3.579. Khu đô thị ở Hà Nội quên trường học – Lãnh đạo thành phố bất lực hay thiếu trách nhiệm với dân

(BĐS) – Những khu đô thị (KĐT) này có hàng vạn dân sinh sống, nhưng nhiều năm nay vẫn không có trường học. Vậy đó là trách nhiệm của chính quyền thành phố hay chủ đầu tư?

LTS: Hà Nội ngày càng rơi vào tình trạng thiếu trường học trầm trọng, nguyên nhân được xác định là do chủ đầu tư các KĐT mới thực hiện không đúng quy hoạch được phê duyệt, trong khi việc kiểm tra, giám sát từ chính quyền thành phố cho tới các sở, ngành, quận, huyện thì lỏng lẻo. Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và vai trò giám sát từ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, truy xét trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thuộc Hà Nội cũng như trách nhiệm của các chủ đầu tư KĐT. 

Với mong muốn đưa ra nhiều góc nhìn nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Nhiều khu đô thị ở Hà Nội “quên” trường học, ai chịu trách nhiệm?

Bài 4: Lãnh đạo thành phố bất lực hay thiếu trách nhiệm với dân?

Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!

NGƯỜI DÂN CÓ QUYỀN KHỞI KIỆN CHỦ ĐẦU TƯ

Câu chuyện các chủ đầu tư KĐT tại Hà Nội chỉ tập trung xây dựng bán nhà, sau nhiều năm vẫn “quên” xây trường diễn ra rất phổ biến, người dân thì khốn khổ chạy ngược chạy xuôi tìm nơi học cho con, còn chính quyền thành phố thì chỉ quyết liệt bằng vài phát biểu và chưa có biện pháp thực sự hiệu quả xử lý dứt điểm tình trạng này.

Còn nhớ trong một buổi làm việc của lãnh đạo thành phố với các quận huyện vào cuối tháng 9/2011, Bí thư Thành ủy Hà Nội khi đó là ông Phạm Quang Nghị cho rằng, phải thắng thắn chỉ ra nguyên nhân là quy hoạch mạng lưới trường học ở Hà Nội chưa sát thực tế. Ngay cả tiêu chí mỗi phường xã có 1 trường mẫu giáo, 1 trường mầm non, THCS, THPT cũng chỉ nên mang tính tương đối vì mật độ dân cư ở các quận huyện khác nhau. Nếu tiêu chí máy móc sẽ trở thành một khuyết điểm trong quy hoạch vì tính toán xa thực tế, không phù hợp.

Ông Phạm Quang Nghị cũng nhấn mạnh, do quản lý, quy hoạch chưa tốt nên để xảy ra tình trạng thiếu quỹ đất xây trường học tại các quận. Nếu quản lý tốt, có tầm nhìn quy hoạch tốt thì không thể để xảy ra tình trạng thiếu đất, có nghĩa là chúng ta không thể đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan.

Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, bên cạnh những nguyên nhân do thiếu quỹ đất đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp trong nội thành, tăng dân số cơ học, các công trình hạ tầng xã hội tại các KĐT mới chưa được chủ đầu tư quan tâm thoả đáng, nhu cầu của phụ huynh muốn đưa con vào trường có danh tiếng hoặc có chất lượng cao hay việc kiểm soát học đúng tuyến còn hạn chế cũng cần kể đến nguyên nhân bất cập trong quy hoạch mạng lưới trường học dẫn đến thiếu trường lớp nhà trẻ, mẫu giáo.

Còn theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Thế Thảo thì cho rằng, thành phố cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trường mầm non công lập trên địa bàn các phường, không để tình trạng trắng trường. Để thực hiện mục tiêu này thì phải thống nhất giải pháp, khẩn trương triển khai lập quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn. Hà Nội sẽ hoàn thiện quy hoạch phát triển giáo dục và quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để triển khai thực hiện.

