“Thuế với cơ quan báo chí không nên quy định như doanh nghiệp thông thường”
(KDPT) – Việc Bộ Tài chính Ban hành Thông tư số 19/TT-BTC, đồng thời bãi bỏ Thông tư số 150/2010 hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với cơ quan báo chí nhưng không có hướng dẫn cụ thể đã đẩy các cơ quan báo chí vào tình thế lúng túng trong thực hiện.
Những quy định về chính sách thuế đối với cơ quan báo chí
Căn cứ Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12, Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), ngày 27/9/2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 150/2010/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT và thuế TNDN đối với các cơ quan báo chí.
Về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có các cơ quan báo chí – PV), ngày 21/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/8/2021) quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) bổ sung nhiều quy định mới về cơ chế tài chính của đơn vị SNCL theo 4 nhóm.
Nhóm 1 là những đơn vị SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Nhóm 2 là đơn vị SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên được trả lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp. Nhóm 3 là đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Nhóm 4 là đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, chi trả tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của nhà nước đối với đơn vị SNCL; chi tiền công theo hợp đồng, vụ việc (nếu có).
Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW thì đơn vị SNCL chi trả tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp do nhà nước quy định đối với đơn vị SNCL; chi tiền công theo hợp đồng, vụ việc (nếu có).
Thuế với cơ quan báo chí không nên quy định như doanh nghiệp thông thường. (Ảnh minh hoạ) |
Ngày 19/6/2013, Quốc hội ban hành Luật thuế GTGT số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 và Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TNDN số 14/2008/QH12. Theo đó, quy định tại Thông tư số 150/2010/TT-BTC không còn phù hợp với quy định của các Luật thuế GTGT, thuế TNDN hiện hành.
Căn cứ quy định về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tại Luật Ban hành VBQPPL, ngày 15/11/2022, Bộ Tài chính đã có công văn số 11892/BTC-CST gửi xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan, UBND các địa phương, VCCI về dự thảo thông tư bãi bỏ Thông tư số 150/2010/TT-BTC; đồng thời đăng dự thảo thông tư trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến tổ chức, cá nhân theo quy định. Ngày 3/4/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BTC bãi bỏ Thông tư số 150/2010/TT-BTC.
Những điểm tích cực của Thông tư 150 cần được xem xét, kế thừa
Theo phân tích của các chuyên gia làm chính sách, đến thời điểm hiện nay, nhiều quy định tại Thông tư số 150 không còn phù hợp với pháp luật thuế hiện hành. Hiện tại, các cơ quan báo chí đang thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT số 31/2013/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13. Cụ thể:
Với thuế GTGT, để chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT từ khấu trừ sang tính trực tiếp trên GTGT và ngược lại, thì cơ quan báo chí tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động gửi văn bản đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp chấp thuận chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT. Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật số 31/2013/QH13, điều kiện chuyển đổi từ phương pháp tính trực tiếp trên GTGT sang khấu trừ thuế phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ, có doanh thu hàng năm từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
Đối với thuế TNDN, các quy định về thuế suất thuế TNDN, khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại tại Thông tư số 150 cũng không còn phù hợp và đã không còn được áp dụng trên thực tế mà áp dụng thống nhất theo pháp luật thuế GTGT, thuế TNDN hiện hành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Tuy nhiên, theo dõi về bối cảnh kinh tế xã hội và cũng là điểm mấu chốt để nắm bắt được tình hình tài chính những năm ban hành Thông tư 150 và thời điểm ban hành Thông tư 19 đối với các cơ quan báo, tạp chí, chúng ta sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng nhau.
Cụ thể, thời điểm đó, thế giới và Việt Nam đang ở trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, đồng nghĩa với việc các cơ quan báo chí vừa khó khăn về nguồn tài chính, vừa khó khăn khi áp dụng luật thuế GTGT và TNDN. Không cần biết lỗ hay lãi, cơ quan báo chí phải nộp thuế trước, đến cuối năm khi quyết toán, nếu lỗ mới được cấp lại một khoản. Để giảm bớt khó khăn về tài chính cho các cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 150/TT-BTC hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện chính sách thuế đối với cơ quan báo chí. Cũng nhờ vận dụng thông tư này, thu nhập của người làm báo, doanh thu của báo chí đã hợp lý hơn.
Trong đó, Thông tư 150 quy định: “Báo tự đảm bảo chi phí hoạt động được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định hình thành từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của báo và tài sản cố định dùng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT”.
