(ĐTTC) – Nhận xét về tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống TCTD đã vượt ngưỡng 3%, LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thành viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng cách tiếp cận và xử lý nợ xấu hiện nay, cùng với việc tăng trưởng tín dụng mà nới lỏng điều kiện vay, có thể dẫn đến nợ xấu phình to trong những năm tới, gây những hệ lụy cho nền kinh tế.
PHÓNG VIÊN: – Ông nhận xét thế nào về tỷ lệ nợ xấu năm 2021 do NHNN cập nhật và công bố?
TRƯƠNG THANH ĐỨC:– Về nguyên tắc, khi nợ xấu từ 3% trở lên, TCTD không được mở thêm chi nhánh giao dịch mới và bị hạn chế về room tín dụng. Còn khi tỷ lệ nợ xấu từ 10% trở lên sẽ thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Hiện nay, theo số liệu thống kê của NHNN, cả nợ xấu nội bảng và tích lũy 8,2%, đây là con số đáng báo động, bởi nó nhảy vọt so với năm 2020. Tôi cho rằng con số này dẫu chưa phản ánh hết số nợ xấu, song đã phản ánh đúng thực trạng của thị trường tín dụng hiện nay.
Nợ xấu sẽ bộc lộ rõ sau khi dòng vốn tín dụng được bơm vào nền kinh tế đã đủ thời gian chu kỳ nhất định. Sớm nhất là chu kỳ 6 tháng nợ xấu bắt đầu xuất hiện, và thường bùng phát sau thời gian 1-2 năm, lúc đấy đã hết thời gian đảo nợ và doanhn nghiệp (DN) cũng hết cách để xoay xở.
Về Thông tư 01 của NHNN cơ bản vẫn là biện pháp kỹ thuật tạm thời, có thể gọi là “tạm ẩn nợ xấu”. Vì khi không áp dụng Thông tư 01 nữa nợ xấu sẽ tăng.
Quan điểm của tôi vẫn là giữ đúng nguyên tắc: bản chất của nợ quá hạn, chuyển thành nợ xấu là nợ xấu, phải nhìn thẳng như thế, không thể cơ cấu rồi cho rằng tỷ lệ nợ xấu không đáng kể. Vì thế, con số tỷ lệ nợ xấu năm 2021 NHNN vừa công bố đáng để lo ngại.
– Tuy nhiên, Thông tư 01 được cho là cần thiết giúp DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến nền kinh tế?
– Ở đây cần chú ý đến sức hấp thụ nguồn vốn tín dụng của DN. Việc áp dụng Thông tư 01 hiện nay đang “cào bằng”, thậm chí việc hạ trần lãi suất xuống thấp cũng không đưa lại hiệu quả như mong muốn.
Bởi lẽ, trong số DN cần nguồn vốn tín dụng có nhiều loại. Nhóm thứ nhất là DN làm ăn được, có nền tảng tài chính và sản xuất kinh doanh vững chắc, họ không cần vay.
Nhóm thứ hai chủ yếu là DNNVV, đa số không cần vốn lớn vì sản xuất chủ yếu từ vốn tự có, và dù có hạ lãi suất nhóm này cũng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Nhóm thứ ba là nhóm DN cần quan tâm, đó là những DN có “tiền sử” bị nợ xấu, không thể vay nữa mới quan tâm nhiều đến Thông tư 01.
Tôi nói thêm, bản thân NH không mặn mà với Thông tư 01, bởi nếu buộc phải gia hạn theo Thông tư 01 trong năm 2022, nguy cơ nợ xấu bung ra rất khó tránh khỏi. Đây sẽ là cú sốc cho nền kinh tế, cho NH và DN.
Tăng trưởng tín dụng hiện tăng khoảng 13%. Nếu số tiền này bơm ra thị trường theo hình thức cho vay để DN làm ăn hiệu quả, tất nhiên sẽ thu hồi được vốn. Nhưng điều đáng lo ngại là dòng tiền bơm ra không đi đúng đối tượng, sau một hồi “chế biến” đã chảy sang những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản, bitcoin. Trong ngành NH đã xảy ra nhiều vụ việc nói trên, đó là vay để đảo nợ, để đầu tư các lĩnh vực khác, như vụ án Huyền Như là thí dụ điển hình.
Theo tôi, có lẽ cần lấy bài học về điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2008-2009 để cảnh báo thời điểm hiện tại. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề. Chính phủ đã tung ra gói kích cầu 8 tỷ USD để hỗ trợ các DN, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 1 tỷ USD.
Gói này dùng trực tiếp ngân sách, thông qua các NH hỗ trợ lãi suất 4%/năm, giúp DN phục hồi sản xuất, xuất khẩu và mở rộng đầu tư. Nhưng kết quả đạt được không như mong muốn, thậm chí còn khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 2 con số. Hệ quả, suốt nhiều năm sau các NH loay hoay xử lý nợ xấu. Đến nay, sau hàng chục năm gói hỗ trợ này vẫn chưa quyết toán được.
– Vậy đối với xử lý nợ xấu hiện nay và trong những năm tới sẽ nên theo hướng nào, thưa ông?
– Thực tế cho thấy, việc NH hạ lãi suất, hay nói đúng hơn là hỗ trợ DN thông qua chính sách tiền tệ dư địa không còn nhiều, nhất là trong điều kiện phải ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống NH. Lãi suất hiện đã ở mức thấp trong 20 năm qua (lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên hiện 4,5%/năm), lãi suất cho vay 6-7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9-11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài.
Điều quan trọng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, trong khi đó yêu cầu đảm bảo ổn định, an toàn, bền vững hệ thống TCTD là vấn đề đang phải đặt ra.
Về Thông tư 01 và 03/2021/TT-NHNN, tôi cho rằng mục tiêu 2 thông tư này đặt ra là nhằm hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là cần thiết ở khía cạnh DN được giãn, hoãn, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, và hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Nhưng 2 thông tư này cũng cần phân tách rõ.
Một là, “bật đèn xanh” việc tiếp tục cho vay, thực chất là hạ chuẩn cho vay. Nếu 2 thông tư không cho phép các NH không được làm. Hai là, khuyến khích NH hỗ trợ khách hàng bằng các chính sách ưu đãi, trong đó có thỏa thuận miễn, giảm lãi, phí, phạt. Thực ra điều này nếu thông tư không cho phép NHTM vẫn được làm.
Đáng nói, 2 thông tư có nguy cơ dẫn đến sai bản chất, thực chất của nợ xấu. Về bản chất, việc xử lý tạm khoanh nợ, tạm thời được miễn trách, tạm thời không áp dụng “chế tài” xấu để hỗ trợ DN và NH.
Tuy nhiên, xử lý như 2 thông tư trên có nguy cơ gây nhầm lẫn, chủ quan, đánh giá không đúng bản chất, tính chất của nợ xấu, dẫn đến nguy cơ rất lớn cả về chất lượng tín dụng trong tương lai gần, đó là nợ xấu ngày càng phình to.
– Xin cảm ơn ông.
Lưu Thủy (thực hiện)
—————
Sài Gòn Đầu tư tài chính (Tài chính) 03-01-2022:
https://www.saigondautu.com.vn/tai-chinh/lo-ngai-no-xau-tu-tin-dung-bien-tuong-100634.html
(1.196/1.293)