(BĐS) – Theo các chuyên gia, việc để một dự án lớn có hàng loạt sai phạm về quy hoạch, xây dựng trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện, xử lý, chắc chắn có sự móc nối hay hậu thuẫn đằng sau.
Xây dựng công viên nước, cửa hàng xăng dầu khi chưa có giấy phép, xây dựng thêm tầng áp mái không đúng quy định tại 9 toà nhà, thi công sai quy hoạch tại các công trình khu A3.1 và B2.1… là loạt những sai phạm tại dự án KĐT Thanh Hà vừa được Thanh tra TP.Hà Nội chỉ ra.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận bức xúc nhất là phần lớn dự án KĐT Thanh Hà đã đi vào hoạt động nhiều năm, các giao dịch mua bán giữa chủ đầu tư và cư dân đã hình thành nhưng chỉ khi thanh tra vào cuộc, những sai phạm mới dần hé lộ, “ngã ngửa”.
Đặc biệt, KĐT Thanh Hà không phải là một dự án nhỏ mà là một tổ hợp dự án có tổng diện tích quy hoạch gần 500ha. Trong bối cảnh quỹ đất Hà Nội đang ngày càng eo hẹp, mọi sai phạm về quy hoạch xây dựng đều đem đến một lãng phí rất lớn không chỉ tiền bạc mà còn tài nguyên đất. Do đó, loạt những sai phạm của KĐT Thanh Hà đặt ra một “dấu hỏi” lớn về trách nhiệm của các bên tham gia, từ chủ đầu tư dự án đến chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước.
Vào ngày 25/11 mới đây, tại trụ sở Ban Quản lý dự án KĐT Thanh Hà, hàng chục người dân có đất tại dự án đã kéo đến, đề nghị chủ đầu tư bàn giao đất và trả sổ đỏ cho cư dân.
Theo chia sẻ của người dân, họ đã bỏ tiền tỷ mua đất từ 2016 đến nay, song kết quả nhận được là thông tin dự án phải dừng, không được phép thực hiện bất kỳ hoạt động gì khiến những kế hoạch an cư hay kinh doanh của nhiều người dân bị bỏ ngỏ. Thậm chí, người dân còn không được phép tự xây nhà trên đất của chính mình mua. Tiền mất nhưng những gì nhận lại chỉ là một bãi đất hoang với cỏ mọc um tùm. Nghe có vẻ vô lý nhưng lại là sự thật đối với hàng chục hộ dân, nhà đầu tư tại đây.
Lý do dẫn đến thực trạng này được cho là do một số lô đất chủ đầu tư bán cho người dân không đúng với quy hoạch ban đầu. Chủ đầu tư tự ý chia nhỏ diện tích đất để dễ bán, sử dụng đất không đúng mục đích như thu nhỏ diện tích đất hồ điều hòa để lấy phần đất này chia lô bán cho dân hoặc thay đổi công năng sử dụng…
Người dân kéo đến đòn quyền lợi vào ngày 25/11 tại trụ sở Ban Quản lý dự án KĐT Thanh Hà. (Ảnh IT)
Theo các chuyên gia, đây không phải là sai phạm mới có trong việc đầu tư và kinh doanh bất động sản của các chủ đầu tư, song sai phạm lần này của Tập đoàn Mường Thanh – chủ đầu tư KĐT Thanh Hà là loạt những phạm lớn, có tính chất và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân.
Chia sẻ với phóng viên, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhìn nhận, chưa nói đến góc độ ai sai ai đúng thì ngay từ những ngày đầu, người dân, nhà đầu tư vào dự án đã phải gánh chịu nhiều hệ luỵ.
“Với câu chuyện nêu trên, nói thẳng ra chủ đầu tư tại KĐT Thanh Hà đang lừa đảo người dân, lừa đảo nhà đầu tư. Mua đất không được xây nhà, mua đất không có giấy phép, chia lô bán đất nền trái quy hoạch thì đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất là người dân. Bởi với họ, đôi khi lại là cả gia tài tích góp cả đời mới có được, vì vậy cần mạnh tay giải quyết vụ việc để đảm bảo quyền lợi cho người dân”, luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cũng cho rằng, việc sai phạm trật tự xây dựng ở bất cứ công trình, dự án nào thì nhà đầu tư, người dân tham gia mua dự án là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, từ quyền lợi, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày đến tâm lý.
