(VNB) – Theo luật sư, hiện tại đang tồn tại hai loại bản quyền liên quan đến quyền tác giả. Và BH Media trong sự việc này không có lỗi.
Tối 6/12, khán giả theo dõi trận đấu giữa Đội tuyển bóng đá Việt Nam – Lào trong khuôn khổ AFF Cup được phát trên YouTube đã bất ngờ khi phần nghi thức hát Quốc ca của Việt Nam bị tắt âm thanh vì lý do bản quyền.
Nhiều người hâm mộ đã hướng sự phẫn nộ đến với BH Media, một đơn vị từng vướng phải lùm xùm liên quan đến vấn đề bản quyền ca khúc Quốc Ca trước đó. Tuy nhiên, phía BH Media đã lập tức phản hồi truyền thông, khẳng định họ không liên quan tới vụ việc lần này.
“Trong trận đấu Việt Nam – Lào, không hề có bên nào đánh bản quyền bài Tiến quân ca mà chính đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng bài Tiến quân ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT trước đó.
Việc làm này tương tự đơn vị Next Media tắt tiếng phần hát Quốc ca các video các trận đấu của các quốc gia khác trên kênh của mình để tránh việc bị xác nhận bản quyền âm nhạc”, BH Media thông tin.
Phần nghi thức hát Quốc Ca của các tuyển thủ bị cắt âm thanh vì lý do bản quyền. (Ảnh chụp màn hình).
Trước sự việc này, người viết đã liên hệ với Luật sư Trương Thanh Đức – công ty luật ANVI, để tìm hiểu. Theo luật sư, hiện tại đang tồn tại hai loại bản quyền liên quan đến quyền tác giả.
Đầu tiên là bản quyền tác giả, quyền sở hữu của cá nhân/tổ chức với một sản phẩm cụ thể. Như trường hợp của Tiến Quân Ca, bản quyền tác giả đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao chuyển giao cho Nhà nước và được cung cấp miễn phí cho toàn dân sử dụng.
Thứ hai là bản quyền phái sinh. “Câu chuyện ở đây không liên quan đến quyền tác giả vì không có ai xâm phạm, đánh cắp… nhưng nó lại nằm ở quyền phái sinh, là các quyền liên quan đến quyền tác giả như ghi âm, phóng tác, biểu diễn…
Ví dụ như phóng tác một tác phẩm, ca sĩ khi thể hiện một tác phẩm âm nhạc sẽ có quyền đăng ký sở hữu đối với bản thu của họ, điều này không xâm phạm đến quyền tác giả nếu họ đã xin phép”, luật sư Trương Thanh Đức cho biết.
“Trước đó, BH Media được Hồ Gươm Media đăng ký bản quyền đối với bản thu ca khúc Quốc ca do họ sản xuất trên YouTube, vì thế nếu ai sử dụng thì thuật toán của nền tảng này sẽ tự động cắt đi. Chiếu theo tiền lệ, trong trường hợp này, tôi cho rằng các bên đều làm việc đúng luật, cả bên đăng ký và bên thực hiện phát sóng chương trình”, ông Đức nói.
Theo ý kiến của luật sư, lỗi lớn thuộc về ban tổ chức khi đã sử dụng bản thu đã được đăng ký sở hữu trên YouTube thay vì dùng bản thu Quốc ca do chúng ta gửi sang. Vì thế, nếu chưa được sự cho phép của người đăng ký sở hữu bản thu thì YouTube sẽ “đánh” bản quyền ngay lập tức.
“Chúng ta không nên lên án chuyện này vì đây là cơ hội lớn để người dân hiểu thêm về luật pháp nói chung và luật bản quyền nói riêng. Bây giờ chúng ta nên hành động như thế nào? Theo tôi, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch nên đăng ký một bản thu riêng dành cho ca khúc Tiến Quân Ca trên YouTube để mọi người được phép sử dụng mà không lo vấn đề bản quyền”, ông Đức nêu ý kiến.
“Việc phát “Tiến quân ca” không bản quyền dẫn đến mất doanh thu không phải do lỗi của kênh YouTube của FPT. Họ chỉ là đơn vị tiếp sóng. Ban tổ chức sân mới chính là người đã chọn bản ghi “Tiến quân ca” của Hãng đĩa Marco Polo”, đại diện BH Media chia sẻ.
Đơn vị này cũng cho rằng bản quyền âm nhạc trên môi trường số ngày càng chặt chẽ. Do đó, tất cả các bên đều cần phải nâng cao ý thức bản quyền.
Đồng quan điểm với luật sư Trương Thanh Đức, BH Media cho rằng khi đoàn thể thao Việt Nam ra nước ngoài thi đấu thì phía Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các bản ghi Quốc Ca có bản quyền gửi tới ban tổ chức trận đấu để tránh trường hợp tương tự xảy ra.
Thùy Trang
—————
VNBiz (Kinh doanh) 07-12-2021:
(837/837)