3.622. Ngân hàng bế tắc đòi nợ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vắng bóng nhà đầu tư lớn

Ngân hàng bế tắc đòi nợ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vắng bóng nhà đầu tư lớn

(ĐT) – Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn èo uột khi nhà đầu tư cá nhân chưa quay lại, thiếu vắng cơ chế thu hút các nhà đầu tư lớn, lãi suất giảm tín dụng vẫn khó tăng, gỡ vướng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng… là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Sân chơi của các định chế tài chính

Khó khăn sẽ còn tiếp diễn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2024 khi niềm tin của nhà đầu tư cá nhân chưa quay lại, trong khi chưa có cơ chế thu hút các định chế tài chính lớn.

Ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (Khối thông tin tài chính, FiinGroup) cho hay, những tháng cuối năm 2023, hoạt động phát hành trái phiếu trên thị trường sơ cấp diễn ra sôi động, chủ yếu ở nhóm ngân hàng. Lũy kế từ đầu năm, nhóm ngân hàng phát hành 110.000 tỷ đồng, nhóm bất động sản phát hành khoảng 74.000 tỷ đồng TPDN.  Đặc biệt, thị trường trái phiếu thứ cấp sôi động hơn rất nhiều sau khi sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ ra đời, giá trị giao dịch trung bình theo tuần tăng gấp 3 – 4 lần.

Tuy nhiên, áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 rất lớn (khoảng 330.000 tỷ đồng) cộng thêm số doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả gốc, lãi trái phiếu không ngừng tăng lên đặt thị trường này trước nhiều rủi ro. Theo ông Việt, 3 nhóm trái phiếu doanh nghiệp có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hiện nay là bất động sản, vật liệu xây dựng và năng lượng tái tạo. Hiện đang có 147 tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ trả lãi, gốc. Tỷ lệ trả chậm chung toàn thị tường trái phiếu phi ngân hàng ở mức ở mức 20%.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho rằng, thị trường TPDN đã có dấu hiệu cải thiện từ quý II/2023. Mặc dù vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, loại trừ nhóm ngân hàng, thì thị trường này chưa có đột phá đáng kể.

“Thị trường TPDN đang trở thành sân chơi giữa các định chế tài chính với nhau, phát hành TPDN phi ngân hàng rất ít, chủ yếu là đảo nợ, hoạt động mua lại TPDN trước hạn chiếm tới 86% giá trị phát hành cho thấy huy động vốn của doanh nghiệp qua kênh trái phiếu vẫn hết sức khó khăn”, một chuyên gia trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 233.719 tỷ đồng, với 28 đợt phát hành ra công chúng và 189 đợt phát hành riêng lẻ.

Tổng giá trị trái phiếu đã được doanh nghiệp mua lại trước hạn từ đầu năm đến nay đạt 200.907 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 86% giá trị phát hành, trong đó, ngân hàng chiếm 47,1% tổng giá trị mua lại trước hạn.

Tính đến thời điểm này, khoảng 50 – 60 doanh nghiệp phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với trái chủ để lùi trả nợ trái phiếu sang giai đoạn 2025 – 2026, thay vì giai đoạn 2023 – 2024.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, việc gia hạn thời gian trả nợ, chỉ là chuyển từ nợ ở thời điểm này sang thời điểm khác, khó khăn vẫn còn ở phía trước.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, thị trường năng lượng tái tạo chưa có đột phá về chính sách, rất nhiều khả năng nợ xấu trái phiếu với các nhóm ngành này tiếp tục gia tăng. Doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới huy động vốn khi thị trường đang rơi vào cảnh thiếu vắng bên mua.

“Kênh huy động vốn trung, dài hạn trong nước vẫn bế tắc khi thị trường TPDN vẫn đang gặp khó khăn, kỳ hạn phát hành ngắn, chủ yếu cơ cấu nợ hoặc phát hành của nhóm ngân hàng thương mại. Để khôi phục thị trường TPDN không chỉ siết lại các quy định về phát hành như thời gian qua, mà quan trọng hơn là phải phát triển cơ sở nhà đầu tư, nhất là thị trường nhà đầu tư tổ chức”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đề xuất.

