(TN) – Nhiều người kẹt tiền, chấp nhận vay qua app với lãi “nóng” nhưng không tưởng tượng được sẽ bị “khủng bố” đòi nợ bất chấp khiến cuộc sống sau đó rơi vào bi kịch.
Vay 40 triệu, trả hơn 500 triệu đồng
Gần đây, anh Định (sống tại TP.Hà Nội) rơi vào tình cảnh trớ trêu khi các app mà anh vay tiền quay sang “khủng bố” hàng loạt bạn bè của anh. Chuyện là vào tháng 9.2021, do cần tiền gấp nên anh Định lên website H5vaytien.com chọn một app tên Tia chớp vay 3 triệu đồng trong vòng 7 ngày. App tự trừ đi các loại phí nên số tiền anh thực nhận chỉ 1,5 triệu đồng. Thấy việc vay qua app khá đơn giản vì chỉ cần chụp hình mình, cung cấp thông tin người thân cần liên lạc nên anh Định đã nhiều lần vay app này trả nợ app kia. Đến tháng 10.2021, anh Định tiếp tục liều vay hơn 40 triệu đồng trên app Lala Credit để trả nợ các app khi số nợ cả lãi cả gốc phình to. Thế nhưng chỉ sau 2 tháng, lãi mẹ đẻ lãi con khiến anh không thể kham nổi việc trả nợ. Lúc này, app tính lãi ngày lên tới 30% trên số tiền gốc, đẩy số nợ anh phải trả hơn 500 triệu đồng. Cũng từ đó, app liên tục khủng bố đòi nợ khiến gia đình anh Định buộc phải bán miếng đất để dứt nợ.
Ngẫm lại mới thấy mình bị rơi vào vòng xoáy vay nợ app hồi nào không hay. Từ những khoản vay nhỏ, từ từhình thành nên khoản lớn, lên đến hàng chục app theo gợi ý của nhóm nhân viên tư vấn trong trường hợp không có tiền để trả và rồi bi kịch bắt đầu
Anh Định (sống tại TP.Hà Nội), một nạn nhân của app cho vay
Tưởng đã yên ổn, nhưng một ngày nọ, app Lala Credit tiếp tục đòi anh Định tiền gốc và lãi hơn 23 triệu đồng cho số tiền còn vay 2 triệu. Sức tàn, lực kiệt và cũng không hiểu món nợ từ đâu ra, anh Định đành chịu. Đòi không được, app này “khủng bố” anh bằng cách kèm hình ảnh khoảng 20 người bạn của anh vào danh sách “Cảnh giác nhóm đối tượng ăn chặn, bòn rút, trộm cắp tài sản, tiền bạc của đồng nghiệp, làm giả thông tin giấy tờ vay vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM” rồi tung lên facebook. Phía app Lala Credit còn lấy hình con của người bạn anh Định đăng cáo phó rồi phát tán trên mạng xã hội khiến cuộc sống của những người này gặp rất nhiều phiền toái, điều tiếng xấu.
Các app cho vay nặng lãi T.X |
“Ngẫm lại mới thấy mình bị rơi vào vòng xoáy vay nợ app hồi nào không hay. Từ những khoản vay nhỏ, từ từ hình thành nên khoản lớn, lên đến hàng chục app theo gợi ý của nhóm nhân viên tư vấn trong trường hợp không có tiền để trả và rồi bi kịch bắt đầu”, anh Định nói và cho biết, nhóm người này tạo ra nhiều app vây lấy người vay. Khi anh chưa kịp trả app này thì có app khác cho vay khoản lớn hơn. Đang lúc cần tiền trả nợ để tránh bị khủng bố, người vay rất dễ rơi vào cái bẫy đã giăng sẵn và biến thành con mồi của app. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trang H5vaytien.com có đăng thông tin khoảng 30 app cho vay để người vay có thể chọn.