“Bỏ một khoản tiền lớn nhưng đổi lại chỉ là những dự án trên giấy, đầy rẫy sai phạm thì chắc chắn dân sẽ không “an”, xã hội không “yên”. Chưa kể với hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư tại KĐT Thanh Hà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, quyền lợi của các nhà đầu tư, của các tổ chức, cá nhân khi đầu tư kinh doanh vào dự án này. Rất nhiều trường hợp bị hạn chế cấp phép xây dựng, hạn chế sử dụng kinh doanh, thậm chí phải hủy bỏ hợp đồng. Khi thanh tra kiểm tra kéo dài, các văn bản ngăn chặn của cơ quan chức năng cũng sẽ ảnh hưởng lớn đối với đời sống, kinh doanh của nhiều hộ dân”, PGS.TS Bùi Thị An nhìn nhận.
Khi “sự đã rồi”, việc khắc phục hệ lụy, xử lý hậu quả cũng trở thành bài toán nhức nhối. Bởi bản chất, bất động sản là một khối tài sản có giá trị lớn, việc phá bỏ những công trình sai phạm sẽ đem lại nhiều thiệt hại nặng nề, lãng phí từ mặt kinh tế, ô nhiễm môi trường, mất công sức, thời gian xây dựng, thời gian phá bỏ.
Chưa kể, xét về mục đích xã hội, một số công trình sai phạm trong KĐT Thanh Hà như công viên nước, cửa hàng xăng dầu là những công trình có ý nghĩa công cộng lớn. Đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội đang dần bị “bóp nghẹt” bởi các khối bê tông cao tầng, thì yếu tố mặt nước, cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, nếu xử phạt theo tồn tại, hợp thức hoá sai phạm thì liệu rằng có đang tạo nên một tiền lệ xấu trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng? Đặc biệt, khi để cho doanh nghiệp sai phạm chồng sai phạm rồi phạt theo tồn tại thì uy nghiêm của pháp luật còn đâu? Và câu chuyện trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước trong việc để các công trình xây dựng không phép, sai phép ngang nhiên hoạt động dường như cũng đang bị bỏ ngỏ. Đến cuối câu chuyện, đối tượng gánh chịu nhiều hệ luỵ nhất là người dân và nhà đầu tư có thực sự được bồi thường một cách thoả đáng?
Có quá nhiều vấn đề, hệ luỵ được đặt ra trong loạt sai phạm tại KĐT Thanh Hà. Vì vậy, việc truy cứu trách nhiệm, tìm ra giải pháp khắc phục cho những sai phạm này là điều hết sức cần thiết. Từ đó, mạnh tay răn đe những chủ đầu tư đã và đang có ý định cố tình sai phạm về quy hoạch xây dựng, tạo môi trường đầu tư và phát triển lành mạnh.
Không ít người đã và đang đặt ra câu hỏi: “Chính quyền ở đâu khi chủ đầu tư ngang nhiên thực hiện dự án lỗi chồng lỗi?” Bởi trong câu chuyện này, không phải một hay hai sai phạm tại các dự án khác nhau mà rất nhiều sai phạm trong cùng một dự án.
Đặc biệt ở sai phạm công viên nước Thanh Hà, sau khi cơ quan nhà nước lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng và yêu cầu dừng mọi hoạt động thi công xây dựng công trình vi phạm, chủ đầu tư vẫn thi công, hoàn thiện công viên nước.
Tiếp đó, khi UBND quận Hà Đông ra quyết định áp dụng khắc phục hậu quả, sau 20 ngày, chủ đầu tư chỉ tháo dỡ mái che của 4 hạng mục, các hạng mục còn lại không tháo dỡ. Đến khi UBND quận Hà Đông ra quyết định cưỡng chế yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng không phép trong vòng 15 ngày, nhưng sau thời hạn 15 ngày, chủ đầu tư vẫn tiếp tục không chấp hành tháo dỡ.