Theo chuyên gia này, thời gian qua, nhiều quỹ đầu tư lớn của Mỹ sang tìm hiểu thị trường trái phiếu Việt Nam. Tuy vậy, do TPDN ở nước ta phần lớn chưa được xếp hạng tín nhiệm nên chưa thể thu hút được các nhà đầu tư này.

Mặc dù lợi suất từ kênh TPDN vẫn khá hấp dẫn so với mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện nay, song đối với các nhà đầu tư cá nhân, TPDN không còn là lựa chọn phổ biến.

Theo ông Việt, cơ hội với thị trường TPDN năm 2024 vẫn còn, bởi đã nhận diện được nhóm tổ chức phát hành chậm trả gốc, lãi và nhóm tổ chức phát hành thanh toán đúng hạn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thông tin về thị trường TPDN cũng trở nên minh bạch hơn với hoạt động lưu ký tập trung, ra mắt sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, hoạt động xếp hạng tín nhiệm được tăng cường…

Ngân hàng bế tắc đòi nợ

Tuy vậy, các chuyên gia cũng thừa nhận, vẫn cần thêm thời gian để kéo nhà đầu tư cá nhân quay lại thị trường trái phiếu.

Gỡ vướng đối tượng vay để kích gói 120.000 tỷ đồng

Tín dụng cá nhân vay mua nhà đang giảm sâu, kể cả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, chỉ cần “gỡ” đối tượng vay và có giải pháp kích thích nguồn cung, thì gói tín dụng ưu đãi này sẽ chảy nhanh.

Tính đến cuối tháng 10/2023, giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới đạt 105 tỷ đồng. Nguyên nhân, theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (ngân hàng Nhà nước) là do nguồn cung hạn chế. Chưa kể, có tới hơn 55% dự án cho hay chưa có nhu cầu vay vốn.

Tuy vậy, theo phản ánh của cả ngân hàng thương mại lẫn các chủ đầu tư, quy định đối tượng vay/mua nhà ở xã hội quá ngặt nghèo, khiến người vay vốn và ngân hàng chưa thể gặp nhau.

“Đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân quá chặt chẽ, khiến ít người đáp ứng được điều kiện. Những người thỏa mãn điều kiện thì lại khó chứng minh được khả năng trả nợ khi vay vốn ngân hàng”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay.

Trong khi đó, ông Lâm Hoàng Đăng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – INVEST cho biết, có 2 quy định đang gây khó cho việc ngân hàng, chủ đầu tư tìm người mua nhà ở xã hội.

Thứ nhất, theo quy định, để được mua nhà ở xã hội, người dân sống tại các thành phố lớn cần có thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với thu nhập này, người dân rất khó căn cơ để vừa đủ tiền trang trải sinh hoạt, vừa đủ tiền trả nợ ngân hàng.

Thứ hai, công nhân muốn vay vốn mua nhà ở xã hội phải đảm bảo điều kiện thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội, mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ gốc bình quân tháng của người vay vốn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng tắc giải ngân vì người cần không đủ điều kiện vay, người đủ điều kiện vay lại quá ít và không có khả năng trả nợ.

Theo chuyên gia này, chúng ta phải thay đổi quan điểm đẩy mạnh nhà ở xã hội vì vướng quá nhiều điều kiện, thủ tục và thay vào đó, tập trung đẩy mạnh nhà ở giá rẻ. Muốn vậy, không nên khống chế giá, khống chế tỷ lệ lợi nhuận với nhà ở giá rẻ. Đặc biệt, không bắt doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về đối tượng mua nhà.

