3.642. Giá vàng tăng giảm chóng mặt, sẽ xem xét lại các quy định về quản lý vàng

(TBTC) – Tuần qua ghi nhận giai đoạn nóng… “bỏng tay” của giá vàng trong nước với các kỷ lục liên tục bị phá vỡ, tuy nhiên giá vàng cuối tuần quay đầu giảm mạnh. Cũng trong tuần, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo việc thực hiện giải pháp ổn định thị trường và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho biết sẽ trình báo cáo về tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP (về quản lý kinh doanh vàng) trong tháng 1/2024.

Giá vàng nóng, nhưng hạ nhiệt vào cuối tuần

Giá vàng tuần qua ghi nhận một khoảng thời gian sôi sục, với nhiều diễn biến cảm xúc diễn ra chỉ trong 1 tuần.

Trong những ngày đầu tuần, giá vàng liên tục thiết lập các kỷ mục mới và một số thời điểm vàng miếng SJC 9999 đã vượt qua mốc lịch sử 80 triệu đồng/lượng bán ra.

Diễn biến của giá vàng trong nước một phần chịu sự ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Cụ thể, giá vàng thế giới trong thời gian qua cũng bước vào chu kỳ tăng mạnh và cũng liên tục phá vỡ các mốc lịch sử. Chiều ngày 29/12 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 2.071 USD/ounce.

Ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO của AFA Capital, việc giá vàng tăng thời gian qua cũng có cơ sở, bởi một số ngân hàng trung ương trên thế giới cũng có động thái tăng dự trữ vàng trong danh mục của họ. Trong khi đó, các yếu tố địa chính trị trên thế giới cũng có thể có tác động lên giá vàng.

Tuần qua ghi nhận nhiều diễn biến kịch tính với giá vàng. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, tốc độ tăng của giá vàng trong nước nhanh hơn khá nhiều so với giá vàng thế giới và theo đó vào lúc đỉnh điểm, giá vàng miếng SJC 9999 đã chênh cao hơn so với giá thế giới tới hơn 18 triệu đồng mỗi lượng. Sau một số ngày tăng nóng, giá vàng có tín hiệu hạ nhiệt từ trưa ngày 28/19, đến chiều 29/12, giá vàng miếng SJC 9999 công bố mức mua vào là 72 triệu đồng mỗi lượng và bán ra với giá 75 triệu đồng mỗi lượng.

Hôm 29/12, Tổng cục Thống kê cũng đã công bố chỉ số giá vàng tháng 12/2023 tăng 3,98% so với tháng trước, tăng 13,13% so với cùng kỳ năm trước.

Thủ tướng chỉ đạo ổn định thị trường vàng

Sau những ngày giá vàng tăng nóng, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi NHNN và các cơ quan liên quan về các giải pháp ổn định thị trường vàng.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý.

NHNN có thể sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Ngoài ra, NHNN cũng phải khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1/2024.

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị định 24

Ngay sau khi Thủ tướng có công điện liên quan đến thị trường vàng, NHNN cũng có thông điệp cho biết, nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Do vậy, trong những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn.

Khuyến cáo thận trọng với biến động giá vàng

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, NHNN khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.

NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. Trong tháng 1/2024, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Liên quan đến việc quản lý vàng, LS.Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, những yếu tố không có ảnh hưởng lớn thì có thể NHNN không cần thiết phải quản lý nữa hoặc để cho bộ ngành khác quản lý. Một số loại vàng nhập khẩu thuộc dự trữ ngoại hối thì thuộc phạm vi quản lý ngoại hối chứ không cần phải quản lý về hình thức, kích cỡ, tiêu chuẩn.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2023 vẫn nhỉnh hơn so với tốc độ tăng trưởng vốn huy động. Ảnh: T.L
Tỷ giá diễn biến ổn định

Trái ngược với bầu không khí sôi sục của giá vàng, tuần qua chứng kiến một tuần diễn biến khá êm đềm của tỷ giá.

Tỷ giá USD trung tâm do NHNN công bố hôm thứ hai đầu tuần ở mức 23.895 đồng/USD, sau đó có 1 phiên giảm và 2 phiếu tăng nhẹ trước giảm trở lại vào phiên thứ sáu cuối tuần. Diễn biến chung cho thấy biên độ điều chỉnh của tỷ giá trung tâm trong tuần vừa qua ở mức khá hẹp.

Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá do Vietcombank niêm yết hôm đầu tuần ở mức 24.400 đồng/USD. Sau các phiêu điều chỉnh nhẹ trong tuần, tỷ giá tại Vietcombank hôm thứ sáu cuối tuần là 24.440 đồng/USD, chỉ tăng 40 đồng mỗi USD so với đầu tuần.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2023 giảm 0,56% so với tháng trước; tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2023 tăng 1,86%.

Tín dụng tăng hơn 11%

Tổng cục Thống kê đã công bố tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 12/2023 tăng 10,03% so với cuối năm 2022; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,85%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,09%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, theo đó tốc độ tăng giá của năm 2023 thấp hơn so với mức 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Năm 2024, Quốc hội đã đặt ra chỉ tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4 – 4,5%.

Đánh giá tổng thể thị trường vàng

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN phải đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức… Qua đó, ngành Ngân hàng cần xác định cụ thể những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để có cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý trong thời gian tới, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, đúng quy định, đúng thẩm quyền, ổn định thị trường vàng, ngoại hối, tiền tệ, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Chí Tín

————-

Thời báo Tài chính (Giá vàng) ngày 29-12-2023:

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-vang-tang-giam-chong-mat-se-xem-xet-lai-cac-quy-dinh-ve-quan-ly-vang-142701.html

(78/1.432)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,432