3.572. Đường vòng mà nhanh đến địch thì đó mới chính là đường ngắn nhất.

(NĐT) – Tập đoàn Vingroup đang tái cấu trúc công ty sản xuất ô tô VinFast trước thời điểm phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ trong năm tới. Nhiều động thái của tập đoàn này liên quan đến việc tái cấu trúc trước thềm IPO khiến dư luận quan tâm.

Hồi tháng 4 vừa rồi, Bloomberg dẫn nguồn tin riêng cho biết VinFast – nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Việt Nam đang có ý định IPO tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE), dự kiến huy động 2 tỷ USD với định giá tối thiểu 50 tỷ USD, qua đó trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam. Các nguồn tin của Reuters cho biết kế hoạch IPO sẽ được tiến hành trong quý II/2021.

Theo Reuters, ước tính VinFast có thể thu về 3 tỷ USD và định giá của VinFast được kỳ vọng khoảng 60 tỷ USD, trong khi Bloomberg ước tính con số ít nhất khoảng 50 tỷ USD. Với mức giá này, giới chuyên gia cho rằng giá trị vốn hóa của Vingroup sẽ sánh ngang các doanh nghiệp ô tô lâu đời của thế giới như Honda (khoảng 50 tỷ USD), Hyundai (khoảng 51 tỷ USD). Cũng theo Reuters, Vingroup đang đàm phán với các nhà đầu tư, bao gồm Quỹ Đầu tư Quốc gia Qatar và tập đoàn BlackRock để huy động khoảng 1 tỷ USD cho VinFast.

Thông tin VinFast sẽ IPO tại Mỹ cho thấy khi thị trường vốn trong nước gặp khó khăn, niêm yết trên thị trường quốc tế là hướng đi mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể chọn. Niêm yết thành công ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ là cơ hội để “hóa rồng” đối với nhiều công ty. Nhiều công ty của Trung Quốc như Alibaba, Sohu… cũng đã mạnh dạn lên sàn quốc tế và trở thành công ty có vốn hóa 6-7 tỷ USD.

Đặc biệt, VinFast đã có nhiều động thái trước khi bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chính thức xác nhận VinFast đang lên kế hoạch IPO tại Mỹ.

Hồi tháng 4/2021, Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam đã mua 100% cổ phần Công ty Fiscus Consultancy Pte.Ltd – công ty được thành lập và hoạt động theo luật pháp Singapore. Công ty này sau đó đã được đổi tên thành VinFast Trading and Investment Pte.Ltd. (VinFast Singapore).

Hôm 8/12, Vingroup xác nhận bảo lãnh vô điều kiện và không huỷ ngang cho toàn bộ nghĩa vụ thanh toán 2 lô trái phiếu kỳ hạn 36 tháng, ngày đáo hạn là 1/11/2024 do VinFast phát hành thành công, thu về 5.000 tỷ đồng trái phiếu nhằm thanh toán các chi phí để đầu tư cho dự án tổ hợp sản xuất ô tô VinFast.

Ngày 11/12, Vingroup tiếp tục xác nhận bảo lãnh, dùng tài sản của mình để đảm bảo các nghĩa vụ của VinFast phát sinh liên quan đến khoản vay 200 triệu USD với Credit Suisse AG – ngân hàng chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính có trụ sở tại Thuỵ Sỹ. Ngân hàng này cũng từng đứng ra thu xếp giao dịch vay lên đến 950 triệu USD của VinFast hồi năm 2018.

Đặc biệt, ngày 3/12 vừa rồi, Vingroup đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp VinFast sang trụ sở chính tại Singapore. Theo đó, VinGroup chuyển 51,52% cổphần trong VinFast Việt Nam cho VinFast Singapore. Sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc, Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% cổ phần của VinFast Singapore, theo đó gián tiếp sở hữu 99,9% VinFast Việt Nam. Tập đoàn Vingroup vẫn duy trì tỉ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam như hiện nay.

