Thấy gì từ việc tổng thu thuế thu nhập cá nhân giảm mạnh?
(GT) – Số tiền thuế thu nhập cá nhân thu 9 tháng năm 2023 đạt 121.200 tỷ đồng, thấp hơn 7.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (giảm 6%). Con số này phản ánh điều gì?
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy trong 9 tháng năm 2023, số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt 121.200 tỷ đồng (bằng 78,4% dự toán 154.652 tỷ đồng). Đây là mức tăng trưởng âm chưa từng xảy ra trong 10 năm qua khi ngay cả thời kỳ Covid-19 thì số thu này vẫn tăng.
Doanh nghiệp, người dân đang khó khăn
Nhận định về con số trên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho biết thuế TNCN bản chất là thuế đánh vào thu nhập của người lao động và thu nhập của công dân từ chuyển nhượng tài sản, như là chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, trúng thưởng xổ số…
Việc giảm thuế TNCN đầu tiên phản ánh thu nhập của người lao động giảm sút thời gian qua.
“Thuế TNCN theo lũy tiến từng phần, tức là thu nhập càng cao thì mức đóng càng tăng. Vì thế, mức giảm trên đang báo hiệu rằng doanh nghiệp, người lao động đang gặp khó khăn”, ông Được nói.
Người dân làm thủ tục quyết toán thuế TNCN. Ảnh minh họa.
Mức giảm trên cũng cho thấy chuyển nhượng từ tài sản đang giảm. Điều này có nghĩa là kinh tế đang chậm phát triển và có dấu hiệu giảm sút, lạm phát gia tăng.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy giao dịch chuyển nhượng bất động sản giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2022. Đại diện Tổng cục Thuế cũng khẳng định số thuế thu nhập cá nhân giảm so với năm trước là do số thu thuế đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản và chứng khoán giảm.
Tổng cục Thuế cho rằng, tình trạng này không đáng ngại vì tiền thuế thu của 9 tháng đầu năm 2023 vẫn gần bằng với số thu của cả năm 2021. Tuy nhiên, ông Được cho rằng Nhà nước cần có giải pháp kịp thời để hỗ trợ người lao động trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang tác động đến đời sống xã hội.
Mức giảm trừ gia cảnh quá thấp so với mức sống
Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Nghĩa là người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hoặc mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… sẽ chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Thời gian qua, nhiều kiến nghị cho thấy mức giảm trừ này không còn phù hợp khi đời sống của người dân đang được nâng cao, chi tiêu cũng ở mức cao hơn.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên kiêm thành viên Hội đồng Khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho rằng mức giảm trừ gia cảnh này không còn phù hợp mặt bằng giá chung liên tục biến động tăng. Chưa kể, các gia đình phải trang trải thêm chi phí học tập cho con, chi phí khám chữa bệnh…
Do đó, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế. Ông Đức kiến nghị cần xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh trong bối cảnh có sự biến động như đã nêu.
Theo quy định hiện hành, thuế thu nhập cá nhân dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; từ 10 đến 18 triệu đồng mức 15%; từ 18 đến 32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32 đến 52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52 đến 80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.
Ông Đức cho rằng mức nộp thuế cao nhất chỉ nên là 20%, trừ thu nhập từ xổ số. Còn thu nhập từ viết sách, viết báo tốt nhất không nên thu thuế. “Tôi quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thậm chí có khoản 500.000 đồng được VTV trả thù lao cho cũng phải tính vào. Như vậy rất phi lý”, luật sư Trương Thanh Đức dẫn chứng.
Theo ông Đức, hiện đang có sự cào bằng giữa những người nộp thuế. Do đó, cần phải có cách thức sửa Luật Thuế TNCN theo hướng những khoản chi hợp pháp, hợp lý, có hóa đơn chứng từ, cần được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân.
“Đây không chỉ là nguồn thu để điều tiết thu nhập trong xã hội, hay tăng thu ngân sách, mà phải phân định rõ rằng, ai làm tốt cho xã hội, mang lại hiệu quả chung thì phải khuyến khích người ta làm ra của cải cho xã hội”, ông nói và bày tỏ “phải nói thực là rất nhiều người chán nản, mất động lực khi phải đóng thuế thu nhập quá cao”.
Hồng Hạnh
————–
Giao thông (Kinh tế) 22-11-2023:
(428/990)