Mặt khác, mỗi cơ quan báo chí có nguồn tài chính khác nhau như tự chủ kinh phí, tự chủ một phần hay được ngân sách nhà nước cấp. Vì vậy, Thông tư 150 đã gỡ bỏ những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí thời điểm đó bằng việc cho phép: “Chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của báo là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp”.
Bên cạnh đó, Thông tư 150 quy định khoản báo biếu, tặng không phải tính thuế GTGT và thuế TNDN. Bởi lẽ các cơ quan báo chí phải bỏ một phần chi phí của tòa soạn để bù đắp cho khoản thuế đó. Nay Thông tư 19 quy định không được bù trừ từ các thu nhập khác, như vậy làm cho thu nhập tính thuế của cơ quan báo, tạp chí chí tăng lên, điều đó đồng nghĩa với việc thuế TNDN tăng lên và lợi nhuận của cơ quan báo, tạp chí sẽ giảm đi.
Những người làm báo hẳn rất rõ, trong 10 năm trở lại đây, sức ép về tài chính đối với các cơ quan báo chí rất lớn, nhất là khi mạng xã hội thu hút một số lượng lớn số độc giả và quảng cáo. Trong khi đó, với các cơ quan báo và tạp chí Việt Nam, nguồn doanh thu vẫn chủ yếu là dựa vào quảng cáo. Trước đây, doanh thu quảng cáo ở các cơ quan báo, tạp chí thường chiếm khoảng từ 60% đến 90% nhưng nay bị giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, khảo sát 159 cơ quan báo chí của Cục Báo chí, Bộ Thông tin truyền thông trong 2 năm đại dịch Covid-19 ( 2020 – 2021) cho thấy, doanh thu của cơ quan báo giảm 30,6%; doanh thu từ các đài phát thanh truyền hình giảm 10%. Còn doanh thu ở các tạp chí thì giảm rất lớn, thậm chí có những tạp chí chuyên ngành giảm tới 70% – 80%.
Do vậy, các cơ quan báo, tạp chí rất cần được sự hỗ trợ, chia sẻ, thấu hiểu, giống như Chính phủ đã có nhiều chính sách giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Bộ Tài chính nên cân nhắc và có sự kế thừa những điểm tích cực của Thông tư 150, từ đó sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay của các cơ quan báo, tạp chí, chứ không nên bãi bỏ hoàn toàn các quy định tại thông tư cũ.
Bởi lẽ, cơ quan báo chí là cơ quan mang tính đặc thù, ngoài việc phải hoạt động như một doanh nghiệp để bảo đảm có nguồn tài chính thì các cơ quan báo chí còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội theo từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc tổ chức chính trị, đoàn thể.
Hơn nữa, trong cơ quan báo, tạp chí, có những hoạt động mang tính chính trị, ngoại giao như bán báo, biếu báo không đem lại doanh thu và lợi nhuận nên không phải chịu thuế GTGT; nhưng cũng có những hoạt động như quảng cáo, hội thảo, tổ chức sự kiện…phải chịu thuế GTGT và TNDN. Do đó, cần có sự hướng dẫn và có sự ưu tiên nhất định chứ không nên tính chung như một doanh nghiệp thông thường.
Cần xác định báo chí là doanh nghiệp hay đơn vị hành chính sự nghiệp có thu
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, đồng thời là nguyên tổng biên tập một tạp chí ngành Tài chính cho rằng, cơ quan báo chí lúc thì được xem như hoạt động của một doanh nghiệp, lúc thì xem là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu.
Nếu áp dụng mô hình doanh nghiệp thì toàn bộ chi phí tiền lương của cơ quan báo chí sẽ được đưa vào chi phí hợp lý hợp lệ. Thế nhưng, nếu ở góc độ đơn vị hành chính sự nghiệp có thu thì hệ số lương năng suất, tiền làm đêm… sẽ không được đưa vào chi phí lương trước khi tính thuế TNDN. Điều này dẫn đến thu nhập sau thuế của các đơn vị báo chí tăng và phải nộp thuế TNDN nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác có doanh thu tương đương.
Hiện Thông tư 150 bị bãi bỏ thì cần có thông tư khác thay thế, hướng dẫn cụ thể chứ không sẽ gặp lúng túng trong khâu thực hiện. Đó là chưa kể điều này còn gây ra bất cập đối với công tác thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng. Lúc này xác định cơ quan báo chí là DN hay sự nghiệp có thu để áp dụng quy định cho chính xác.