Theo Vingroup, việc tái cấu trúc này nằm trong quá trình chuẩn bị cho VinFast IPO tại Mỹ, là nền tảng quan trọng trong chiến lược trở thành thương hiệu toàn cầu của công ty.

Bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Vingroup cho biết, lý do phải “đi đường vòng” niêm yết công ty VinFast Singapore thay vì IPO trực tiếp VinFast Việt Nam trên sàn chứng khoán Mỹ do việc niêm yết các công ty Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Mỹ chưa thực hiện được do thiếu sự liên thông về pháp lý và các cơ chế phối hợp liên quan.

“Do đó để có thể niêm yết tại Mỹ, VinFast bắt buộc phải thực hiện việc niêm yết qua VinFast Singapore vì Singapore là nước đã có sự liên thông với Mỹ trong lĩnh vực này” – bà Thuỷ nói.

Bà Thuỷ cũng cho biết việc niêm yết thành công sẽ mở ra cơ hội cho VinFast tiếp cận các nguồn vốn quốc tế để phục vụ cho chiến lược phát triển của mình. Bên cạnh đó, việc này giúp nâng vị thế VinFast lên tầm cao mới và góp phần hiện thực hóa chiến lược đưa VinFast trở thành thương hiệu toàn cầu.

Trước đó, giữa tháng 11 vừa qua, nhà sản xuất xe điện này đã chính thức đưa vào hoạt động trụ sở chính của chi nhánh Mỹ, đặt tại khu vực Playa Vista (thành phố Los Angeles, bang California). Công ty này cũng đã ra mắt 2 mẫu ô tô điện VF e35 và VF e36 tại triển lãm Los Angeles Auto Show 2021.

Thông tin về việc VinFast – đơn vị thành viên Vingroup tiến hành tái cấu trúc, chuyển nhượng vốn góp tại VinFast Việt Nam sang chi nhánh Singapore ngay trước thềm IPO ở Mỹ khiến giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Giới chuyên gia cho rằng việc có nhiều doanh nghiệp Việt IPO, niêm yết tại thị trường nước ngoài sẽ tạo được uy tín cho quốc gia, thu hút dòng vốn ngoại và nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.

Theo luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Cty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC, việc VinFast IPO tại Mỹ thành công sẽ tạo ra sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, thu hút được nguồn vốn dồi dào từ thị trường tài chính số một thế giới.

“Việc này tạo điều kiện cho doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và kỹ thuật hiện đại của thế giới, phát triển theo đúng chiến lược mong muốn. Đồng thời, việc này giúp doanh nghiệp kết nối, mở rộng đầu tư quốc tế và góp phần nâng cao uy tín, vị thế của doanh nghiệp Việt Nam” – ông cho hay.

TS Phan Phương Nam – Phó khoa Luật Thương mại, Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh cũng đồng tình và cho rằng nếu Vinfast IPO thành công tại Mỹ, sẽ mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên sàn quốc tế. “Thực tế, một số doanh nghiệp Việt Nam đã từng niêm yết trên các sàn chứng khoán quốc tế, tuy nhiên chủ yếu niêm yết chứng khoán nợ, không phải chứng khoán vốn” – ông Nam cho hay.

“Việc Vinfast đẩy mạnh, phát hành chứng khoán vốn cho thấy Việt Nam chúng ta cũng có những công ty với tầm nhìn tài chính tốt, vươn ra thế giới, từ đó tạo điều kiện cho việc huy động vốn ở nước ngoài” – ông nói thêm. Theo TS Pham Phương Nam, khi niêm yết thành công trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York, VinFast có thể huy động được quốc tế, không co hẹp huy động trong nước. Đặc biệt, góp phần giúp VinFast trở thành công ty đa quốc gia, hình thành, phát triển lớn mạnh, thực hiện chiến lược vươn mình ra thế giới như hiện nay.