Trong trường hợp này, hành vi của chủ đầu tư là hoàn toàn sai và vi phạm pháp luật, song trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà nước cũng không hề nhỏ.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, chủ đầu tư không dừng thi công khi bị phát hiện sai phạm một phần là do cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể trong trường hợp này là đội Thanh tra xây dựng quận. Nếu không buông lỏng quản lý, chậm phát hiện và xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư; chậm phát hiện công trình xây dựng không phù hợp quy hoạch, không đúng vị trí; không đề xuất UBND quận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả thì sẽ không để diễn ra hàng loạt sai phạm liên tiếp như vậy.
Tuy nhiên, vị luật sư cũng cho rằng, không bàn đến trách nhiệm phát hiện kịp thời sai phạm của chủ đầu tư hay không mà ngay từ đầu đã có “lỗ hổng” trong vấn đề quản lý của cơ quan nhà nước.
“Chủ đầu tư không thể một tay che lấp bầu trời. Loạt các sai phạm lớn diễn ra chắc chắn có sự hậu thuẫn phía sau. Đặc biệt, chẳng chủ đầu tư nào dại khi cố tình biết sai mà vẫn vi phạm pháp luật để đem về những rủi ro, thậm chí không cẩn thận sẽ còn phải khởi tố vi phạm quy định xây dựng, lừa dối khách hàng nếu không có lợi ích lớn hơn hay có sự móc nối giúp đỡ. Vì vậy, khi xem xét nguyên nhân và trách nhiệm dẫn đến sự việc này cần nhìn nhận từ hai phía gồm: chủ đầu tư và chính quyền, cơ quan chức năng”, luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng này, trước hết cần xem lại nguyên nhân vì sao một dự án sai phạm lớn như thế, diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” mà chính quyền không biết, không thấy để xử phạt kịp thời. Điều gì đã “che mắt” chính quyền để những công trình lớn không phép cứ thế xây lên mà không bị tuýt còi xử phạt? Trong khi, nhiều nhà dân mới chỉ đổ đống cát, đống gạch trước cửa thì cán bộ đã ngay lập tức đến lập biên bản.
“Mọi sai phạm của chủ đầu tư trong xây dựng công trình luôn luôn có trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Chỉ khi thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra đôn đốc giám sát hoặc buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho sai phạm thì chủ đầu tư mới dám vi phạm, cố tình vi phạm và hành vi vi phạm kéo dài.
Do đó, cùng với việc xử lý sai phạm của chủ đầu tư công trình cũng cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương, của cơ quan chức năng trong việc quản lý xây dựng trên địa bàn”.
Nhìn nhận về hướng giải quyết, PGS.TS Bùi Thị An cũng đề xuất, dù đã chỉ ra sai phạm nhưng cần phải làm rõ trách nhiệm ai sai ai đúng trong vấn đề này. Việc xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến các sai phạm là cần thiết và cần phải xử lý nghiêm minh, công bằng.
Công viên nước Thanh Hà xây dựng không có giấy phép. (Ảnh IT)
“Sai đâu xử lý đấy, cần có lộ trình xử lý, công khai lộ trình xử lý rõ ràng để dân giám sát vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo được bộ mặt thủ đô và tạo được niềm tin trong lòng dân. Ngoài ra, cần giải quyết nhanh chóng, xử lý kịp thời đối với những vi phạm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người dân và các nhà đầu tư tại dự án này”, PGS.TS Bùi Thị An cho biết.
Đặc biệt qua câu chuyện này, PGS.TS Bùi Thị An cũng nhấn mạnh, cần nâng cao mức độ am hiểu pháp luật cho người dân, nhà đầu tư khi mua và đầu tư bất động sản. Chủ đầu tư chỉ có thể lừa, “mị dân” khi mà dân không biết, không hiểu pháp luật một cách đầy đủ. Vì vậy, để tránh những câu chuyện như thế này tiếp diễn, người dân cần có sự hiểu biết nhất định về pháp luật, nên mua nhà, mua đất như thế nào và các góc độ pháp lý liên quan ra sao để tránh những hệ lụy không đáng có.
Tác giả:Hà Thương
Thiết kế:Thảo Quyên
—————————-
Bất động sản (Pháp lý bất động sản) 07-12-2021:
https://reatimes.vn/loat-sai-pham-tai-kdt-thanh-ha-20201224000008610.html
(447/2.347)