(GT) – Thuế thu nhập cá nhân không có lý do gì mà để cao ngang, thậm chí là hơn cả thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Điều mà nhiều người quan tâm hiện nay là cần sửa làm sao để tạo được sự công bằng và việc nộp thuế không trở thành gánh nặng đối với người làm công ăn lương.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, bất cập hiện nay là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng.
Luật sư Trương Thanh Đức
Theo ông, cách tính giảm trừ gia cảnh hiện nay có bất cập gì?
Có một điều vô lý là mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gấp 1,5 lần mà mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.
Ngoài ra, cách tính giảm trừ gia cảnh hợp lý là phải tính giảm trừ kết hợp giữa 2 tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu (có hoá đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý).
Hiện người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng nhưng còn rất nhiều những khoản tiền khác phải chi không được tính đến.
Ví dụ một người thu nhập khá cao nhưng sống vẫn khó khăn vì phải chi phí cho học hành, bệnh tật, thuê nhà ở.
Người khác thu nhập thấp hơn nhưng lại sống sung sướng hơn vì phải nộp thuế ít hơn và không phải chi cho y tế, học hành…
Việc chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát trên 20% theo ông có hợp lý không?
Tỷ lệ này đã được ấn định rõ trong luật. Con số lạm phát là do Nhà nước công bố, vậy khi nào đạt mức ấy thì nó phải mặc nhiên được áp vào việc thu thuế hàng năm theo thông báo của Tổng cục Thuế hoặc cùng lắm là Bộ Tài chính. Tôi cho rằng không cần trình qua Chính phủ lên tận Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Theo tôi, lạm phát trên 20% mới điều chỉnh là không hợp lý, cần giảm xuống một nửa.
Ông có kiến nghị vì về các bậc thuế và thuế suất hiện nay?
Mức thuế suất bậc 1 được xem ra khá nhẹ nhàng, người nộp thuế không phải “tính đếm” đến khoản thuế phải nộp, nên không tìm cách gian lận thuế.
Nhưng khoảng cách giữa các bậc thuế quá ngắn: từ bậc 1 (thuế suất 5%) đến bậc 2 (thuế suất 10%) chỉ có 5 triệu đồng/tháng, từ bậc 2 đến bậc 3 (thuế suất 15%) chỉ có 8 triệu đồng/tháng.
Khoảng cách mức thuế phải nộp giữa bậc cao nhất với thuế suất 35% cũng chỉ gấp bậc thấp nhất 16 lần. Trong khi ở Trung Quốc, khoảng cách này là 200 lần, Malaysia là 100 lần, Thái Lan là 50 lần…
Do đó, mức thu thuế với đối tượng thu nhập trung bình hiện nay là quá cao. Trước đây thuế thu nhập doanh nghiệp đã từng lên đến hơn 50%, bây giờ giảm xuống 18-20%, thuế thu nhập cá nhân không có lý do gì mà để cao ngang thậm chí là hơn cả thuế thu nhập doanh nghiệp như vậy.
Vậy bậc và thuế suất nên được điều chỉnh như thế nào?
Theo tôi, chỉ cần 3 bậc thuế: Bậc thấp (người thu nhập dưới 30 triệu đồng), bậc trung bình (trên 30 – 100 triệu đồng) và bậc cao (trên 100 triệu đồng). Trong đó bậc thấp chỉ thu thuế mức 5%, bậc trung bình 10%, bậc cao 20%. Còn nếu được thì mức thấp nhất là 2% để mọi người không cảm thấy nhiều gánh nặng.
Nếu chia làm 7 bậc, từ 5 – 35% là rất dày và cao so với nhiều nước trong khu vực.
Giảm thuế suất, gia tăng mức giảm trừ gia cảnh để nuôi dưỡng nguồn thu, tránh vắt kiệt sức của người nộp là điều cần làm.
Ông từng đề nghị đánh thuế cả tiền gửi ngân hàng, ông còn bảo lưu quan điểm này không?
Tôi vẫn bảo lưu quan điểm này và đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu đánh thuế đối với tiền gửi ngân hàng, vì đây cũng là một trong những kênh đầu tư, đã đầu tư thì phải nộp thuế.
Một người lao động vất vả cả tháng, thu nhập trên 11 triệu đồng đã phải nộp thuế còn người khác chẳng phải làm gì nếu gửi ngân hàng 2 tỷ đồng, với lãi suất phổ biến hiện nay là 7%/năm, đã có thu nhập gần 12 triệu đồng/tháng mà không phải nộp thuế thì rất mất bình đẳng[1].
Cảm ơn ông!
———
Giao thông (Tài chính) 09-3-2022:
(590/878)
[1] Tôi đề xuất thu nhập tiền gửi tính riêng, quãng từ 4 – 5 tỷ trở lên mới đánh thuế, đồng mức.