(VH) – VHO-Tạp chí Thang máy là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Thang máy Việt Nam cung cấp các tin tức, nội dung chuyên ngành thuộc lĩnh vực thang máy. Mới đây, đơn vị này nhận thấy các nội dung của mình bị vi phạm tác quyền nghiêm trọng bởi một website có tên Báo Thang máy.
Theo ông Nguyễn Huy Tiến – Tổng thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Tạp chí Thang máy được Hiệp hội xin phép các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động từ ngày 6.8.2021. Từ đó đến nay, Tạp chí Thang máy hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và tuân thủ các quy định của Luật Báo chí. Với nội dung chuyên ngành, mang đến nhiều kiến thức hữu ích, Tạp chí Thang máy dần trở thành một nguồn tham khảo uy tín với độc giả quan tâm lĩnh vực thang máy.
Một số hình ảnh đối chiếu nội dung cho thấy Báo Thang máy đã có hành vi tạo ra các tác phẩm phái sinh dựa trên nội dung gốc của Tạp chí Thang máy. Ảnh: Tạp chí Thang máy
“Thực tế, việc tham khảo nguồn tin, thông tin thời sự đơn thuần là một trong các phương thức khai thác thông tin và lan truyền thông tin không vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ cũng như Luật Báo chí. Tuy nhiên, với các tác phẩm báo chí có tính sáng tạo, nghiên cứu chuyên sâu thì việc sử dụng như nguồn tư liệu đều cần sự đồng ý của chủ sở hữu. Thế nhưng mới đây, Hiệp hội và Tạp chí Thang máy đã phát hiện ra một “người anh em” giả mang tên Báo Thang máy với tên miền baothangmay.com có hành vi sao chép nội dung, tạo ra các tác phẩm phái sinh hàng loạt dựa trên các nội dung của Tạp chí Thang máy”, ông Huy Tiến cho biết.
Thủ thuật ngang nhiên của website này là sao chép, sửa chữa và đăng tải các bài viết, hình ảnh thuộc sở hữu bản quyền của Tạp chí Thang máy nhưng tuyệt đối không dẫn nguồn. Việc “xáo xào” nội dung dựa trên thay đổi, chỉnh sửa từ ngữ, cấu trúc câu… vô cùng dễ nhận ra trên số lượng lớn các bài viết.
Đại diện Tạp chí Thang máy cho rằng việc sử dụng tên miền có yếu tố gần gũi với báo chí là lợi dụng uy tín báo chí, có thể khiến các độc giả không tìm hiểu kỹ hiểu nhầm rằng đây là một kênh báo chí chuyên ngành. Qua tìm hiểu, được biết tên miền baothangmay.com đang được đăng ký bởi Công ty TNHH Phần mềm iNET, phía Tạp chí cũng đã liên hệ trên tinh thần thiện chí nhằm giải quyết vấn đề, tuy nhiên không nhận được phản hồi.
Công văn Hiệp hội Thang máy Việt Nam gửi các cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ và xử lý theo quy định pháp luật. Ảnh: Tạp chí
Thang máy
Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) thì hành vi sao chép, công bố nội dung khi chưa được phép của chủ sở hữu; hành vi tạo ra tác phẩm phái sinh dựa trên tác phẩm gốc đều là các hành vi có dấu hiệu tội phạm theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi và bổ sung 2009 và 2019).
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Đại diện Văn phòng Tinh thông luật cho rằng, trong bối cảnh internet và công nghệ phát triển, cùng với sự phát triển của mạng xã hội và những website giả dạng báo chí, nạn xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động báo chí đang trong tình trạng rất nghiêm trọng. Luật sư nhấn mạnh, khi xác định được hành vi vi phạm quyền tác giả, có nhiều biện pháp mà chủ sở hữu quyền tác giả – cơ quan báo chí có thể áp dụng. Ngoài biện pháp hành chính như khiếu nại, tố cáo đến cơ quan quản lý nhà nước đề nghị xử hành vi vi phạm và xử phạt hành chính, chủ sở hữu quyền tác giả còn có thể khởi kiện ra tòa án, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thậm chí có thể tố cáo, kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm quyền tác giả.
Hiện Hiệp hội Thang máy Việt Nam – đơn vị chủ quản của Tạp chí Thang máy đã gửi công văn về sự việc trên đến Công an thành phố Hà Nội; Cục Báo chí, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử; Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao – Bộ TTTT đề nghị xử lý hành vi vi phạm bản quyền này.
LÊ MINH HIỀN
—————
Văn hoá (Pháp luật) 05-3-2022:
http://baovanhoa.vn/phap-luat/artmid/622/articleid/50779/trang-tron-vi-pham-tac-quyen-bao-chi
(82/858)