VinFast hiện đang sản xuất các loại xe ô tô chạy xăng, ô tô chạy điện và xe máy chạy điện. Do đang trong giai đoạn đầu hoạt động nên VinFast chưa tạo ra lợi nhuận. Trong lần trả lời Bloomberg hồi cuối năm 2019, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup, cho biết hãng xe này chưa thể có lãi trong ít nhất 5 năm tới. Theo dự tính của ban quản trị, số tiền Vingroup phải bù lỗ cho nhà sản xuất ô tô này có thể lên tới 18.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng chi phí tài chính và khấu hao mỗi năm lỗ khoảng 7.000 tỷ đồng vì bán xe dưới giá thành sản xuất.

Tuy nhiên, khi niêm yết ở Mỹ, nhiều tập đoàn nổi tiếng thế giới như Uber, Tesla trong quá khứ cũng mang lỗ lên sàn. Theo TS Phan Phương Nam, thực tế không có thời điểm nào được cho là đẹp nhất để IPO tại Mỹ. Ông Nam cho rằng khó khăn của VinFast chỉ là giai đoạn đầu và nằm trong kế hoạch Vingroup đã tính trước. “Thực tế, phải chấp nhận lên sàn khi quá trình kinh doanh chưa đạt thuận lợi nhất bởi cũng không có thời điểm đẹp nhất” – ông Nam cho hay.

“Tuy khó khăn nhưng vẫn phải làm, vì sau vài năm, khi quốc tế nhìn vào và biết VinFast vẫn tồn tại được thì những lần huy động vốn sau này sẽ càng thuận lợi. Việc chờ đợi chỉ làm hụt hơi”. Ông Nam đánh giá đây là cách VinFast chấp nhận khó khăn bước đầu để chinh phục những thuận lợi về sau. Ông Nam nêu rõ, trước đây, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng dự kiến niêm yết ra các thị trường chứng khoán nước ngoài nhưng cứ chờ đợi thời điểm thích hợp nên đã lỡ mất giai đoạn vàng.

Đặc biệt, Vingroup cũng xem xét niêm yết VinFast tại Mỹ thông qua con đường SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt – Special Purpose Acquisition Company). Ông Phan Phương Nam đánh giá nếu chọn con đường này sẽ là con đường nhanh nhất bởi nếu niêm yết đúng quy trình thông thường thì còn mất thời gian dài mới đạt đủ các chuẩn mực về niêm yết.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng SPAC sẽ là cách thức tối ưu giúp VinFast IPO tại Mỹ. “Tất nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan như mục tiêu, lĩnh vực ngành nghề và đặc biệt là thị trường niêm yết” – ông nói.

Ông lấy ví dụ, nhiều năm trước đây, việc niêm yết trên sàn HoSE khó hơn nhiều so với niêm yết trên sàn HNX. Từ những đòi hỏi tối thiểu của HNX, các công ty cũng phải chuẩn bị trong nhiều năm một cách quyết tâm và nghiêm túc thì mới đáp ứng được. “Chưa kể, đã đạt được mục tiêu rồi, nhiều công ty đã phải rút lại hoặc bị dừng niêm yết. Do đó, mỗi công ty có thể tìm cho mình một con đường tối ưu khác nhau” – ông Đức nhận định.

Về việc VinFast tái cấu trúc, chuyển nhượng vốn góp tại VinFast Việt Nam sang chi nhánh Singapore ngay trước thềm IPO ở Mỹ, TS Phan Phương Nam cho rằng đây là hành động cơ cấu lại doanh nghiệp, hướng tới trở thành công ty đa quốc gia của VinFast. “Chuyện này pháp luật không cấm và thuận tiện, đẩy mạnh hơn nữa khả năng IPO tại Mỹ, miễn sao đạt được hiệu quả cao nhất mà VinFast đặt ra” – ông nói.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc chuyển nhượng chủ yếu mang tính giải pháp kỹ thuật, không thay đổi chủ sở hữu công ty. Trong trường hợp này, pháp luật Singapore sẽ coi VinFast Singapore là công ty gần như 100% vốn của Việt Nam. Luật sư đánh giá, việc lựa chọn giải pháp kỹ thuật thông qua thị trường Singapore, VinFast sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu IPO trên thị trường nước ngoài nói chung, thị trường Mỹ nói riêng, vì vốn dĩ các thị trường đã liên thông một cách thuận lợi nhất.