Vẫn theo ông Thảo, phải bằng mọi giải pháp tạo quỹ đất đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp còn thiếu trong nội thành… Cùng với đó, thành phố Hà Nội sẽ quy định chặt chẽ với chủ đầu tư các khu đô thị mới về việc đầu tư 20% quỹ nhà hạ tầng xã hội và khi xây dựng nhà ở yêu cầu phải xây dựng trường mầm non.

Trên đây là một số thí dụ về phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội cách đây hơn 10 năm về tình trạng thiếu trường học trên địa bàn và trước đó thì nhiều đại biểu đã chất vấn nội dung này tại các phiên họp của HĐND thành phố. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là trong nhiều năm sau đó vấn đề này không thực sự được quan tâm xử lý triệt để, dẫn tới thực trạng nhiều KĐT không có trường học khiến người dân lận đận ngược xuôi tìm nơi học tập cho con.

Trong số các KĐT mà Reatimes đã điểm tên thì Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD thuộc Bộ Xây dựng) được nhắc đến nhiều nhất  với 4 dự án lớn “quên” trường học, đó là: KĐT mới Pháp Vân – Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) xây dựng từ năm 2002 có tổng diện tích hơn 50,3 héc-ta; trong đó có gần 7 héc-ta xây dựng: 1 trường THPT, 1 trường tiểu học và THCS, 3 nhà trẻ mẫu giáo. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, đến nay dự án mới chỉ có 1 trường mẫu giáo được hoành thành và đưa vào sử dụng, 5 ô đất xây trường còn lại đang để hoang hóa, làm bãi đỗ xe trái quy định.

HUD cũng là đơn vị triển khai xây dựng KĐT Việt Hưng (Gia Lâm, Hà Nội) từ 2005, sau khi hoàn thành và bán cho dân về ở thì cho tới nay chỉ có 1 trường tiểu học hoàn thành, nhiều ô đất khác để xây trường học đã chuyển cho nhà đầu tư thứ phát và đến nay vẫn không xây trường.

KĐT Tây Nam hồ Linh Đàm do HUD triển khai, quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học được đưa vào sử dụng, 5 lô đất còn lại quy hoạch xây dựng trường học chưa triển khai, trong đó 2 ô đất (NT1 và TH1) đã chuyển cho nhà đầu tư thứ phát; 2 ô đất (NT2, TH2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đất (TH4) chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Dự án KĐT mới Vân Canh do HUD làm chủ đầu tư xây dựng vào năm 2008 với tổng diện tích gần 68,5 héc-ta và liên tục “quên” trường học nhiều năm qua; thậm chí nhiều dãy nhà liền kề, biệt thự tại dự án đã xây dựng đang bỏ hoang, xuống cấp.

Một đơn vị khác cũng bị điểm tên vào danh sách “quên” trường học là KĐT mới Cổ Nhuế – Xuân Đỉnh có tổng diện tích 24,8 héc-ta, phục vụ gần 4.000 cư dân do Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Dịch vụ Nhà Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án gồm cụm công trình cao tầng OCT1 đến OCT5 cao từ 9 đến 29 tầng, với khu nhà ở, biệt thự, trường học, nhà trẻ, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe, vườn hoa cây xanh… bàn giao cho dân về sử dụng từ năm 2015 nhưng chưa xây trường học.

Dự án KĐT Thành phố giao lưu với quy mô 95 héc-ta, có vị trí đắc địa trên mặt đường Phạm Văn Đồng được đầu tư bởi liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng quốc tế VIGEBA, Bảo Việt, Geleximco. Khi đã có hàng nghìn căn hộ bán cho người dân chuyển về ở thì vẫn chưa có trường học.

Khu nhà ở xã hội tại Trung Văn tại quận Nam Từ Liêm do Công ty Cổ phần xây dựng số 3 (Vinaconex 3) làm chủ đầu tư, trong đó có diện tích 15.169m2 dành để xây dựng trường học từ mầm non đến THCS. Sau gần 20 năm, các hạng mục cơ sở hạ tầng, nhà thương mại, chung cư cao tầng… cơ bản đã hoàn thành, người dân về ở đông đúc, nhưng khu đất xây dựng trường mầm non khoảng 3.000m2 bị bỏ hoang hoá, bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe trái phép.

