3.561. Thấy gì từ việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Thông tư 06?

Thấy gì từ việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Thông tư 06?

(KT) – Việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) là hành động kịp thời để thực hiện “mệnh lệnh” của Thủ tướng Chính phủ: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS). Tuy vậy, đằng sau quyết định này, vẫn còn những điều băn khoăn…

ngưng hiệu lực thi hành 06

Việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Thông tư 06 giúp DN BĐS dễ tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Ảnh minh họa. 

Cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp

Thông tư 06 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023 với nhiều điểm mới.

Một trong những điểm mới đáng lưu ý là Thông tư bổ sung các quy định cấm TCTD cho vay để: Thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPcom; thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh nhằm thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm TCTD quyết định; bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ một số điều kiện cụ thể.

Việc bổ sung các quy định trên là để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng. Tuy nhiên, các DN BĐS lại cho rằng đây là rào cản khiến họ khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Vì vậy, ngay sau khi Thông tư 06 được ban hành, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh đã có Văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét, sửa đổi các quy định tạo “rào chắn” tiếp cận tín dụng của DN so với trước đây.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn hỏa tốc giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẩn trương chủ trì cuộc họp với lãnh đạo NHNN cùng đại diện các Bộ, cơ quan liên quan để chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 06. Cuộc họp về vấn đề này đã được tổ chức ngay sau đó dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục có Văn bản số 756/TTg-KTTH, trong đó yêu cầu NHNN khẩn trương, nhanh chóng rà soát sửa đổi, bổ sung ngay một số nội dung tại Thông tư 06 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn, cản trở DN. Cùng ngày, NHNN đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 06) từ ngày 01/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.

Việc hoãn thi hành một số quy định cho vay là thông tin khả quan, giúp DN BĐS tiếp cận vốn vay từ các TCTD thuận lợi hơn trong bối cảnh “đói vốn” như hiện nay.

Ông Trần Minh Hải – Tổng Giám đốc Công ty Luật Basico

Với những hành động liên tiếp, quyết liệt trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN đã thể hiện sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của DN, người dân, bảo đảm kịp thời xử lý vướng mắc, khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS. Quyết định trên cũng khẳng định sự nhất quán trong các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ từ đầu năm đến nay, đúng với tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn.

Chính sách tiền tệ chưa vơi “gánh nặng”?

Có thể nói, việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định cấm TCTD cho vay được coi là giải pháp tình thế trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, cần ưu tiên tăng trưởng. Song, điều này cũng cho thấy DN BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung còn phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng. Thực tế, các kênh dẫn vốn khác của nền kinh tế như chứng khoán, trái phiếu DN còn rất khó khăn và ngành ngân hàng đang phải “gánh” cung ứng vốn cho nền kinh tế, cả ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn.

“Gánh nặng” của chính sách tiền tệ dường như vẫn rất lớn trong bối cảnh các chính sách vĩ mô khác chưa thực sự phát huy được nhiều tác dụng đối với nền kinh tế. Tại cuộc họp tìm hướng sửa đổi Thông tư 06, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái từng nhấn mạnh: NHNN có hai chức năng. Một là, điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hai là, bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD. Đây là việc rất khó, đòi hỏi phải có sự kết hợp các giải pháp hài hòa, linh hoạt, hiệu quả.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng và kiểm soát rủi ro hệ thống ngân hàng luôn là bài toán khó với nhà điều hành. Bài toán ấy lại càng nan giải hơn khi nợ xấu của các ngân hàng nửa đầu năm 2023 có xu hướng tăng lên. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS vào cuối tháng 6 vừa qua lên tới 2,47%, trong khi tháng 6/2022, tỷ lệ này là 1,53%.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các cuộc khủng hoảng ngân hàng ở châu Á trước đây cũng như ở Mỹ hiện nay đều bắt nguồn từ việc các nhà băng nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, cho vay sân sau, quá tập trung vào tín dụng BĐS trong khi thanh tra, giám sát thiếu chặt chẽ.

Ở Việt Nam hiện nay, vừa yêu cầu tín dụng hỗ trợ tăng trưởng, phát triển thị trường BĐS vừa giám sát chặt chẽ an toàn hệ thống là điều rất khó.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Còn tại Việt Nam, trường hợp Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và 3 ngân hàng mua lại bắt buộc với giá 0 đồng cũng đã để lại bài học “đắt giá”: Nếu nới lỏng quá mức các điều kiện cho vay thì chất lượng tín dụng sẽ bị ảnh hưởng, nợ xấu có nguy cơ tăng cao, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế, thậm chí để lại những hệ lụy dai dẳng phải mất nhiều năm mới xử lý được. Do vậy, trong bối cảnh ngành ngân hàng đóng vai trò chủ đạo cung ứng vốn cho nền kinh tế, việc bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD và cả nền kinh tế phải là mục tiêu quan trọng của chính sách tiền tệ.

Thế nhưng, bên cạnh mục tiêu trên, chính sách tiền tệ còn có nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng. Nhiệm vụ này cũng rất cấp bách trong bối cảnh nhiều DN, nhất là các DN BĐS đang tràn ngập khó khăn như hiện nay và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới đạt 3,72%, còn xa so với mục tiêu cả năm. Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho DN, khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS, hỗ trợ tăng trưởng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống? Đó là vấn đề khó rất cần một “nghệ thuật” trong điều hành chính sách tiền tệ!./.

Đức Thành

————-

Kiểm toán (Tín dụng) ngày 31-8-2023:

http://baokiemtoan.vn/thay-gi-tu-viec-ngung-hieu-luc-thi-hanh-mot-so-quy-dinh-cua-thong-tu-06-26842.html

(43/1.429) #NHNN #BĐS #TT06

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,383