Đặt cọc và đối tượng của đặt cọc theo pháp luật dân sự Việt Nam
(LSVN) – Đặt cọc là một trong 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Biện pháp đặt cọc thường được sử dụng để bảo đảm cho việc giao kết và/hoặc thực hiện hợp đồng giữa các chủ thể, thường thấy nhất trong đời sống dân sự là các giao dịch đặt cọc để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đặt cọc để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng mua bán tài sản khác.
Mặc dù được sử dụng phổ biến trong các giao dịch dân sự nhưng không phải tất cả các bên tham gia giao dịch đặt cọc đều hiểu biết, nắm rõ các vấn đề pháp lý liên quan của chế định đặt cọc. Trong giới hạn bài viết này, tác giả bàn về biện pháp đặt cọc và đối tượng của hợp đồng đặt cọc theo pháp luật dân sự Việt Nam để góp phần giúp các bên tham gia vào giao dịch đặt cọc để có góc nhìn rõ hơn về chế định này, hạn chế rủi ro, tranh chấp phát sinh khi tham gia giao dịch.
Ảnh minh họa.
Chế định đặt cọc trong pháp luật dân sự Việt Nam
Từ xa xưa, thuật ngữ đặt cọc được xuất hiện với góc độ là một ngữ cảnh, thời đó khi dùng tiền trong lưu thông dân sự, nhân dân ta thường xâu những đồng tiền lại với nhau thành từng cọc. Khi đặt trước một khoản tiền để làm tin với nhau, họ thường đặt trước một cọc, hai cọc… tùy vào giá trị của từng giao dịch dân sự. Dần dần, sự phát triển của giao lưu dân sự làm cho biện pháp này không chỉ là việc đặt tiền. người ta còn dùng các tài sản khác đặt trước để bảo đảm việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng đối với nhau(1). Trải qua thời gian, chế định đặt cọc từ một hành vi diễn ra thường xuyên trong đời sống đã được luật hóa trong pháp luật dân sự của Nhà nước.
Trong 03 Bộ luật Dân sự (Bộ luật Dân sự) của Việt Nam từ năm 1995 đến nay đều có quy định về đặt cọc và chỉ quy định trong 01 điều duy nhất(2) và mặc dù trong việc sử dụng từ ngữ có một số điểm không hoàn toàn giống nhau nhưng bản chất nội dung là giống nhau.
Theo đó, đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Điểm khác nhau về hình thức trong quy định đặt cọc giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 với Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 1995 đó là trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã không còn quy định bắt buộc đặt cọc phải lập thành văn bản. Điều này là cần thiết vì trong nhiều trường hợp, các bên xác lập biện pháp đặt cọc bằng hành vi, bằng lời nói. Sự đa dạng trong hình thức của biện pháp đặt cọc giúp các bên có thể lựa chọn, quyết định hình thức phù hợp với điều kiện khi giao kết(3).
Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản dùng để đặt cọc là “tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác”. Kim khí quý, đá quý về bản chất là những vật có giá trị. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản gồm 04 loại là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Như vậy, tài sản dùng để đặt cọc nói chung bao gồm 02 loại là tiền và vật.
Đối với tiền dùng làm tài sản đặt cọc gồm tiền Việt Nam (đồng nội tệ) và tiền nước ngoài (ngoại tệ). Tiền Việt Nam có thể được sử dụng làm tài sản đặt cọc trong mọi giao dịch giữa cá nhân, pháp nhân với nhau. Ngoại tệ chỉ có thể được sử dụng làm tài sản đặt cọc giữa chủ sở hữu ngoại tệ với tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác được phép giao dịch ngoại tệ mà không được sử dụng để đặt cọc cho cá nhân, pháp nhân khác vì rất có thể sẽ bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật (điểm c khoản 1 Điều 117, Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015). Theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.” Mặc dù Pháp lệnh Ngoại hối do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành không phải là “Luật” nhưng quan điểm liên quan đến sử dụng ngoại hối như trên còn được ghi nhận tại Điều 8 và Điều 105, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, tại Điều 105 quy định “ngoại hối” là một trong các sản phẩm ngân hàng thương mại được kinh doanh, cung ứng dịch vụ cho khách hàng ở trong nước và nước ngoài sau khi được chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Mặt khác, khoản 2 Điều 8 quy định “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.