KĐT Xuân Phương Viglacera do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư có tổng diện tích 14,6 héc-ta bao gồm nhà phố kinh doanh, hơn 300 nhà biệt thự, nhà liền kề xen kẽ trong những khu ở cao tầng khi đưa vào sử dụng cũng không có trường học, dù khi triển khai và bán sản phẩm thì quảng cáo là hạ tầng đồng bộ, trường học hiện đại.

Ngoài ra còn một loạt cái tên khác mà Reatimes đã “điểm danh” gồm có: KĐT mới Cầu Bươu (Tổng Công ty Đầu Tư và Phát Triển Nhà Hà Nội – Handico làm chủ đầu tư), Khu chức năng đô thị Ao Sào (Công ty CP đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư), KĐT mới Phùng Khoang (Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư)… Khu nhà ở để bán nhà ở Vĩnh Hoàng (quận Hoàng Mai) có hạng mục nhà tái định cư do Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội làm chủ đầu tư. Tổng diện tích xây dựng toàn khu này là 55.978 m2, được bàn giao từ năm 2015, nhưng không có trường học. Và, cái tên mới nhất được điền vào danh sách “quên” trường học là KĐT Đoàn Ngoại giao (quy mô 62,8 héc-ta, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư.

Trao đổi với Reatimes về thực trạng này, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Luật TNHH ANVI (Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế) cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng các KĐT thiếu trường học trầm trọng như hiện nay là do từ quy định trong luật cho tới thực hiện là cả một khoảng cách rất dài.

“Luật quy định khi lập dự án các KĐT phải có đất phát triển giáo dục, thực tế thì họ có đưa vào, nhưng triển khai thì không làm rõ trách nhiệm là chính quyền địa phương hay chủ đầu tư phải xây trường? Nếu là chủ đầu tư xây dựng thì triển khai thế nào, thời gian hoàn thành vào khi nào… Chẳng hạn quy định mức độ hoàn thành xây dựng trường học đến đâu thì mới được phép bán nhà ở cũng như các công trình thương mại dịch vụ. Phải quy định chặt chẽ, còn nếu quy định chung chung thì họ sẽ không thực hiện, kể cả nộp phạt vài chục triệu cho tới vài trăm triệu thì vẫn là quá nhỏ so với những gì thu được”, ông Đức nói.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, để xử lý dứt điểm tình trạng này, phải có sự chỉ đạo từ Chính phủ yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan rà soát lại quá trình thực hiện Luật Quy hoạch 2017, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Giáo dục năm 2019 và các Nghị định, Thông tư dưới luật… bóc tách cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương và từng chủ đầu tư, xử lý trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân trong từng giai đoạn đã để xảy ra tình trạng không thực hiện đúng quy định. Đồng thời, Quốc hội cũng phải nâng cao vai trò giám sát việc sử dụng đất đô thị, nhằm giúp Chính phủ và các địa phương điều hành tốt hơn.

“Đất đai để hoang hóa trong các KĐT không chỉ gây ra tình trạng thiếu trường học, ảnh hưởng xấu tới chất lượng giáo dục mà còn là sự lãng phí rất lớn nguồn lực nhà nước. Tôi cho rằng phải thanh tra toàn diện, xem xét trách nhiệm cá nhân để xảy ra thực trạng này và phải thu hồi tất cả những lô đất nào đã chuyển đổi mục đích sử dụng đưa trở lại vào phát triển giáo dục, thậm chí phải xử lý trách nhiệm hình sự với những cá nhân, tập thể cố ý lách luật chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất”, ông Đức nêu quan điểm.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, cư dân ở các KĐT hoàn toàn có quyền kiến nghị đến cơ quan chức năng về tình trạng không tuân thủ yêu cầu và quy hoạch dẫn đến không có trường học, ảnh hưởng tới các cháu nhỏ, từ đó buộc các cơ quan có thẩm quyền sẽ phải rà soát xử lý. Điều 97 về “Ưu tiên đầu tư tài chính và đất đai xây dựng trường học” Luật Giáo dục năm 2019: “Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đưa việc xây dựng trường học, công trình thể dục, thể thao, văn hóa, nghệ thuật phục vụ giáo dục vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của ngành và địa phương; ưu tiên đầu tư tài chính và đất đai cho việc xây dựng trường học và ký túc xá cho học sinh, sinh viên trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”.

