3.644. Rà soát lại Nghị định 24, thấp thỏm với số phận của vàng miếng

Rà soát lại Nghị định 24, thấp thỏm với số phận của vàng miếng

(TBTC) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ trình Chính phủ báo cáo tổng kết quá trình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP (về quản lý hoạt động kinh doanh vàng). Trong đó, cơ quan này có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. Đây là một trong những yếu tố khá quan trọng liên quan đến “số phận” của vàng miếng, sau một giai đoạn dài loại vàng này luôn trong tình trạng “một mình một giá”.
Rà soát lại Nghị định 24
Nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Ảnh: TL
Sẽ báo cáo trong tháng 1/2024

NHNN vừa chia sẻ thông tin cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. Đặc biệt, một trong những thông tin đáng quan tâm là ngay trong tháng 1/2024, NHNN sẽ trình Chính phủ báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Quan điểm của NHNN được đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi NHNN và các bộ, ngành liên quan về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN phải theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng. Cơ quan quản lý thị trường vàng phải chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. “Dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia” – công điện của Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, thị trường vàng trong nước trải quả một số ngày “sôi sục”, giá vàng trong nước liên tục thiết lập đỉnh mới, riêng giá vàng miếng SJC 9999 bán ra đã có lúc vượt mốc lịch sử 80 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, từ chiều 28/12, giá vàng đã có tín hiệu hạ nhiệt và giảm giá khá nhanh. Diễn biến giá vàng sáng 29/12 cho thấy, giá vàng miếng SJC 9999 71,5 triệu đồng/lượng mua vào và 74,5 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng nhẫn SJC 9999 giảm về mức 62,25 triệu đồng/lượng mua vào và 63,3 triệu đồng/lượng bán ra.

Thấp thỏm với số phận của vàng miếng
Thị trường vàng trong nước trải quả một số ngày “sôi sục”, giá vàng trong nước liên tục thiết lập đỉnh mới.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong công điện của Thủ tướng có phần đề cập cụ thể về quản lý vàng miếng, khi đưa ra yêu cầu NHNN khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường. Thủ tướng yêu cầu không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua, ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô.

Việc quản lý vàng miếng hiện thực hiện theo quy định tại Nghị định 24, trong đó, một trong những nội dung quan trọng quy định trong văn bản này là Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Từ đó đến nay, thị trường chỉ có một doanh nghiệp duy nhất là Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) được phép sản xuất gia công vàng miếng với số lượng trong hạn mức của NHNN.

Với tính chất độc quyền “một mình một chợ”, vàng miếng SJC trong suốt thời gian dài luôn có giá cao hơn so với các loại vàng khác (vàng nhẫn, vàng trang sức…) dù cùng với tuổi vàng như nhau. Trong giai đoạn đầu năm 2023, mức chênh lệch vàng miếng SJC 9999 và vàng nhẫn 9999 cũng của SJC khoảng 14 triệu đồng/lượng, trong khi vào những thời điểm “sốt” vàng cuối tháng 12/2023, mức chênh lệch có lúc lên tới 15,5 – 16 triệu đồng/lượng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc quy định độc quyền sản xuất vàng chính là “thủ phạm” dẫn đến tình trạng giá vàng miếng bị đẩy lên cao thời gian qua. Ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, do sự độc quyền vàng miếng SJC, nên nguồn cung ở thị trường nội địa khan hiếm. Trong khi đó, thị trường vàng trong nước không được liên thông với thế giới. Theo đó, ông Khánh cho rằng, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng không còn phù hợp và Hiệp hội Kinh vàng Việt Nam cũng mong muốn nghị định này sớm được sửa đổi.

Mặc dù vậy, thời gian trước đây cũng có những quan điểm khác nhau về việc xác định vàng là “tiền tệ” hay là “hàng hóa” và đây chính là yếu tố then chốt để đưa đến quan điểm việc Nhà nước có cần độc quyền khâu sản xuất hay không. Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho biết, theo các quan điểm truyền thống thì vàng cũng là một dạng “tiền tệ”, nhưng hiện nay thì việc này có thể không hoàn toàn hợp lý nữa.

Theo đó, về vấn đề liên quan đến pháp lý vàng, ông Đức cho rằng một số quy định trong Nghị định 24 cũng có thể xem sửa đổi cho phù hợp thực tế. Ngoài ra, một số văn bản luật cấp cao hơn cũng có thể cũng phải xem xét chỉnh sửa, chẳng hạn hạn như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (phần về những điều cấm trong ngành nghề liên quan đến vàng), hoặc Luật Đầu tư (tách các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện)…

Củng cố lòng tin của người dân về giá trị đồng tiền Việt Nam

Theo NHNN, nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Do vậy, trong những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn.

Trong bối cảnh này, NHNN cho biết đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án can thiệp.

Trong khi đó, một trong những nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ đối với NHNN và các cơ quan liên quan là cần chủ động hơn về truyền thông để công khai, minh bạch về chủ trương, chính sách quản lý thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối và vàng, củng cố niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam và ổn định tâm lý người dân, tạo đồng thuận xã hội.

Chí Tín

————-

Thời báo Tài chính (Ngân hàng) 01-01-2024:

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ra-soat-lai-nghi-dinh-24-thap-thom-voi-so-phan-cua-vang-mieng-142731-142731.html

(194/1.343)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.416. Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn...

Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn vào công ty con, "núp bóng" gửi tiết kiệm. (TBTC)...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,121