Đối với vật dùng làm tài sản đặt cọc thì không phải tất cả vật đều có thể sử dụng để đặt cọc mà xuất phát từ yêu cầu để có thể bảo đảm được cho việc thực hiện nghĩa vụ giao kết, thực hiện hợp đồng thì chỉ có “vật có giá trị” mới có thể được các bên đồng ý dùng làm tài sản đặt cọc. Đồng thời “vật có giá trị” dùng để đặt cọc cũng phải không thuộc trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu(4) tại thời điểm xác lập biện pháp đặt cọc.
Tuy pháp luật không cấm việc đặt cọc bằng bất động sản, nhưng so sánh với các quy định về tài sản cầm cố, thế chấp thì có thể hiểu bất động sản cũng không thể là tài sản dùng để đặt cọc(5).
Hợp đồng đặt cọc có thể được thể hiện bằng hợp đồng riêng hoặc là điều khoản về đặt cọc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng chính.
Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định 21/2021/NĐ-CP đều không có quy định về việc hợp đồng đặt cọc buộc phải lập thành văn bản, công chứng, chứng thực và đăng ký biện pháp bảo đảm, vì vậy, chỉ cần đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại Khoản 1 Điều 117 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng đặt cọc sẽ có hiệu lực ràng buộc trách nhiệm giữa các bên kể từ thời điểm theo các bên thỏa thuận, trường hợp không có thỏa thuận thì hợp đồng đặt cọc có hiệu lực tại thời điểm giao kết hợp đồng(6) và phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận đặt cọc nắm giữ tài sản đặt cọc(7).
Điểm khác biệt lớn nhất của đặt cọc so với các biện pháp bảo đảm khác là, nếu bên nhận đặt cọc vi phạm nghĩa vụ thì phải trả cho bên kia (phạt cọc) gấp đôi số tiền đặt cọc (gồm tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đạt cọc), trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, nếu như có thỏa thuận thì bên nhận đặt cọc có thể phải trả lại ít hơn hoặc nhiều hơn 02 lần số tiền đặt cọc. Nếu như thỏa thuận phạt cọc gấp vài ba lần số tiền đặt cọc thì bình thường, nhưng nếu thỏa thuận phạt cọc gấp hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lần số tiền đặt cọc thì khó có thể được Tòa án chấp nhận, cho dù không có quy định nào hạn chế việc này(8). Việc điều luật quy định như vậy là phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và hài hòa lợi ích của các bên và thể hiện được sự công bằng giữa các bên tham gia vào giao dịch đặt cọc.
Một điểm đáng lưu ý nữa đó là, theo tinh thần hướng dẫn tại khoản 4 Điều 4, Nghị định 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì trường hợp các bên xác lập thỏa thuận có nội dung về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng các bên không xác định rõ hoặc xác định không chính xác tên biện pháp đặt cọc mà nội dung thỏa thuận phù hợp với biện pháp đặt cọc quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì áp dụng quy định về biện pháp đặt cọc với nội dung thỏa thuận này. Hướng dẫn này phù hợp với quan điểm chung của Bộ luật Dân sự năm 2015 là hướng tới xem xét ý chí đích thực, bản chất của giao dịch mà các bên hướng tới chứ không chỉ xem xét về mặt hình thức.
Vấn đề liên quan đến xác định đối tượng của hợp đồng đặt cọc
Mặc dù đã tồn tại từ lâu và được ghi nhận trong cả 03 Bộ luật Dân sự của Việt Nam từ năm 1995 đến nay, tuy nhiên, việc xác định đâu là đối tượng của hợp đồng đặt cọc khi các bên xác lập biện pháp bảo đảm đặt đọc vẫn là vấn đề còn tồn tại nhiều cách hiểu và luồng quan điểm khác nhau, nhất là trong các giao dịch liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất.
