng đại lý bảo hiểm và tăng cường kiểm soát hoạt động của các đại lý, đặc biệt là khâu tư vấn và ký kết hợp đồng bảo hiểm… với báo cáo cụ thể gửi cơ quan quản lý vào trung tuần tháng 6 vừa qua.
Riêng 4 doanh nghiệp bảo hiểm trong danh sách thanh tra đã nhanh chóng rà soát và quyết liệt giải quyết những tồn tại mà kết luận đã chỉ ra. Đồng thời, các doanh nghiệp tiếp tục cải tiến, hoàn thiện và ban hành quy định quản lý nội bộ; cam kết tuân thủ các chuẩn mực đạo đức kinh doanh trong mọi hoạt động; thiết lập chuẩn mực bancassurance mới, trong đó thỏa thuận chỉ bán sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho các nhóm khách hàng phù hợp.
Các chế tài xử lý với các vi phạm cũng được các doanh nghiệp này thực hiện quyết liệt, rà soát và nâng mức. Cùng với việc xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm của đại lý cá nhân ghi nhận trong Kết luận thanh tra, các doanh nghiệp sẽ hoàn thiện khung pháp lý để giám sát quản lý và xử lý nếu phát hiện phía nhân viên ngân hàng vi phạm, tư vấn bảo hiểm không đúng với bản chất sản phẩm đang bán qua kênh ngân hàng.
Giới chuyên gia nhận định, khi doanh nghiệp mạnh mẽ “sửa chữa” những khuyết thiếu, với sự điều hành quyết liệt của Nhà nước, sự sâu sát của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, một trang mới của thị trường bảo hiểm sẽ được mở ra theo hướng bền vững, lành mạnh hơn.
Tiểu Phong
————-
Đại biểu Nhân dân (Kinh tế) ngày 24-7-2023:
(304/1.099) #BHTN #bancassurance