3.603. Ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” cổ phiếu FLC: Nhà đầu tư có thể kiện!

(GT) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI đánh giá sai phạm của ông Trịnh Văn Quyết là sai phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Nhà đầu tư cũng có thể kiện

Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) tối 10/1 đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC, HoSE).

Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa từ ngày 11/1/2022, thời hạn phong tỏa sẽ kéo dài cho đến khi Chủ tịch UBCK ra quyết định thay thế.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC (Ảnh: KT)

Trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, việc phong toả tài khoản của ông Quyết được UBCK thực hiện nhanh sau khi họp khẩn cấp và được thị trường đánh giá cao.

Tuy nhiên, ông Đức lưu ý UBCK phải có căn cứ pháp lý đầy đủ để thực hiện việc phong toả này.

Về cơ sở pháp lý, một nguồn tin từ cơ quan quản lý chứng khoán khẳng định, là cơ quan soạn thảo các văn bản pháp lý để quản lý và vận hành thị trường, UBCK có đầy đủ cơ sở và căn cứ pháp lý để phong toả tài khoản của ông Quyết cũng như xử lý vụ việc.

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, sáng nay, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán vẫn tiếp họp khẩn cấp để xử lý vụ việc này.

Liên quan tới việc phong toả tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết và huỷ các lệnh giao dịch đối ứng với lệnh bán cổ phiếu FLC của ông này trong phiên giao dịch 10/1 với khối lượng 74,8 triệu cổ phiếu, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, nếu nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu FLC chứng minh được thiệt hại của mình liên quan tới sai phạm nói trên của ông Trịnh Văn Quyết thì hoàn toàn có thể khởi kiện ra toà.

Ông Quyết bị xử phạt cao nhất bao nhiêu?

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc công ty luật TGS cho biết, theo Thông tư 96, tối thiểu 3 ngày làm việc trước ngày thực hiện giao dịch, cổ đông sáng lập nắm giữ cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, phải gửi báo cáo cho UBCK, Sở giao dịch chứng khoán (đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch), Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, công ty đại chúng và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán về việc thực hiện giao dịch.

Trường hợp chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập, người thực hiện chuyển nhượng phải gửi bổ sung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chuyển nhượng nêu trên.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc sau khi nhận được báo cáo, công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải công bố trên trang thông tin điện tử của công ty.

“Quy định đã có, những ai thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định mà vi phạm thì sẽ bị xử phạt. Ở đây chỉ là phạt vi xử phạt hành chính, không truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi này”, ông Tuấn nói.

Cũng theo Luật sư Tuấn, hành vi bán “chui” cổ phiếu bị xử phạt giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá hoặc theo giá phát hành gần nhất hoặc giá trị chuyển nhượng.

Ông Tuấn ví dụ, chủ tịch hội đồng quản trị là cổ đông sáng lập của một công ty đại chúng bán chui 175 triệu cổ phiếu với giá thị trường khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu, số tiền thu được là 3.500 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, giá trị tính theo mệnh giá chứ không tính theo giá thị trường. Mà theo quy định của Luật chứng khoán, một cổ phiếu có mệnh giá là 10.000 đồng. Như vậy trong trường hợp này, số tiền làm căn cứ tính mức phạt chỉ là 1.750 tỷ đồng, 3%–5% của con số 1.750 tỷ là khoảng 52,5 tỷ đồng đến 87,5 tỷ đồng”, ông Tuấn cho hay.

Mặc dù vậy, theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2021/NĐ-CP, mức xử phạt tối đa đối với hành vi mua bán “chui” là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Luật sư Trương Thanh Đức đồng tình quan điểm trên. Ông Đức cho biết, trước đây ông Quyết đã thu lời vài trăm tỷ về hành vi bán “chui” cổ phiếu, trong khi pháp luật chỉ quy định xử phạt vài trăm triệu. Tuy nhiên, đến nay, pháp luật đã được sửa đổi chặt chẽ hơn để ngăn chặn dạng vi phạm tương tự. Theo quy định tại khoản 7, Điều 33, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, cổ đông lớn không công bố công khai thông tin trước khi bán cổ phiếu còn chịu ít nhất 2 chế tài.

Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết có thể bị xử phạt hành chính tối đa 1,5 tỷ đồng, cùng với các biện pháp khác là đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1-12 tháng, tịch thu tang vật, công cụ vi phạm.

Đặc biệt, tuỳ theo mức độ vi phạm, cá nhân vi phạm phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc. Cá nhân vi phạm cũng phải nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc khoản thu trái luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.

“Đây là sai phạm đặc biệt nghiêm trọng do không phải vi phạm lần đầu, cổ đông rất lớn của doanh nghiệp thời gian qua giá cổ phiếu có nhiều bất thường giờ lại bán chui số lượng cổ phiếu lớn, thu lợi rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng”, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.

Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI cũng đề nghị xử lý nghiêm khắc, nghiêm minh, nhanh chóng, kịp thời hành vi vi phạm này.

“Một là trả lại nhà đầu tư, lấy lại tiền. Hai là nộp lại lợi nhuận khoản lợi bất hợp pháp”, ông Trương Thanh Đức nói và cho rằng nếu cơ quan quản lý làm được như vậy sẽ chấm dứt được tình trạng vi phạm tương tự, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với thị trường.

Ông Đức cho hay, việc bán cổ phiếu trong bối cảnh giao dịch của mã chứng khoán trên rất bất thường thì cũng cần xem xét có hay không khả năng vi phạm quy định của Bộ luật Hình sự, liên quan đến các Điều 209 về “Tội che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, Điều 210 về “Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán” và không loại trừ vi phạm quy định tại Điều 211 về “Tội thao túng thị trường chứng khoán”.

Nếu như có dấu hiệu hình sự, UBCK cần đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, xác minh. Như vậy sẽ bảo đảm sự khách quan và chính xác hơn. Nếu có vi phạm thì phải xử lý mà nếu như không có vi phạm thì cũng cần minh oan cho ông Quyết về việc có hay không việc vi phạm 3 điều kể trên của Bộ luật hình sự mà dư luận, báo chí, nhà đầu tư đang quan tâm, nghi ngờ.

Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI):

Việc bán cổ phiếu FLC mà không báo cáo của ông trịnh Văn Quyết là sai luật, ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước mắt, UBCK phải thực hiện những giải pháp xử lý khẩn cấp này để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau đó, cơ quan quản lý tính đến các bước xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí cả hình sự đối với ông Quyết vì hành vi bán “chui” cổ phiếu FLC này.

C.Sơn – N.Hùng

—————–

Giao thông 12-01-2022 (890/1.471):

https://www.baogiaothong.vn/ong-trinh-van-quyet-ban-chui-co-phieu-flc-nha-dau-tu-co-the-kien-d538991.html

(890/1.471)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,933