“Còn nếu giữ nguyên như trước, thì cơ hội để niêm yết quốc tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều, vì khó có thể thể biết bao giờ pháp luật Việt Nam mới có đủ các quy định cụ thể cần thiết để tạo điều kiện cho việc này” – ông nói thêm.

“Về nguyên tắc, nhiều công ty Việt Nam hoàn toàn có khả năng IPO hay được niêm yết trên thị trường quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước hữu quan. Tuy nhiên, để làm được việc này rất khó khăn, do vế thứ nhất là pháp luật trong nước chưa có quy định rõ ràng, chi tiết. Nhưng vế thứ hai mới là thách thức rất lớn, mà doanh nghiệp Việt Nam chưa có kinh nghiệm hay tiền lệ” – ông cho hay. “Do đó, có lẽ rất ít công ty Việt Nam dám đặt ra mục tiêu như Vingroup trong tương lai gần” – Luật sư Trương Thanh Đức nói.

“Rất có thể chúng ta cảm giác rằng, Vingroup đang đi đường vòng, nhưng nếu như vậy đế họ nhanh đến đích hơn, thì đó mới chính là con đường ngắn nhất và thực ra đó mới chính là đường thẳng” – ông nhấn mạnh.

Thực hiện: Thu Thảo

Thiết kế: Hoàng Yến

(449/2.300)

 

 

Bài gốc:

Đường vòng mà nhanh đến đích thì đó mới chính là đường ngắn nhất.

  1. VinFast tái cấu trúc, chuyển nhượng vốn góp tại VinFast Việt Nam sang chi nhánh Singapore ngay trước thềm IPO ở Mỹ khiến giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Luật sư đánh giá sao về động thái này nhất là khi nhiều người cho rằng việc này khiến Vinfast ko còn là thương hiệu Việt Nam?

Việc Vingroup chuyển nhượng 51,52% và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam chuyển nhượng 48,38% vốn cổ phần trong VinFast Việt Nam, tổng cộng là 99,5% vốn cho VinFast Singapore chủ yếu mang tính giải pháp kỹ thuật, chứ không thay đổi chủ sở hữu công ty. Hai Tập đoàn Việt Nam vẫn là doanh nghiệp “thuần Việt” sở hữu VinFast Singapore. Trong trường hợp này, pháp luật Singapore sẽ coi VinFast Singapore là công ty gần như 100% vốn của Việt Nam. Điều này cũng tương tự như việc 2 công ty Mỹ sở hữu 100% vốn của công ty TNHH 2 ở Việt Nam, thì Luật Đầu tư năm 2020 của ta sẽ coi đó là doanh nghiệp 100% vốn của Mỹ. Khi đó, VinFast Singapore là pháp nhân Singapore, còn VinFast Việt Nam vẫn là pháp nhân Việt Nam. Như vậy, cả chủ sở hữu gốc và doanh nghiệp VinFast hiện nay vẫn tiếp tục là pháp nhân Việt Nam.

Đặc biệt, theo quy định tại Điều 3.4, Luật Thương mại năm 2005 cũng như các Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và 111/2021/NĐ-CP thì ô tô, xe máy VinFast vẫn là và thậm chí là buộc phải ghi xuất xứ Việt Nam.

 

  1. Trường hợp VinFast IPO và niêm yết thành công trên thị trường quốc tế, sẽ tạo ra lợi ích gì cho các doanh nghiệp và thị trường trong nước, thưa ông?

