(TT) – Doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm lần lượt bỏ cọc, ông Đào Trung Chính – phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và môi trường) – đề nghị cần bổ sung, siết chặt các quy định của hoạt động đấu giá.
Các lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) vừa được bán đấu giá nhưng doanh nghiệp trúng đấu giá lần lượt bỏ cọc – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Chính nói: Các cuộc đấu giá đất tại Thủ Thiêm đều được thực hiện đúng quy trình, thủ tục pháp luật về đấu giá đất. Tuy nhiên, doanh nghiệp trúng đấu giá đã chấp nhận bỏ cọc, không nộp tiền mua đất phần lớn do năng lực tài chính của họ không đảm bảo.
* Sẽ không chỉ cần bổ sung quy định về năng lực tài chính?
– Tôi cho rằng cần bổ sung các quy định về năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá đất.
Thứ hai, với trường hợp trúng đấu giá đất nhưng bỏ cọc nhiều lần, cần có quy định cấm không cho tham gia các vụ đấu giá tiếp theo.
Thứ ba, cần sửa đổi quy định về đặt cọc đấu giá đất, chỉ nên coi mức đặt cọc 20% giá khởi điểm là điều kiện để doanh nghiệp tham gia đấu giá. Ngay sau khi doanh nghiệp được công bố trúng đấu giá phải nâng số tiền đặt cọc lên mức tương đương 20% giá trúng đấu giá.
Ví dụ trong trường hợp Công ty Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất 3-12 tại khu đô thị Thủ Thiêm, mức đặt cọc sẽ tăng từ 20% giá khởi điểm (588,4 tỉ đồng) lên mức 20% của giá trúng đấu giá (khoảng 4.900 tỉ đồng) khi họ được công bố là doanh nghiệp trúng đấu giá đất.
Doanh nghiệp trúng đấu giá đất ra khỏi phòng đấu giá sẽ phải nộp thêm tiền đặt cọc lô đất tương đương với mức trả giá của họ. Như vậy, doanh nghiệp đấu giá sẽ phải cân nhắc rất kỹ năng lực tài chính trước khi chào giá, giúp hạn chế được tình trạng chào giá bằng mọi cách để thắng rồi chấp nhận bỏ cọc không mua vì thấy bị hớ. Bổ sung quy định này thì hoạt động đấu giá đất sẽ đi vào thực chất hơn.
* Theo ông, có cần bổ sung thêm các chế tài thật nghiêm để ngăn hành vi thông đồng, móc ngoặc, “thổi” giá đất?
– Quy định về đấu giá tài sản cần bổ sung thêm quy định xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát hoạt động đấu giá để phát hiện, xử lý các vi phạm, tiêu cực trong đấu giá. Cùng với đó là các chế tài đối với hành vi thông đồng, móc ngoặc, thổi giá đất.
Đồng thời, phải rút ngắn thời gian doanh nghiệp trúng đấu giá tài sản nộp tiền mua tài sản, điều này ràng buộc doanh nghiệp tham gia đấu giá phải luôn sẵn sàng về phương án tài chính.
Pháp luật về thuế cũng cần sửa đổi. Chẳng hạn như trường hợp Công ty CP Dream Republic, trúng đấu giá lô đất 3-5 và Công ty CP Sheen Mega, trúng đấu giá lô đất 3-8 tại khu đô thị Thủ Thiêm, đến nay đã hết hạn nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa nộp thì chỉ bị phạt chậm nộp theo quy định hiện hành.
Cần sửa đổi theo hướng không áp dụng hình thức phạt chậm nộp, chỉ áp dụng quy định phạt chậm nộp với các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Doanh nghiệp đấu giá đất là tự nguyện, nên cần quy định rõ nếu trúng đấu giá đất phải nộp tiền mua đất đúng hạn.
Hơn nữa, cần siết tín dụng ngân hàng với hoạt động bảo lãnh, cho doanh nghiệp vay tiền tham gia đấu giá đất. Không thể để doanh nghiệp vừa mới thành lập vài ba tháng, vốn điều lệ trên dưới 100 tỉ đồng, trúng đấu giá lô đất lên tới 5.000 tỉ đồng, rất bất bình thường.
Cần kiểm soát việc doanh nghiệp vay tiền ngân hàng tham gia đấu giá đất để “thổi” giá các thửa đất xung quanh, cơ cấu lại nợ xấu trong ngân hàng, đánh bóng tên tuổi nhằm “thổi” giá cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp để trục lợi.
Giá đất tăng cao đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng theo, nền kinh tế sẽ mất lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Giá đất của ta đắt hơn ở Nhật Bản thì làm sao thu hút được nhà đầu tư của họ đến Việt Nam đầu tư.