“Nếu làm được như vậy, gói 120.000 tỷ đồng, thậm chí 200.000 tỷ đồng cũng sẽ giải ngân rất nhanh, có thể tạo sức lan tỏa cho nhiều ngành như xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất…, tạo sức bật cho tín dụng toàn thị trường. Nếu chỉ gói gọn trong nhà ở xã hội như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng bế tắc vì người có khả năng mua nhà thì không mua được nhà, còn người nằm trong đối tượng mua nhà ở xã hội lại không có khả năng thanh toán”, TS. Nghĩa phân tích.

Thực tế cho thấy, một số điều kiện được mua nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở 2014 và các văn bản liên quan đã không còn phù hợp với thực tiễn, cần được thay đổi.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, lãi suất là một trong những nguyên nhân khiến gói tín dụng 120.000 tỷ nói riêng cũng như tín dụng mua nhà nói chung chảy chậm. Tuy vậy, nguyên nhân chính vẫn là thị trường thiếu phân khúc nhà ở giá hợp lý.

“Lãi suất cho vay mua nhà đã giảm, song cần tiếp tục giảm thêm, chỉ số trả nợ/thu nhập phải giảm nữa thì người dân mới chịu được. Ngoài ra, phát triển nhà ở xã hội chỉ từ phía ngân hàng sẽ không giải quyết được. Ngân hàng chỉ hỗ trợ phần cầu, quan trọng là cần có chính sách phát triển nguồn cung. Đầu tiên, phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, tỷ lệ lợi nhuận biên ít nhất phải 15-20%, thay vì 10% như hiện nay. Đồng thời, phải giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhà ở xã hội”, ông Hòe đề xuất.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng lấy nguồn từ các ngân hàng thương mại đang cho vay chủ đầu tư nhà ở xã hội và người dân với lãi suất khoảng 7,7%/năm (với người mua, thuê mua nhà) và 8,2%/năm với chủ đầu tư nhà ở xã hội, thời hạn ưu đãi 5 năm, lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, quy định trên của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa đủ sức hấp dẫn với người vay. Thời hạn ưu đãi chỉ 5 năm cũng gây bất an, lo lắng cho người vay.

HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ tài chính đề xuất lại gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng. Theo đó, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5%/năm áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa 25 năm (tương tự gói 30.000 tỷ đồng trước đây). Gói này sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi; còn lại dành cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Theo HoREA, giai đoạn 2015-2020, tất cả chủ đầu tư dự án nhà ở xã chưa hề được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi và phải vay với lãi suất thương mại 9-14%/năm.

Lãi suất giảm, tín dụng khó tăng cuối năm

NHNN cho biết, đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.

Trước đó, thông tin được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến cuối ngày 27/10, tín dụng toàn ngành đối với nền kinh tế tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. Như vậy, so với mức kế hoạch đặt ra đầu năm là 14%, thì hơn hơn 3 quý mới thực hiện được một nửa.

Phó giám đốc NHNN – Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, với mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 10/2023 đạt 4,67%, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cả nước (tăng 7,39%). Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm gần đây, song theo ông Lệnh, điều này phù hợp với tình hình kinh tế chung hiện nay.

Kết thúc 3 quý đầu năm nay, tín dụng ở các ngân hàng có tăng trưởng, song phân hóa rõ rệt giữa các nhà băng. Trong đó, có nhà băng sử dụng gần hết room tín dụng được giao, song có ngân hàng mới đạt 3-4%.

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đang dùng đòn bẩy tài chính quá cao, với tín dụng/GDP lên tới 130% là quá cao. Trong tương lai, khi thị trường vốn phát triển, thì tăng trưởng tín dụng của Việt Nam sẽ ở mức 10%.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) hiện đã giảm so với đầu và giữa năm nay. Trong năm 2023, Agribank giảm lãi suất cho vay 3-4%. BVBank vừa tung ra gói tín dụng phục vụ sản xuất – kinh doanh, vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà… với lãi suất từ 6,5%/năm. ACB nâng gói tín dụng lên 50.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi giảm đến 3%.

