Bao giờ giảm gánh nặng cho dân?
(ĐBND) – Theo kế hoạch xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi trong giai đoạn 2023 – 2025. Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, điều chỉnh các định mức lỗi thời của sắc thuế này không thể trì hoãn mà phải làm ngay để giảm gánh nặng cho dân.
Phải đợi đến năm 2026?
Việc Quốc hội ngay từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV định hướng sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân trong giai đoạn 2023 – 2025 cho thấy những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân đã sớm được nhận diện. Từ đó đến nay, nhiều ý kiến đã phân tích kỹ những quy định không còn phù hợp thực tế và không bảo đảm khoan thư sức dân cũng như tính công bằng giữa các đối tượng nộp thuế của Luật này. Lắng nghe ý kiến cử tri và đại biểu Quốc hội, trong Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm vừa qua, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh.
Mặc dù vậy, đến giờ phút này cũng chưa biết chính xác khi nào Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi, hay các mức giảm trừ gia cảnh sẽ được điều chỉnh. Trả lời ý kiến cử tri TP. Hồ Chí Minh mới đây, Bộ Tài chính cho biết “chung chung” là đang rà soát, đánh giá Luật Thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Vào đầu năm nay, Bộ Tư pháp chuẩn bị dự thảo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 – 2026). Theo đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) được đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5.2026). Kế hoạch này so với yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của Quốc hội rõ ràng là có phần chậm trễ và trì hoãn.
Không thể trì hoãn thêm!
“Không thể để người dân phải chịu gánh nặng thuế thêm vài năm nữa”, TS. Bùi Trinh, chuyên gia về thống kê, nói.
Theo ông, không cần phải là chuyên gia để tính toán chi tiết, chính người dân sẽ cảm nhận rõ nhất sự lỗi thời, lạc hậu của các số bậc thuế, khoảng cách giữa các bậc và định mức giảm trừ gia cảnh, nhất là khi họ đang phải chi trả một mức giá mới khá cao cho hầu hết mặt hàng, dịch vụ, từ mớ rau, bát phở… Hơn nữa, lương tối thiểu tăng khoảng 20% từ ngày 1.7 vừa qua, đúng như đại biểu Quốc hội phân tích, nếu cứ duy trì mức tối thiểu chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh như cũ thì phần tăng lương của Nhà nước sẽ chuyển thành tăng nghĩa vụ đóng góp vào thuế.
Theo TS. Bùi Trinh, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, qua đó giúp gia tăng thu nhập trong dân cư, không chỉ giúp người dân bớt khó khăn mà còn kích thích chi tiêu của người dân, kích thích sản xuất ở chu kỳ sản xuất tiếp theo. “Thực tế, đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã tăng lên so với trước đây rất nhiều, nên việc miễn giảm thuế là nên xem xét bởi việc này có tác động lan tỏa trên diện rộng. Còn nếu không được hỗ trợ, người dân buộc thắt chặt chi tiêu, thì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ thu hẹp”, TS. Bùi Trinh nói.
Cũng cho rằng không thể trì hoãn thêm nữa việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, các chuyên gia cho rằng, sửa đổi Luật lần này nên theo hướng “khoan thư sức dân” – tức nuôi dưỡng nguồn thu, giảm khó khăn cho người lao động khi lạm phát tăng cao và nâng chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời, thuế cũng là một công cụ chính sách để phân phối lại của cải trong xã hội hướng đến mục tiêu giảm bất bình đẳng xã hội. Theo đó, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh để người dân bớt gánh nặng tài chính; nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế luỹ tiến; mở rộng các khoản chi tiêu được giảm trừ khi tính thu nhập chịu thuế như chi tiêu y tế, giáo dục, bảo hiểm tự nguyện… cho cả người đóng thuế và người phụ thuộc.
Nói như Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cần phải tính toán lại việc thu thuế thu nhập cá nhân theo hướng: không đánh thuế với nhóm người có thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu; thu thuế thấp với nhóm người có thu nhập đáp ứng được nhu cầu sống trung bình và chỉ thu thuế cao đối với nhóm người có mức sống cao thật sự. Làm được như vậy, người lao động sẽ có động lực lao động và đóng thuế tốt hơn; đồng thời vẫn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Và khi chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn, sự thịnh vượng của người dân, của đất nước và mức độ hài hòa xã hội sẽ được nâng cao.
Hà Lan
————-
Đại biểu Nhân dân (Kinh tế) ngày 07-8-2023:
https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/bai-cuoi-bao-gio-giam-ganh-nang-cho-dan-i339223/
(137/1.049) #TNCN