Ông Đào Trung Chính
Nhà nước có can thiệp quá sâu?
* Có ý kiến cho rằng cơ quan quản lý đã can thiệp vào thị trường trong một số vụ đấu giá đất, quan điểm của ông thế nào?
– Theo tôi, trong đấu giá đất Thủ Thiêm, các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp quá sâu vào thị trường. Ngược lại, các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện đúng chức năng quản lý thị trường đất đai, thị trường bất động sản.
Đất đai là đầu vào của sản xuất, chúng ta đặt mục tiêu phát huy nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đời sống người dân. Do vậy, giá đất là một loại giá Nhà nước phải quản lý chứ không thể để trôi nổi.
Thị trường đất đai phải được quản lý để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực. Doanh nghiệp muốn mở nhà máy phải có đất, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam cũng cần đất để thực hiện dự án. Giá đất tăng cao thì chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng theo, nền kinh tế sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Giá đất của ta đắt hơn ở Nhật Bản thì làm sao thu hút được nhà đầu tư của họ đến Việt Nam đầu tư.
* Vậy có cần tăng chế tài với các trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá đất ngàn tỉ rồi bỏ cọc, không nộp tiền mua đất?
– Rất khó tăng chế tài trong trường hợp này, theo quy định hiện hành doanh nghiệp bỏ cọc sẽ mất tiền cọc tương đương 20% giá khởi điểm lô đất. Đây là câu chuyện thị trường, thuận mua vừa bán, quan hệ mua bán đất thông qua đấu giá mang tính dân sự, tự nguyện.
Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI):
Nhà nước và doanh nghiệp phải tuân thủ luật chơi
Sòng phẳng mà nói, doanh nghiệp có quyền không thực hiện hợp đồng mua đất đã ký kết. Đây là quan hệ dân sự. Doanh nghiệp thấy giá cao họ chấp nhận bỏ cọc là bình thường, không doanh nghiệp nào thấy lỗ mà tiếp tục làm cả.
Rất có thể thời gian tới khi đấu giá lại, giá trúng đấu giá sẽ thấp hơn lần này rất nhiều, đó là quy luật của thị trường.
Vấn đề với đấu giá đất là cả Nhà nước và doanh nghiệp tham gia đấu giá phải tuân thủ luật chơi. Các doanh nghiệp bỏ đấu giá đất Thủ Thiêm đã chịu thiệt hại lớn về kinh tế. Thiệt hại này là do doanh nghiệp trúng đấu giá tính toán sai, họ phải chấp nhận trả giá.
GS Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường):
Nhắm vào giới đầu cơ để giảm thuế cho người nghèo
Trong đấu giá, thường doanh nghiệp sẽ dùng nhiều thủ thuật để trúng đấu giá ở mức thấp nhất. Nhưng có thể doanh nghiệp muốn thông qua đấu giá để kích giá đất khu vực quận 1 (TP.HCM) vì họ đang sở hữu nhiều dự án tại khu vực này.
Chúng ta không thể để xảy ra tình trạng một số người “ôm đất”, “ôm dự án”, dùng thủ thuật kích giá đất một khu vực nào đó rồi thu lợi.
Một công cụ hiệu quả được nhiều nước sử dụng đó là đánh thuế tài sản. Nhưng ở ta chưa cải cách hệ thống thuế với đất đai theo hướng đánh vào giới đầu cơ đất đai và giảm thuế đất cho người nghèo.
Nếu làm được điều này thì sẽ bớt tình trạng “ôm đất”, làm giàu nhờ “ôm đất” không còn nữa. Như vậy những người nghèo, người thu nhập thấp sẽ dễ tiếp cận đất đai hơn. Theo đó, tình trạng kích giá đất thông qua đấu giá sẽ tự triệt tiêu.
Đấu giá đất, nhiều ưu việt
Theo Bộ Xây dựng, việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đã hạn chế được tiêu cực, thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.
Kết quả trúng đấu giá đất bình quân ở nhiều địa phương cũng cho thấy hiệu quả kinh tế trong thực hiện đấu giá đất công khai. Giá trúng đấu giá đất tại TP Cần Thơ tối đa cao hơn giá khởi điểm 53%, Đồng Tháp tối đa cao hơn 24%, Đắk Nông tối đa cao hơn 50%, Sơn La tối đa cao hơn 85,68%. Tương tự, bình quân giá trúng đấu giá đất tại Tuyên Quang cao hơn giá khởi điểm 34,4%, Lai Châu cao hơn 20%, Bến Tre bình quân cao hơn 20%.
BẢO NGỌC thực hiện
——————
Tuổi trẻ 14-02-2022:
https://tuoitre.vn/tra-lai-uy-nghi-cho-dau-gia-dat-20220214080319485.htm
(155/1.664)