Không chỉ khách hàng doanh nghiệp, mà với khách hàng cá nhân, ngân hàng cũng “bơm” mạnh vốn giá rẻ cho vay, nhất là với nhu cầu mua nhà.

Cụ thể, từ giữa tháng 11/2023 đến hết ngày 31/12/2023, khách hàng cá nhân vay hiện hữu tại Nam A Bank được giảm lãi suất tối đa 2,8%/năm, áp dụng trong 3 tháng đầu. Nhưng điều kiện áp dụng là khách hàng không phát sinh nợ nhóm 2 tại Nam A Bank vào thời điểm giảm biên độ lãi suất cho vay. Còn tại BVBank, gói tín dụng ưu đãi cho cá nhân vay linh hoạt với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.

Theo ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của BVBank, gói vay ưu đãi này khách hàng có thể vay tới 15 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là bất động sản và thời gian vay lên tới 120 tháng.

Trần Hùng Sơn, giảng viên Trường đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, tuy lãi suất giảm, nhưng sức cầu tiêu thụ yếu, nên doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; còn khách hàng cá nhân cũng phải tính kỹ bài toán vay vốn mua nhà.

Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cho hay, NHNN đặt mục tiêu cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất giảm trung bình của các ngân hàng thương mại khoảng 1-1,5%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của NHNN, mức lãi suất trung bình với những khoản cho vay mới giảm 2- 2,2%, tức là vượt kỳ vọng.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2023, NHNN đã có sự điều hành linh hoạt về tín dụng, cả về phía cung lẫn phía cầu.

Về phía cung, từ đầu năm, NHNN đã đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, đến gần giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống. Đồng thời, NHNN đã điều hành linh hoạt để hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế.

Còn với phía cầu, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành để định hướng, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái.

Dưới góc độ của chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành trong bối cảnh hiện nay là rất khó, song lãi suất cho vay tại các ngân hàng có thể giảm thêm để cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế đang khó khăn.

 Trái phiếu mua lại trước hạn tương đương 86% giá trị phát hành mới

Số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, từ đầu năm đến ngày công bố thông tin 17/11, doanh nghiệp phát hành hơn 233.000 tỷ đồng trái phiếu, song phải chi ra tới gần 201.000 tỷ để mua lại trái phiếu trước hạn. 

Trong tháng 11/2023 (tính đến ngày công bố thông tin 17/11/2023), có tổng cộng 8 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị hơn 13.776 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 8,7%/năm, kỳ hạn trung bình 6 năm.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 233.719 tỷ đồng, với 28 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.070 tỷ đồng (chiếm 11.6% tổng giá trị phát hành) và 189 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 206.649 tỷ đồng (chiếm 88.42% tổng số).

Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 200.907 tỷ đồng, tăng 13.7% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 86% giá trị phát hành. ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 47.1% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 94.640 tỷ đồng).

Từ nay đến cuối năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 35.658 tỷ đồng. 39% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 14.031 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 7.030 tỷ đồng (chiếm 20%).

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó vụ trưởng Vụ tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho rằng, thị trường TPDN đã có dấu hiệu cải thiện từ quý II/2023. Sự hồi phục tích cực của thị trường TPDN là cộng hưởng của cả các chính sách quyết liệt của Chính phủ và sự chuyển biến của các chủ thể tham gia thị trường.

Cụ thể, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, có dòng tiền để trả nợ nói chung và nợ TPDN nói riêng…

Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP để tạm hoãn thi hành một số quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP để DN có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường.

Đặc biệt, từ ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã chính thức hoạt động, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường TPDN và tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành cũng ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ DN như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các Dự án bất động sản, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép ngân hàng thương mại giãn thời gian trả nợ lãi và gốc của các khách hàng đang gặp khó khăn, giảm lãi suất, duy trì thanh khoản trên thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho nền kinh tế…

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường TPDN vẫn chưa có sự bứt phá, doanh nghiệp chủ yếu phát hành TPDN để đảo nợ, lượng TPDN mua lại trước hạn tăng mạnh. Dự báo, năm 2024 vẫn là năm khó khăn của thị trường TPDN.