Có quan điểm(9) (quan điểm 01) cho rằng: “Khoản 1 Điều 328 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Như vậy, đối tượng của đặt cọc là “tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác” và mục đích của đặt cọc là để đảm bảo cho việc thực hiện hành vi “giao kết hợp đồng” ở tương lai hoặc “thực hiện hợp đồng” hiện hữu hoặc vừa giao kết, vừa thực hiện hợp đồng. Có không ít trường hợp, những người tham gia đặt cọc nhầm lẫn về đối tượng của đặt cọc với đối tượng của chuyển quyền sử dụng đất được đảm bảo bằng đặt cọc, điều đó dẫn đến những tranh chấp không đáng có, cũng như gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp. Cần phân biệt rõ ràng đối tượng của đặt cọc là tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác chứ không phải quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất là đối tượng của giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất mà các bên sẽ ký kết sau khi đặt cọc. Vì vậy, đặt trong mối tương quan giữa đặt cọc với mục đích đặt cọc mà các bên mong muốn hướng đến, thì việc xác định đúng, đầy đủ đối tượng của đặt cọc sẽ dẫn đến hiệu lực của đặt cọc luôn được bảo đảm, bởi lẽ, nếu pháp luật không quy định hoặc các bên khi đặt cọc có thoả thuận, thì sẽ không thể có trường hợp nào đặt cọc bị vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được, bởi lẽ việc một bên đưa “tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác” cho bên còn lại luôn là hành vi thực hiện được và “tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác” luôn là đối tượng thực hiện được; cũng không vì giao dịch được đặt cọc có đối tượng không thể thực hiện được mà dẫn đến đặt cọc bị vô hiệu”.
Quan điểm trên đây cũng giống nội dung được thể hiện tại Giáo trình luật dân sự Việt Nam của Trường Đại học luật Hà Nội khi ghi nhận: “Đối tượng của đặt cọc là những vật có giá trị hoặc các vật thông thường khác mà một bên giao trực tiếp cho bên kia”(10).
Một quan điểm khác(11) (quan điểm 02) lại cho rằng đối tượng của đặt cọc là đối tượng của hợp đồng được bảo đảm bằng đặt cọc và đặt ra vấn đề hợp đồng đặt cọc liệu có vô hiệu do có đối tượng không thực hiện được ngay từ khi giao kết ? Liên quan đến quan điểm này, đã nhận được rất nhiều ý kiến của các chuyên gia trong giới tố tụng, đặc biệt là quan điểm của các Thẩm phán liên quan đến việc hợp đồng vô hiệu hoặc không vô hiệu(12).
Nếu tách riêng biện pháp đặt cọc và hợp đồng được bảo đảm bằng đặt cọc để phân tích, xem xét thì quan điểm 01 trên đây có vẻ hợp lý bởi khi ấy nhìn vào biện pháp đặt cọc độc lập sẽ thấy các bên đem “Tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác” giao cho nhau. Còn khi nhìn vào hợp đồng được bảo đảm bằng đặt cọc sẽ thấy đối tượng mà các bên hướng tới là một tài sản khác (có thể là động sản, bất động sản hoặc quyền tài sản).
Theo quy định tại Điều 398 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng và một trong các nội dung có thể có đó là “Đối tượng của hợp đồng”. Tùy theo từng loại hợp đồng cụ thể mà có đối tượng khác nhau, đó có thể là tài sản, dịch vụ, vận chuyển, các công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Nhưng tất cả những đối tượng của hợp đồng đều có điểm chung, đó là những gì mà các bên hướng tới để đạt được thông qua hợp đồng (Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán tài sản, đối tượng của hợp đồng chính là tài sản mà bên bán muốn bán và bên mua muốn mua(13). Trong hợp đồng dịch vụ, đối tượng của hợp đồng là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội(14) do một bên có khả năng cung ứng và một bên có nhu cầu sử dụng dịch vụ đó …).
Khi xác lập biện pháp đặt cọc, về bản chất là để hướng đến việc bảo đảm việc giao kết hợp đồng ở tương lai gần (trong một khoảng thời gian nhất định) hoặc để bảo đảm thực hiện hợp đồng đang hiện hữu vừa ký kết hoặc vừa để bảo đảm giao kết vừa để bảo đảm thực hiện hợp đồng. Vì vậy, có thể tại thời điểm xác lập biện pháp đặt cọc chưa có hợp đồng chính (trường hợp bảo đảm giao kết) hoặc đã có hợp đồng chính (trường hợp bảo đảm thực hiện hợp đồng), nhưng đối tượng của hợp đồng chính mà các bên hướng tới luôn có trước. Và chính vì như thế, nên các bên mới xác lập biện pháp đặt cọc để bảo đảm cho việc giao kết, thực hiện hợp đống chính đó (đặt cọc là hợp đồng phụ).
Hay nói cách khác, biện pháp đặt cọc luôn phải được xem xét cùng nghĩa vụ chính và đối tượng của hợp đồng chính (có thể có hoặc chưa có hợp đồng), bởi đặt cọc sẽ không có nghĩa lý gì nếu không vì một thứ khác. Nghĩa vụ chính khi các bên xác lập biện pháp bảo đảm bằng đặt cọc là nghĩa vụ giao kết và/hoặc thực hiện hợp đồng chính của các bên và khi nghĩa vụ đó được thực hiện thì các bên đạt được điều mà mình mong muốn đạt được (chính là đối tượng của hợp đồng được bảo đảm bằng đặt cọc).
Nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của bên bảo đảm cho bên nhận bảo đảm chỉ là nghĩa vụ trong hợp đồng phụ và tài sản bảo đảm ở đây là “tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác” cũng không phải là thứ mà các bên hướng đến khi xác lập hợp đồng đặt cọc.
Vì vậy, mặc dù hành vi của một bên đưa “tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác” cho một bên khác là hành vi luôn có thể thực hiện được nhưng nếu như hợp đồng chính vô hiệu do có đối tượng không thực hiện được thì dẫn đến đặt cọc (hợp đồng phụ) cũng sẽ vô hiệu(15).
Thông qua những phân tích trên cơ sở xem xét 02 quan điểm trên đây, chúng ta thấy, việc xác định chính xác đối tượng của hợp đồng đặt cọc có ý nghĩa thiết thực về lý luận và thực tiễn đối với các bên khi xác lập hợp đồng đặt cọc, tránh những tranh chấp không đáng có. Trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án, nếu xác định đối tượng của hợp đồng đặt cọc không đúng có thể dẫn đến xác định sai đối tượng của nghĩa vụ phải thực hiện dẫn tới có khả năng việc xem xét giải quyết vụ án không đúng bản chất, không đúng luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Kết luận
Đặt cọc là một trong các biện pháp bảo đảm thường xuyên được xác lập để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ giao kết, thực hiện hợp đồng, nhất là trong việc bảo đảm thực hiện hợp đồng chuyển nhượng động sản, bất động sản. Với những nội dung đã trình bày trong bài viết này, tác giả hy vọng góp phần giúp các bên tham gia xác lập giao dịch đặt cọc hiểu rõ hơn quy định của luật. Đồng thời, với việc phân tích những quan điểm còn khác nhau trong việc xác định về đối tượng của hợp đồng đặt cọc, tác giả nhận thấy để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, đảm bảo việc giải quyết các vụ án có liên quan đến xác định đối tượng của hợp đồng đặt cọc đúng pháp luật, cần thiết phải có hướng dẫn từ phía TAND Tối cao hoặc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đối với vấn đề này.
(1) Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội – 2008, Tr.83-84. (2) Điều 363 Bộ luật Dân sự năm 1995; Điều 358 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015. (3) TS Đinh Trung Tụng (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015 (Quyển 2), Nxb Tư pháp, Hà Nội – 2021, Tr.74-75. (4) Khoản 1 Điều 8, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. (5) Luật sư Trương Thanh Đức, 9 biện pháp bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng (Quy định, thực tế và thiết kế giao dịch theo Bộ luật dân sự hiện hành năm 2015), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội – 2017, Tr.229. (6) Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. (7) Khoản 3 Điều 23 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. (8) Luật sư Trương Thanh Đức, Tlđd, Tr.230. (9) Xem tại: https://tapchitoaan.vn/dat-coc-va-nham-lan-voi-giao-dich-duoc-dam-bao-bang-dat-coc9139.html, truy cập ngày 14/12/2023. (10) Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội – 2008, Tr.84. (11) Xem tại: https://tapchitoaan.vn/%E2%80%9Chop-dong-dat-coc-va-ban-nha%E2%80%9D-lieu-co-vo-hieu-do-doi-tuong-khong-the-thuc-hien-duoc-ngay-tu-khi-giao-ket9131.html, truy cập ngày 14/12/2023. (12) Các bài viết của các độc giả trao đổi lại với bài viết “Hợp đồng đặt cọc và bán nhà” liệu có vô hiệu do đối tượng không thể thực hiện được ngay từ khi giao kết ? của tác giả Trần Quang Minh – Phó Chánh án TAND thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đăng tải ngày 21/8/2023 trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử. (13) Điều 430, Điều 431, BLDS năm 2015. (14) Điều 513, Điều 514, BLDS năm 2015. (15) Khoản 2, Điều 407, BLDS năm 2015. |
Luật gia THIỀU HỮU MINH
TRẦN KHÁNH VÂN
————-
Luật sư Việt Nam (Trao đổi ý kiến) ngày 01-01-2024:
https://lsvn.vn/dat-coc-va-doi-tuong-cua-dat-coc-theo-phap-luat-dan-su-viet-nam-1704107477.html
(138/3.853)