Tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng
(TBNH) – Theo NHNN, tính đến cuối tháng 7/2023, tín dụng cho nền kinh tế mới đạt khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với đầu năm. Trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03 – 3,27 – 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7 và thấp hơn đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%).
Sức hấp thụ vốn chưa cải thiện
Diễn biến tín dụng tăng trưởng chậm đã được dự báo từ đầu năm. Chính vì vậy, Chính phủ và NHNN đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp dễ tiếp cận và vay được vốn rẻ hơn từ các TCTD. Cụ thể, NHNN ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ; NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm hỗ trợ cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Song song với đó, NHNN cũng kêu gọi các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Các ngân hàng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN về việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới… Lãi suất cho vay tại các ngân hàng giảm từ 1,5-4%/năm, thậm chí có ngân hàng giảm sâu hơn.
Tín dụng tăng chậm cũng khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi cân đối bài toán kinh doanh |
Giới chuyên môn đánh giá, ngành Ngân hàng đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp, hướng dòng vốn vào lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên việc tăng trưởng tín dụng vẫn chậm. Theo nhận định của ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch HĐQT FiinGroup, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở nhiều ngành chủ chốt trong nền kinh tế còn thấp. Chẳng hạn như ngành dệt may, doanh thu của ngành này chịu tác động tiêu cực bởi sự sụt giảm mạnh về cầu ở các thị trường trọng điểm bao gồm Mỹ, châu Âu. Biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay thu hẹp do chi phí đầu vào tăng, trong khi giá đầu ra giảm vì cầu yếu.
Bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhấn mạnh, việc tín dụng tăng trưởng thấp đã phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, lại hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu nên nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút. Mặc dù các chỉ số kinh tế trong nước đang có xu hướng diễn biến tích cực như: xuất khẩu tháng 8 tăng 7,7% so với tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 2,9%… song do ảnh hưởng dồn tích từ thị trường trong những tháng đầu năm nên tín dụng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của doanh nghiệp bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả; TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống, ngăn ngừa nợ xấu tăng trở lại.
Không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thừa nhận, dù ngân hàng rất muốn cho vay, thúc đẩy tín dụng, nhưng đối với khách hàng trong tình trạng tài chính không vững vàng như chưa trả nợ cũ đang phải cơ cấu nợ, triển vọng đơn hàng không có… Vậy ngân hàng làm sao cho vay đối với những khách hàng không đáp ứng đủ điều kiện cho vay.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chỉ ra điểm chung của khủng hoảng ngân hàng ở châu Á trước đây cũng như ở Mỹ hiện nay đều xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Đó là các ngân hàng nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, cho vay sân sau, quá tập trung vào tín dụng bất động sản; khâu thanh tra giám sát không chặt. Ở Việt Nam hiện nay, cơ quan quản lý vừa yêu cầu tín dụng hỗ trợ tăng trưởng, phát triển thị trường bất động sản, vừa giám sát chặt chẽ an toàn hệ thống là điều rất khó. Giải quyết vấn đề trên sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, hiện nay, thúc đẩy tín dụng là điều bức thiết, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, không để nợ xấu tăng, đảm bảo an toàn hệ thống. Vì thế, giữa hai dòng nước ngược chiều nhau, phải tìm được điểm cân bằng. Nếu vì sợ nợ xấu mà tín dụng đứng im thì cũng không được, mà thả phanh tín dụng cũng không ổn vì không chỉ vấn đề nợ xấu, mà còn là an toàn tài chính quốc gia.
Đã có quá nhiều bài học từ giai đoạn trước, khi chúng ta thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá đã dẫn đến hậu quả khôn lường. Chính vì vậy, mặc dù rất muốn “giải phóng” lượng vốn huy động đang không ngừng tăng, nhưng các ngân hàng rất thận trọng, luôn đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng để nợ xấu không bị dềnh lên. “Nếu ngân hàng không giữ trận địa, đến lúc nợ xấu tăng nhanh sẽ rất vất vả để chống đỡ”, lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ. Trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn thấp, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, nếu cố gắng đẩy mạnh tín dụng thì có thể dẫn đến rủi ro chủ doanh nghiệp lại tranh thủ đầu tư vào các kênh có tính đầu cơ mà không đưa vốn vào sản xuất.
Giới chuyên môn cho rằng, lãi suất hiện nay không còn là điểm nghẽn tiếp cận vốn mà mấu chốt khiến tín dụng tăng chậm là do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, hấp thụ vốn kém. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị phải đẩy mạnh chính sách tài khoá, cải thiện môi trường kinh doanh song hành cùng chính sách tiền tệ.
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ, trong khi Chính phủ và NHNN tìm nhiều giải pháp gỡ khó, quyết liệt kéo mặt bằng lãi suất xuống, thì ở nhiều ngành khác có những chính sách làm chi phí kinh doanh tăng lên. Hiện nhiều doanh nghiệp “kêu” khó khăn nhất là phải chờ đợi các quyết định hành chính mà không biết chờ đến khi nào. “Hiện tại, tốc độ của quyết định hành chính quá chậm so với quyết định kinh doanh. Rất nhiều dự án đầu tư kéo dài hàng năm trời; nhiều nhà máy chưa thể đưa vào hoạt động theo đúng kế hoạch vì trục trặc ở khâu này, khó ở khâu khác. Do đó, cần sự đồng bộ chính sách của nhiều ngành để đẩy nhanh tốc độ của quyết định hành chính”, ông Tuấn đề nghị.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đức Nghĩa – Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội cũng kiến nghị, giải pháp trong tình thế hiện nay không thể chỉ đến từ ngành Ngân hàng, mà còn phải đến từ chính sách tài khoá. Đơn cử, cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến vấn đề hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Để tăng cường khả năng hấp thụ nguồn vốn tín dụng, TS. Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM đề nghị các bộ, ban, ngành triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về giảm, hoãn, giãn thuế. Cụ thể hơn, TS. Nguyễn Minh Thảo kiến nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giảm phí công đoàn; Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) chỉ đạo và giám sát công tác hoàn thuế, đảm bảo hoàn thuế đúng hạn cho doanh nghiệp; coi trọng cải cách thể chế môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Tuyệt đối không ban hành các quy định tạo thêm gánh nặng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp…y
Nguyễn Vũ
————-
Thời báo Ngân hàng (Ngân hàng) ngày 04-9-2023:
https://thoibaonganhang.vn/tang-truong-tin-dung-phai-di-doi-voi-chat-luong-143460.html
(221/1.572) #TCNH #NHNN