Cho vay tín chấp, ngân hàng bế tắc đòi nợ

Hàng ngàn khoản nợ xấu vay tín chấp đang nằm kho tại các ngân hàng thương mại, công ty tài chính kể từ khi hoạt động của các công ty mua bán nợ bị đóng băng, truy quét. Có ý kiến cho rằng, nên xem xét mở lại ngành nghề kinh doanh đòi nợ một cách có điều kiện.

Từ đầu năm đến nay, VietinBank nhiều lần rao bán hàng trăm khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản thế chấp, song không có người mua. Nhiều ngân hàng TMCP khác cũng cho biết, họ đang bế tắc trong việc bán nợ không có tài sản đảm bảo.

Đại diện Ngân hàng BIDV cho hay, nợ xấu cho vay tiêu dùng không tài sản đảm bảo tại ngân hàng này chưa đến 1% tổng dư nợ vay tiêu dùng, nhưng số lượng khoản vay lên đến hàng ngàn, nên công tác thu hồi gặp nhiều khó khăn do mất nhiều nhân lực để thực hiện việc này.

“Thực tế, việc bán danh mục các khoản nợ này không thực hiện được do thị trường không có bên mua, do đặc điểm quy mô khoản vay nhỏ và không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng không thuê được các dịch vụ thu hồi nợ, do doanh nghiệp không được kinh doanh các dịch vụ trong lĩnh vực thu hồi nợ”, đại diện BIDV cho hay.

Những năm trước, các ngân hàng, công ty tài chính thường bán theo lô các khoản nợ xấu cho vay tiêu dùng cho các công ty thu hồi nợ, các công ty tư vấn luật. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít công ty này đòi nợ theo hình thức cực đoan, khủng bố, bị công an xử lý. Đến nay, các công ty mua thu hồi nợ gần như đã bị đóng băng hoạt động.

Ông Bùi Đức Tài, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đề nghị, các ngân hàng phải nghiêm cấm hành vi ký kết các hợp đồng biến tướng với các doanh nghiệp khác để giải ngân cho vay, mua bán nợ, đòi nợ thuê.

Tuy vậy, việc các ngân hàng đứng ra thu hồi từng món nợ nhỏ không hề dễ dàng. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, việc thu hồi nợ hiệu quả với các món nợ nhỏ thường phải thông qua bên thứ ba.

Ông Kian Foh Then, Tổng giám đốc điều hành Collectius (Asia) – fintech hàng đầu Đông Nam Á về dịch vụ quản lý nợ khuyến nghị, Việt Nam nên bỏ ngành nghề “đòi nợ” khỏi danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Ông Kian Foh Then lấy ví dụ, các nước trong khu vực đều cho phép đòi nợ qua trung gian thứ ba, tất nhiên đi cùng là các quy định khắt khe. Chẳng hạn, tại Indonesia, tất cả công ty fintech đều phải có giấy phép của Hiệp hội Fintech Indonesia (AFPI) đối với các dịch vụ đòi nợ. Malaysia, Singapore, Philipines và Thái Lan đều có hiệp hội thu hồi nợ. Các nước này cho phép các định chế tài chính được thuê dịch vụ ngoài ngân hàng để đòi nợ. Tất nhiên, các tổ chức đòi nợ này phải có chứng nhận về việc thành viên hiệp hội thu hồi nợ và hòa giải viên phải trải qua đào tạo, phải tuân theo Bộ quy tắc ứng xử.

Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ: “Rất tiếc là chúng ta đã cấm dịch vụ đòi nợ thuê, trong khi đây là nhu cầu tất yếu của thị trường. Đúng ra, tòa án, các cơ quan thực thi pháp luật phải bảo vệ quyền chủ nợ. Song trong khi tòa án chưa làm được, chúng ta phải mở cửa cho các đơn vị đòi nợ, cùng với việc nâng cao vai trò của cơ quan tố tụng”.