Tương tự anh Định, anh P.H.T (sinh năm 1997, sống tại Q.Bình Tân, TP.HCM) kêu cứu khi bị app Robocash đòi nợ bằng cách nhục mạ giám đốc công ty nơi anh làm việc là “ăn chặn tiền của nhân viên, chèn ép nhân viên, trừ lương nhân viên vô cớ”. Trước đó vào tháng 7.2021, gia đình anh P.H.T vay qua app Robocash số tiền 6 triệu đồng, trả góp 3 tháng, mỗi tháng hơn 3,265 triệu đồng, lãi tổng cả 3 tháng hơn 3,796 triệu đồng, tương đương 63,2%. Do anh P.H.T mất khả năng trả nợ, đến cuối tháng 12.2021, nhân viên app Robocash đòi nợ anh số tiền lên đến 15,79 triệu đồng. Anh P.H.T khẳng định hoàn toàn không có chuyện tố cáo giám đốc cũng như giám đốc anh có những hành động như vậy. App đòi nợ dùng lời lẽ nhục mạ giám đốc của anh nhằm tạo áp lực buộc anh phải trả nợ khiến cuộc sống của anh và cả sếp anh khốn khổ.
Chưa xử lý đến nơi đến chốn
Hành vi đòi nợ của các tổ chức tín dụng đen hiện nay có điểm chung là xúc phạm, thúc ép, đe dọa… không những với người vay mà cả người thân trong gia đình, đồng nghiệp khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Điển hình, nhiều người vay đường dây nặng lãi Công ty TNHH dịch vụ tổng hợp Tân Tín Đạt (trụ sở tại xã Hưng Lộc, TP.Vinh, Nghệ An) đã phải sống trong cảnh bị đòi nợ khốn cùng nên đã tố cáo với cơ quan công an. Cuối năm 2021, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với công an 28 tỉnh, thành trên cả nước triệt phá thành công chuyên án cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự đối với Công ty TNHH dịch vụ tổng hợp Tân Tín Đạt. Lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét đồng loạt 51 điểm là văn phòng đại diện của công ty này tại 28 tỉnh, TP trong cả nước; bắt giữ 52 đối tượng liên quan. Bước đầu, cơ quan chức năng đã làm rõ số tiền sử dụng để cho vay là hơn 1.000 tỉ đồng, với hơn 10.000 bị hại, mức lãi suất cao nhất là 5.000 đồng/1 triệu/ngày, tương đương gần 200%/năm.
Thời điểm cuối năm, nhu cầu vay vốn nhỏ, vốn lớn tăng cao nên các app cho vay cũng đẩy mạnh hoạt động, bủa vây người dân bằng nhiều cách. Người nào không cảnh giác, sa chân vay vài triệu đồng, có thể gánh nợ tới vài trăm triệu đồng. Không những vậy, cuộc sống của họ, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp có thể bị kéo vào vòng xoáy khủng bố của các app này.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty luật ANVI, cho rằng việc đòi nợ bằng cách đe dọa, xúc phạm, tạo hình ảnh đám ma… là phạm pháp. Tình trạng này khá phổ biến đối với những người dân vay tiền qua các app lãi cao. Hành vi đòi nợ của các app bằng cách nhục mạ người đi vay hay bạn bè, người thân của họ đã xuất hiện từ nhiều tháng nay nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý mạnh tay dẫn đến các app cho vay ngày càng lộng hành hơn.
Quy định của luật đã có đầy đủ việc xử lý tội hình sự đi tù trong trường hợp đe dọa giết người, vu khống, làm nhục người khác. Mức xử phạt nhẹ hơn là dân sự đối với hành vi sử dụng trái phép hình ảnh người khác. Thế nên, hành vi cho vay nặng lãi sẽ bị xử lý hình sự.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty luật ANVI
Thanh Xuân
—————-
Thanh niên (Ngân hàng) 14-01-2022:
https://thanhnien.vn/bi-kich-vay-tien-qua-app-post1420984.html
(176/1.282)