Ý kiến của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng việc Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư 150 và các qui định tại Thông tư số 19/2023 được áp dụng thống nhất theo luật thuế GTGT và luật thuế TNDN là đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, theo các qui định của 2 luật thuế nói trên thì tất cả các loại hình doanh nghiệp, tổ chức đều được tính chung tất cả doanh thu trong hoạt động để xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Vì vậy, các cơ quan báo, tạp chí cũng phải được áp dụng tượng tự.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, (Ảnh: ANVI Law) |
Theo đó, các nguồn thu nhập từ quảng cáo, doanh thu tài chính, hội thảo, tổ chức sự kiện… cũng phải được tính chung vào thu nhập để bù đắp chi phí cho tất cả các hoạt động của cơ quan báo chí. Khi đã áp dụng thống nhất theo Luật qui định thì mọi chi phí của cơ quan báo, tạp chí khi có chứng từ hợp lý, hợp lệ, trong đó bao gồm cả chi phí lương thực tế chi trả cho người lao động cũng phải được tính vào chi phí chung trước khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Với một doanh nghiệp hay tổ chức nào tự kinh doanh, tự đảm bảo kinh phí, các chi phí phải được khấu trừ trước khi nộp thuế. Trong đó, cơ chế lương thưởng, đãi ngộ cho người lao động là do tổ chức tự quyết định và thỏa thuận với người lao động. Với cơ quan báo chí không lấy nguồn tài chính từ ngân sách để trả lương cho nhân viên thì tại sao phải hạn chế chỉ theo ngạch bậc áp dụng cho viên chức nhà nước? Nếu vậy làm sao cơ quan báo chí thu hút được người lao động. Nếu cơ quan thuế định nghĩa báo chí là một loại hình kinh doanh khác biệt thì phải nêu rõ theo quy định, điều luật nào? Còn nếu qui định các cơ quan báo, tạp chí tự chủ về kinh phí hoạt động (không hưởng ngân sách nhà nước) thì sẽ áp dụng như doanh nghiệp và thực hiện theo quy định của luật Thuế GTGT và luật Thuế TNDN hiện hành.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Việt, đại diện cho Công ty TNHH Chính Nghĩa Luật, cho rằng báo chí là cơ quan hành chính sự nghiệp có thu, đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi phí cho hoạt động của cơ quan báo chí. Nếu là đơn vị hành chính sự nghiệp thì không phụ thuộc sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp; còn nếu hoạt động của cơ quan báo chí được xem như hoạt động của doanh nghiệp và thực hiện như một doanh nghiệp thông thường. Hiện tại, Thông tư 150 đã bị bãi bỏ nhưng không có hướng dẫn cụ thể nên đã dẫn đến việc phân bổ chi phí hợp lý hợp lệ khi tính thuế TNDN khiến cho các cơ quan báo, tạp chí đang rất lung túng, chưa biết làm cách nào cho đúng. Do đó, nhà nước cần qui định rõ ràng để trong mọi trường hợp khi chính sách thuế có thay đổi, việc ưu đãi đối với các cơ quan báo chí vẫn được bảo đảm để hỗ trợ các cơ quan báo chí giảm bớt khó khăn trong điều kiện hiện tại.
Trong thông cáo báo chí mới nhất ngày 9/9/2023, Bộ Tài chính cho biết vừa nhận được phản ánh của một số cơ quan báo chí về việc ban hành Thông tư số 19/TT-BTC/2023 bãi bỏ thông tư số 150/TT-BTC/2023 hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí gây khó khăn cho cơ quan báo chí.
Bộ Tài chính bày tỏ mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của các cơ quan báo chí trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về cơ chế tiền lương theo cơ chế như doanh nghiệp phù hợp với Nghị quyết số 27 để trình Chính phủ ban hành. Hy vọng rằng, những ý kiến của các chuyên gia và những kiến nghị được Tạp chí Kinh doanh và Phát triển tổng hợp từ các cơ quan báo chí sẽ được Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, đồng thời hỗ trợ các cơ quan báo, tạp chí vượt qua khó khăn về tài chính hiện nay.
Hồng Chuyên
————-
Kinh doanh & Phát triển (Kinh tế) 20-9-2023:
(119/2.806) #thue