Các ngân hàng, công ty tài chính cho biết, nhiều khoản vay từ lúc khởi kiện đến khi thi hành án, phát mại tài sản mất 2-3 năm. Với nhiều khoản nợ có giá trị nhỏ, việc đòi nợ qua tòa án là không khả thi do quá mất thời gian và tốn kém, thậm chí chi phí bỏ ra còn lớn hơn khoản nợ xấu thu về.

Theo các ngân hàng, công ty tài chính, việc thu hồi nợ xấu không có tài sản đảm bảo đang gặp khó vì hai lý do.

Một là, hiện tượng bùng nợ tập thể lan rộng.

Hai là, Nghị quyết 32/2017/QH14 thí điểm về nợ xấu sẽ chấm dứt hiệu lực cuối năm nay, trong khi Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chưa kịp thông qua tại kỳ họp này, đồng nghĩa sẽ có một khoảng trống pháp lý với hoạt động thu hồi nợ.

 Ông Kian Foh Then cho rằng, việc cho bên thứ ba tham gia thị trường nợ xấu, tức phát triển thị trường nợ thứ cấp, mang lại nhiều lợi ích cho thị trường. Theo đó, bên mua nợ xấu sẽ hỗ trợ cả bên vay và bên cho vay. Các tổ chức tín dụng bán nợ xấu, nhưng vẫn giữ mối quan hệ với khách hàng.

Tất nhiên, để làm được điều này, thị trường cần các bên mua có năng lực chuyên môn trong xử lý danh mục nợ xấu phức tạp, cần phải xây dựng thị trường chứng khoán hóa nợ xấu.

Về mặt pháp lý, cần có cơ chế bảo vệ cả bên bán lẫn bên mua; có cơ chế khuyến khích ngân hàng và công ty tài chính bán bớt nợ xấu; có chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nợ xấu; cho phép nhà đầu tư tiếp cận nguồn dữ liệu tin cậy về nợ xấu…

Theo khuyến nghị của Collectius, để xây dựng thị trường nợ thứ cấp, đầu tiên, phải phát triển hệ sinh thái bao gồm các công ty mua bán nợ chuyên biệt và các nền tảng hỗ trợ giao dịch nợ xấu. Tiếp đó, cấp phép cho các công ty cung cấp dịch vụ thu hồi nợ có uy tín. Hạ tầng pháp lý này sẽ giúp đơn giản hóa quy trình cho cả bên mua và bên bán. Cuối cùng là các chính sách ưu đãi, giảm thuế với hoạt động mua bán nợ…

Theo các chuyên gia, để bảo vệ thị trường tài chính tiêu dùng, trước tiên, cần bảo vệ quyền chủ nợ. “Bảo vệ quyền thu hồi nợ của chủ nợ là bảo vệ sống còn bên cho vay, cũng chính là bảo vệ thị trường. Nếu tình trạng bùng nợ tăng mạnh, lãi suất vì vậy cũng sẽ vọt tăng, ảnh hưởng đến mục tiêu tài chính toàn diện. Các ngân hàng sở hữu hành lang pháp lý vững chắc, có đội ngũ đòi nợ hùng hậu hàng trăm người mà vẫn còn nợ xấu cao. Các công ty tài chính, fintech, chuỗi cầm đồ…, với hành lang pháp lý lỏng lẻo, làm sao có thể đòi nợ nếu không dựa vào lực lượng đòi nợ chuyên nghiệp?”, ông Trương Thanh Đức đặt câu hỏi.

TL

————-

Đầu (Ngân hàng) ngày 26-11-2023:

https://baodautu.vn/ngan-hang-be-tac-doi-no-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-vang-bong-nha-dau-tu-lon-d203811.html

(217/4.792)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.416. Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn...

Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn vào công ty con, "núp bóng" gửi tiết kiệm. (TBTC)...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,143