Cũng ở góc độ pháp lý, TS. Phan Thị Hương Thủy – Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoàng Long cho rằng, cư dân ở các KĐT hoàn toàn có thể nộp đơn kiện chủ đầu tư nếu có căn cứ chứng minh họ không được đáp ứng đầy đủ các dịch vụ.

“Cư dân ở các khu đô thị hoàn toàn có thể xem lại các quảng cáo mà chủ đầu tư đưa ra khi chào bán nhà, đó chính là căn cứ pháp lý để tiến hành khởi kiện buộc chủ đầu tư phải thực hiện xây trường đúng cam kết”, Luật sư Thủy cho hay.

Theo TS. Phan Thị Hương Thủy, quy định tại Luật Xây dựng hiện nay không làm rõ được trách nhiệm của chính quyền địa phương và chủ đầu tư đối với việc hoàn thành xây trường trong các khu đô thị. Việc xử phạt với chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ, không đúng quy hoạch rất nhẹ, không đủ sức răn đe.

Thí dụ, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định mức phạt tiền lên đến 300 triệu đồng đối với chủ đầu tư có hành vi: Bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành việc xây dựng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực… hoặc chưa hoàn thành nghiệm thu đưa công trình nhà ở, công trình hạ tầng xã hội vào sử dụng.

Ngoài mức phạt tiền, chủ đầu tư còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy định hoặc cam kết và buộc bồi thường thiệt hại (nếu có).

Ngoài ra, Luật Kinh doanh bất động sản còn quy định chủ đầu tư phải công khai thông tin về bất động sản, trong đó có thông tin về “Thực trạng các công trình hạ tầng, dịch vụ liên quan đến bất động sản”. Nghị định 139/2017/NĐ-CP cũng nêu rõ: Nếu chủ đầu tư cố tình không công khai hoặc công khai không đúng, không đầy đủ thông tin (với mục đích che giấu nhằm tạo thuận lợi khi bán hàng) thì có thể bị phạt tiền lên đến 60 triệu đồng.

“Mức xử phạt quá nhẹ so với lợi ích mà các chủ đầu tư thu được, cho nên dù có xử phạt thì cũng không đáng kể, người dân vẫn là đối tượng chịu thiệt, nền giáo dục thì bị ảnh hưởng. Theo tôi, cần phải có mức phạt thật nặng, đồng thời phải quy định ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương rõ ràng để truy xét khi hậu kiểm, cùng với đó là những giải pháp buộc chủ đầu tư phải có trách nhiệm phối hợp triển khai xây dựng trường”, bà Thủy nói.

 

CẦN LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ CHỦ ĐẦU TƯ

Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 quy định Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sinh sống.

Luật Quy hoạch đô thị quy định: “Khu đô thị mới là một khu vực trong đô thị, được đầu tư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở”.

Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng đề ra quy định: “Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở là dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”.

Như vậy, pháp luật về xây dựng, về quy hoạch đô thị đã quy định đầy đủ về việc bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội một cách đồng bộ, hệ thống; được cụ thể hóa trong các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng (hiện nay là Quy chuẩn QCVN 01:2021/BXD của Bộ Xây dựng), trong đó đặt ra các chỉ tiêu tối thiểu về bố trí đất y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, công viên, vườn hoa, sân chơi, các công trình dịch vụ – công cộng… mà đồ án quy hoạch phải đáp ứng.