VinFast IPO thành công sẽ tạo ra sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, thu hút được nguồn vốn dồi dào từ thị trường tài chính số 1 thế giới để tạo điều kện cho doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và kỹ thuật hiện đại của thế giới để phát triển theo đúng chiến lược mong muốn. Đồng thời việc này còn giúp doanh nghiệp kết nối, mở rộng đầu tư quốc tế và góp phần nâng cao uy tín, vị thế của doanh nghiệp Việt Nam.

 

  1. Theo luật sư, khó khăn lớn nhất về quy trình, thủ tục khi niêm yết tại Vinfast là gì, đặc biệt, hiện đang trong giai đoạn đầu hoạt động nên VinFast chưa tạo ra lợi nhuận. Ban lãnh đạo công ty ước tính số lỗ trong 5 năm đầu có thể lên tới khoảng 18.000 tỷ đồng/năm.

Với việc lựa chọn giải pháp kỹ thuật thông qua thị trường Singapore, thì Vinfast sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu IPO và niêm yết chứng khoán trên thị trường nước ngoài nói chung, thị trường Mỹ nói riêng, vì vốn dĩ các thị trường đã liên thông một cách thuận lợi nhất. Còn nếu giữ nguyên như trước, thì cơ hội để niêm yết quốc tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều, vì khó có thể thể biết bao giờ pháp luật Việt Nam mới có đủ các quy định cụ thể cần thiết để tạo điều kiện cho việc này.

 

  1. Ông đánh giá thế nào về khả năng các doanh nghiệp có thể IPO được hay niêm yết được trên thị trường quốc tế về tính pháp lý (của cả Việt Nam và nước sở tại), cũng như năng lực thực sự của các doanh nghiệp Việt?

Về nguyên tắc thì nhiều công ty Việt Nam hoàn toàn có khả năng IPO hay được niêm yết trên thị trường quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước hữu quan. Tuy nhiên, để làm được việc này là rất khó khăn, do vế thứ nhất là pháp luật trong nước chưa có quy định rõ ràng, chi tiết. Nhưng vế thứ hai mới là thách thức rất lớn, mà doanh nghiệp Việt Nam chưa có kinh nghiệm hay tiền lệ. Do đó, có lẽ rất ít công ty Việt Nam dám đặt ra mục tiêu như Vingroup trong tương lai gần.

 

  1. Tại sao nhiều doanh nghiệp chọn con đường SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt – Special Purpose Acquisition Company)? Ngoài cách này, thì doanh nghiệp Việt có cách nào tối ưu nữa hay không, thưa ông?

Nhìn vào thực tế đang diễn ra như vậy, thì có thể suy ra, đó chính là cách thức tối ưu. Tất nhiên điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan như mục tiêu, lĩnh vực ngành nghề và đặc biệt là thị trường niêm yết. Cứ hình dung trong nhiều năm trước đây, việc niêm yết trên sàn Hồ Chí Minh khó hơn nhiều so với niêm yết trên sàn Hà Nội. Từ những đòi hỏi tối thiểu của sàn Hà Nội, các công ty cũng phải chuẩn bị trong nhiều năm một cách hết sức quyết tâm và nghiêm túc thì mới đáp ứng được. Chưa kể, đã đạt được mục tiêu rồi, nhiều công ty đã phải rút lại hoặc bị dừng niêm yết.

Do đó, mỗi công ty có thể tìm cho mình một con đường tối ưu khác nhau.

Chẳng hạn, rất có thể chúng ta cảm giác rằng, Vingroup đang đi đường vòng, nhưng nếu như vậy đế họ nhanh đến đích hơn, thì đó mới chính là con đường ngắn nhất và thực ra đó mới chính là đường thẳng.

 

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI.

16-12-2021:

https://www.nguoiduatin.vn/e-duong-vong-ma-nhanh-den-dich-thi-do-moi-chinh-la-duong-ngan-nhat-a537047.html

 

 

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,383