Để chính sách tiền tệ không “đi trên dây”
(ĐTCK) – Ngân hàng Nhà nước hiện như đang đứng giữa hai dòng nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Khoảng lặng sóng ngầm
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, dư nợ đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022, phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.
Về lý do khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm, dù Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại liên tục hạ lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu Thị trường, Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng: “Nguyên nhân chính là sự thiếu niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh nhu cầu suy yếu và đơn đặt hàng từ một số thị trường xuất khẩu chính bị suy giảm, đặc biệt từ Mỹ”.
Chủ một công ty du lịch tại Quảng Nam cho hay, cách đây gần 20 năm, bà đã phải bỏ công việc tại một lãnh sự quán nước ngoài để về quản lý khu nghỉ dưỡng của gia đình, sau đó chuyển giao quyền quản lý nhằm tập trung vào lĩnh vực du lịch lữ hành.
“Cách đây vài tháng, một đại gia chắc thấy tôi có kinh nghiệm quản lý khu nghỉ dưỡng nên đề cập việc phối hợp mua lại rồi điều hành một khu nghỉ dưỡng bởi giá đang quá rẻ, nhưng tôi từ chối. Tôi khuyên rằng, thời điểm này nên gửi tiền vào ngân hàng để được ăn ngon ngủ yên, cho dù lãi suất thấp, hết năm 2024 hãy tính đến đầu tư. Bỏ tiền ra đầu tư lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng thời điểm này cầm chắc 99% là mất tiền”, bà chủ công ty du lịch trên nói.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước chia sẻ: “Ngân hàng Nhà nước hiện như đang đứng giữa hai dòng nước trong việc điều hành. Một mặt, nếu cứ tháo điều kiện tín dụng thì chất lượng tín dụng giảm sút, nợ xấu tăng lên, cục máu đông (nợ xấu) mới tạm thời xử lý hết có thể lại quay trở lại và lại rơi vào vòng luẩn quẩn xử lý nợ xấu. Nhưng nếu không tạo điều kiện, thì tín dụng không tăng được và sẽ không có tăng trưởng kinh tế”.
Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội cho rằng, giải pháp trong tình thế hiện nay không thể chỉ đến từ ngành ngân hàng, mà còn phải đến từ chính sách tài khoá. Lấy ví dụ về một nghiên cứu công bố gần đây, ông Nghĩa cho hay, nếu năm nay giải ngân đầu tư công đạt 95% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên 13,2%. Đây là một nguồn vốn cực kỳ quan trọng của nền kinh tế.
Đồng quan điểm, ông Suan Teck Kin khuyến nghị, Chính phủ nên đẩy nhanh chi tiêu cho đầu tư đã được lập kế hoạch trước đó, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh cũng như củng cố niềm tin của thị trường.
“Việc giải ngân ngân sách Chính phủ còn chậm, do đó, Việt Nam còn dư địa để chính sách tài khóa phát huy vai trò mạnh mẽ hơn”, ông Suan Teck Kin nói.
Phải bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng
Nếu nới điều kiện tín dụng thì nguy cơ nợ xấu tăng, nhưng không nới thì tín dụng khó tăng, không hỗ trợ được nền kinh tế.
TS. Johnathan Picus, Kinh tế trưởng Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận xét: “Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Nếu nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất có thể làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản”.
Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI phân tích, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng đi sâu vào nghiệp vụ bao gồm 3 trường hợp gồm bị cấm cho vay (như cho vay để thực hiện hoạt động thuộc ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2020), cho vay kèm theo điều kiện nhất định (như cho vay đối với người có liên quan của ngân hàng) và tự do cho vay. Nhưng kể cả trường hợp tạm gọi là tự do cho vay để dễ phân biệt, thì cũng vẫn phải bảo đảm những nguyên tắc và điều kiện chung về cho vay.
Để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, luật sư Đức cho rằng, nếu thấy phát sinh những trường hợp có nguy cơ rủi ro, trái với bản chất hoạt động cho vay nhưng chưa bị Luật Các tổ chức tín dụng cấm, tốt nhất là nên đưa ra các điều kiện kỹ thuật để hạn chế gián tiếp. Chẳng hạn, khi tăng hệ số rủi ro lên cao thì các ngân hàng sẽ cân nhắc giảm bớt cho vay đối với lĩnh vực đó. Nếu điều kiện kỹ thuật thật cao thì chẳng khác nào không cấm mà như cấm cho vay.
Theo luật sư Đức, sở dĩ Thông tư 06/2023/TT-NHNN bị phản ứng là vì có thêm những quy định cấm, gây khó cho doanh nghiệp, nhất là trong lúc thị trường bất động sản đang khó huy động vốn. Chẳng hạn, việc không cho vay để đổ vốn vào dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh thì không sai, nhưng cần được giải thích rõ ràng hơn rằng, chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trong trường hợp này cũng chính là việc chưa đủ điều kiện để được huy động vốn.
“Dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn thì làm sao ngân hàng có thể cho vay vốn được?”, luật sư Đức nói.
Còn việc cấm doanh nghiệp, cá nhân vay vốn để góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp chưa niêm yết thì Luật Các tổ chức tín dụng không cấm và cũng không hạn chế. Vậy nên, ngày 23/8/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN, ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 1/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Luật sư Trương Thanh Đức còn phân tích thêm, nhiều năm nay, 6 trường hợp không được cho vay tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN bao gồm cả những trường hợp chưa được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các luật khác, hay mới chỉ được quy định trong văn bản cấp nghị định (ví dụ Nghị định 24/2012/NĐ-CP). Thông tư 06/2023/TT-NHNN còn quy định thêm 4 trường hợp không được cho vay thì có 3 trường hợp là hoàn toàn mới. Các trường hợp này cần phải được bổ sung vào quy định tại các điều 126 và 127 về các trường hợp không được cấp và hạn chế cấp tín dụng của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Bà Hà Thu Giang cho biết, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong tổng mức tăng trưởng tín dụng, nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung. Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%), nhưng dư nợ tiêu dùng, mua bất động sản để ở chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12% (năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%). Điều này cho thấy, nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường sụt giảm.
Hồng Dung
Đầu tư Chứng khoán (Tài chính) ngày 28-8-2023:
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/de-chinh-sach-tien-te-khong-di-tren-day-post328742.html
(586/1.546) #TCNH #NHNN #TT39