Về giáo dục, Quy chuẩn QCVN 01:2021/BXD cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể về trường THPT (cấp đô thị, khu vực có quy mô dân số ≥ 20.000 người phải có trường THPT), trường THCS, trường tiểu học, trường mầm non. Theo Quy chuẩn này thì một khu đô thị quy mô dự báo 10.000 dân phải bố trí 5.500m2 đất trường THCS, 6.500m2 đất trường tiểu học, 5.000m2 đất trường mầm non.

Trao đổi với Reatimes, Kiến trúc sư – TS. Nguyễn Ngọc Bảo (ĐBQH khóa XIII) chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến thực trạng các KĐT “quên” trường học:

Thứ nhất là gần như tất cả chủ đầu tư chỉ quan tâm tới lợi nhuận nên sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành bán căn hộ và cho thuê. Rất ít chủ đầu tư như Vingoup dành sự quan tâm tới cả giáo dục và y tế.

Thứ hai là do trong phê duyệt dự án đầu tư xây dựng không thể hiện rõ đó là trường công hay trường tư để xác định được chủ đầu tư ngay từ đầu. Nếu là trường tư thì phải tính toán cụ thể để mời nhà đầu tư vào làm, họ sẽ có yêu cầu cụ thể về diện tích và cơ chế thực hiện, nhưng nếu không làm rõ từ đầu thì sẽ dẫn tới vướng mắc thủ tục hành chính, riêng chuyện xử lý nút thắt này cũng có thể mất hàng năm.

Thứ ba là cơ chế phối hợp thực hiện không tốt do quá trình triển khai thì chủ đầu tư xây nhà thương mại, nhà nước đầu tư làm trường học, tuy nhiên đã là vốn đầu tư nhà nước thì phải tuân thủ rất nhiều quy định, quy trình, cho nên sẽ có sự chênh lệch, chậm trễ về thời gian giữa đầu tư tư nhân và đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước. Vì thế mới có chuyện ở Khu nhà ở xã hội tại Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) do Công ty Cổ phần xây dựng số 3 làm chủ đầu tư có lô đất lên tới 3.000m2 dành xây dựng trường mầm non đã bỏ hoang cho cỏ mọc 20 năm nay, rồi bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe.

Ông Bảo nói thẳng: “Sự việc nhiều KĐT không hoàn thành được việc xây dựng trường học như quy hoạch dự án là điều không thể chấp nhận được, tôi phải nói thẳng là dù nhìn ở góc độ nào thì cũng có trách nhiệm của những lãnh đạo đứng đầu thành phố Hà Nội. Hơn 10 năm qua, các KĐT mọc lên nhiều như vậy, tăng dân số cơ học nhanh như vậy, lãnh đạo thành phố biết cả, họp nhiều, chất vấn cũng nhiều mà các đồng chí lại vẫn để xảy ra cơ sự này thì quá khổ cho người dân”.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Bảo, phải làm rõ là nếu trường công thì nhà nước đầu tư và thời gian thực hiện như thế nào để phù hợp với việc khi dân cư về sinh sống. Nếu là trường tư thì giao trách nhiệm cho chủ đầu tư tìm nhà đầu tư thứ cấp, phải chốt được thì mới cho xây dựng các công trình khác. Việc thực hiện triển khai xây trường phải tiến hành đồng thời, nếu chậm chễ phải xử phạt nặng và có cơ chế khắc phục hậu quả.

Cơ quan chức năng phải ngăn chặn tình trạng để đất hoang trong các KĐT sau vài năm lại chuyển đổi công năng sử dụng, biến từ đất dành cho giáo dục sang mục đích khác. Chủ đầu tư cũng phải ký quỹ bằng tiền để đảm bảo trách nhiệm thực hiện các hạng mục dành cho giáo dục, hoặc là nộp lại khoản tiền đủ để thực hiện xây dựng những công trình này.

Ông Bảo nói: “Theo tôi, để xử lý triệt để, Chính phủ cần sớm có chỉ đạo thanh tra toàn bộ các dự án đã triển khai, đối chiếu với quy định của luật, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân và tổ chức. Phải làm rõ đâu là trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố, đâu là trách nhiệm của Giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc, trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng, trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, trách nhiệm của cơ quan thanh tra thành phố và trách nhiệm của lãnh đạo các quận, huyện.

