Ngân hàng ”miệt mài” rao bán tài sản khủng
(VTV.vn) – Tài sản đảm bảo của các khoản nợ có giá trị lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng được các ngân hàng giao bán nhiều lần nhưng vẫn ế.
Nhiều tài sản “khủng” như: biệt thự, máy móc thiết bị, tàu cá, xưởng sản xuất, nhà máy thủy điện, khu công nghiệp… giá trị lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng là tài sản đảm bảo của các khoản nợ được các ngân hàng rao bán nhiều lần để tăng tốc thu hồi nợ nhưng… vẫn ế.
Nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng mạnh.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% cuối quý I/2023 (so với 2% cuối năm 2022). Đồng thời, nợ xấu gộp hiện khoảng 5%, tăng từ mức 4,5% cuối năm 2022. Tăng 50-70% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định, tình hình nợ xấu của các ngân hàng thực sự rất đáng lo ngại. Nhóm khách hàng đủ điều kiện vay rất ít, do đó, có giảm lãi suất nữa cũng vẫn khó tiếp cận được vốn vay. Khoản nợ cũ cho dù được cơ cấu nợ cũng khó trả được nợ.
Ông Hùng nói thêm, việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần đưa ra mức giá hợp lý, theo giá thị trường. Nên sửa quy định theo hướng ưu tiên cho vay sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, mua nhà để ở…, đồng thời quản lý chặt chẽ việc cho vay các lĩnh vực rủi ro cao nhằm giảm nguy cơ nợ xấu cho ngân hàng.
Còn theo ông Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới – nợ xấu tăng làm dòng tiền cho vay không trở lại ngân hàng. Vì thế, nhiều ngân hàng buộc phải huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản. Cùng với đó là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Nhiều nhà phát hành trái phiếu phải hoãn nợ, đứng trước nguy cơ vỡ nợ sẽ khiến thanh khoản ngân hàng càng trở nên căng thẳng.
Liên quan đến việc làm cách nào để xử lý nợ xấu ngân hàng, một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất tạo cơ chế mới cho phép nhiều chủ thể được mua nợ khi tham gia thảo luận về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trong trung hạn, hợp lý nhất là phải xây dựng một luật chung để xử lý nợ xấu của nền kinh tế, trong đó trọng điểm là nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Còn trước mắt cần xem xét bổ sung một quy định mở rộng phạm vi áp dụng chương xử lý nợ xấu cho cả nền kinh tế.
(Ghi “Theo VietNamFinance”, nhưng tìm không thấy)
Anh Tú
————-
VTV (Tài chính) ngày 30-10-2023:
https://vtv.vn/tai-chinh/ngan-hang-miet-mai-rao-ban-tai-san-khung-20231030141055099.htm
(74/543)