Tôi cũng đề nghị xử lý thu hồi đất đã chuyển đổi sai mục đích, phải đưa vào phát triển cho giáo dục, thực hiện đúng quy hoạch. Tình trạng thiếu trường học đã trở nên quá căng thẳng trong mấy năm nay, nhiều lớp có sĩ số lên tới gần 70 học sinh, chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng, Quốc hội cần phải tiếp tục giám sát và có ý kiến mạnh mẽ về thực trạng này”.

 

 

TS. Nguyễn Ngọc Bảo nhận định, rất ít chủ đầu tư làm được như Vingroup, luôn quan tâm xây dựng và phát triển trường học trong các KĐT.

Tình trạng thiếu trường học gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dạy và học trên địa bàn Hà Nội, bên cạnh đó những khu vui chơi công cộng, dịch vụ y tế hầu như không được quan tâm. Việc chủ đầu tư bỏ bỏ quên các dịch vụ xã hội cơ bản (đặc biệt là trường học) khiến cho hàng nghìn người mua nhà ăn bị “ăn bánh vẽ”, gây ra sự bức xúc trong dư luận.

Trịnh Ngọc Thạch – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục nói với Reatimes, tình trạng thiếu trường học ở các KĐT gây ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục, đồng thời cũng gây ra sự lãng phí lớn về nguồn lực đất đai.

Theo tổng kết từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tình trạng quá tải sĩ số xảy ra rộng khắp trên địa bàn, trong đó tập trung nhiều vào các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai. Nhiều phương tiện truyền thông đã phản ánh về tình trạng trường học có đến gần 60 học sinh/lớp học, cá biệt có những lớp gần 70 học sinh, phải học luân phiên vào các ngày thứ bảy, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục.

Trịnh Ngọc Thạch nêu quan điểm: “Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đó là mục tiêu lớn và cần thiết phải đạt được để đưa đất nước phát triển sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Để giải quyết dứt điểm tình trạng các KĐT ở Hà Nội thiếu trường học, Chính phủ cần sớm có chỉ đạo thanh tra toàn bộ các dự án, xử lý sai phạm với chủ đầu tư và chính quyền địa phương làm gương cho những người khác, đồng thời tất cả những dự án vòng vèo chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải thu hồi đưa về xây dựng trường”.

Theo Bộ Xây dựng, theo các quy định hiện hành tại các Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 đã có quy định bắt buộc về đất để phát triển các cơ sở giáo dục khi quy hoạch các KĐT.

Các quy định được cụ thể hóa hơn ở Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng… Các chỉ tiêu, tỷ lệ đất phát triển các cơ sở giáo dục trong các đồ án quy hoạch được quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam – QCXDVN 01:2008/BXD về quy hoạch xây dựng.

Tuy vậy, thực tế việc triển khai đầu tư xây dựng các KĐT thì chưa đúng với quy định của pháp luật, tình trạng “quên” xây trường học diễn ra rất phổ biến tại Hà Nội. Theo nhiều chuyên gia thì chỉ có Tập đoàn Vingroup dành sự quan tâm, xây dựng trường học và bệnh viện tại các KĐT, những chủ đầu tư khác thường chỉ tập trung bán căn hộ kiếm lời, đất xây dựng trường thì bỏ cho cỏ mọc hàng chục năm trời.

Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2014 có hiệu lực đến hết năm 2018. Kết quả giám sát đã chỉ ra tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM xảy ra tình trạng thiếu đất cho phát triển các công trình phúc lợi công cộng như giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, giao thông tĩnh… Việc quản lý, sử dụng đất đô thị cũng tồn tại nhiều bất cập như: Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế.

Tác giả:  Ngọc Quang

Thiết kế: Thế Công

———————-

Reatimes 24-12-2021:

https://reatimes.vn/lanh-dao-thanh-pho-bat-luc-hay-thieu-trach-nhiem-voi-dan-20201224000009023.html

(621/4.669)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,232