3.659. Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế nhà, đất, chuyên gia lo nhà, đất lại tăng giá

(TT) – “Nếu Nhà nước áp thuế với khu nhà trọ cho thuê và căn nhà đang ở, khoản tiền dưỡng già của hai vợ chồng tôi sẽ bị hao hụt đi vài triệu đồng”, ông Minh lo lắng.

Nhiều chuyên gia lo ngại việc đánh thuế nhà, đất sẽ càng đẩy giá nhà, đất tăng cao – Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều người dân bày tỏ lo ngại với đề xuất đánh thuế nhà, thuế đất của Bộ Tài chính, trong khi các chuyên gia cho rằng cần tránh làm ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận nhà ở của người thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại các đô thị.

Theo nhiều chuyên gia, việc áp thuế nhà đất nếu không tính toán kỹ, đánh cào bằng có thể tạo ra hiệu ứng ngược, làm giá nhà tăng thêm, người dân có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sẽ khó tiếp cận nhà ở hơn.

Khi giá nhà đất tăng cao, người lao động càng khó tiếp cận để sở hữu. Trong ảnh: Khu nhà trọ công nhân trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Không đủ ăn, lấy gì nộp thuế

Ông Nguyễn Văn Minh – chủ một khu nhà trọ 2 tầng tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội – cho biết miếng đất hơn 200m2 được xây dãy trọ 20 phòng cho sinh viên thuê là đất do ông bà để lại.

Từ khi làng lên phố, ruộng vườn không còn, hai vợ ông đã vay mượn của bà con họ hàng, rồi vay ngân hàng để xây 20 phòng trọ cho người lao động trong khu công nghiệp thuê để có tiền chắt chiu, sinh hoạt hằng tháng.

Theo ông Minh, mỗi tháng, trừ các chi phí lãi vay ngân hàng, chi trả nợ gốc khoảng 10 triệu đồng, hai vợ chồng ông có được khoản tiền dưỡng già khoảng 15 triệu đồng.

“Nếu Nhà nước áp thuế với khu nhà trọ cho thuê và căn nhà đang ở, khoản tiền dưỡng già của hai vợ chồng tôi sẽ bị hao hụt đi vài triệu đồng”, ông Minh lo lắng.

Tương tự, bà Vũ Thị Lành, có một căn nhà mặt tiền cho thuê trên phố Tô Hiệu, quận Hà Đông, TP Hà Nội, cho hay mỗi tháng hai vợ chồng bà thu được 20 triệu tiền thuê nhà. Khoản tiền tiết kiệm được từ cho thuê nhà, hai vợ chồng dành ra một nửa để chi cho con cái học hành, một nửa để chi cho sinh hoạt của gia đình.

“Với khoản thu nhập cố định này, hai vợ chồng bà vẫn đóng đầy đủ tiền thuế đất, thuế thu nhập cá nhân và thuế VAT… Bây giờ Nhà nước lại “đẻ” thêm loại thuế khác nữa, chúng tôi lấy gì để trang trải chi tiêu trong gia đình”, bà Lành nói.

Người nghèo càng khó có nhà

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trương Thanh Đức – Công ty luật ANVI – cho rằng phần lớn người dân thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại đô thị đang gặp khó khăn trong tiếp cận nhà ở. Nhiều người thu nhập quá thấp chưa mua nổi nhà nên việc áp thuế nhà cần cân nhắc kỹ. Thực tế, một căn nhà chung cư bình dân, diện tích vừa phải hiện nay có giá tầm 2 tỉ đồng.

Nếu đánh thuế nhà với những căn hộ bình dân này là đánh vào người nghèo, người thu nhập thấp. 

“Những người có thu nhập ở mức trung bình, thu nhập trung bình thấp sống trong những khu nhà ở bình dân, điều kiện ở chật chội đang phải đóng phí hàng triệu đồng/tháng, giờ phải đóng thêm tiền thuế nhà sẽ rất bất cập”, ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, đừng cho rằng các nước họ đã áp dụng thuế tài sản hay thuế bất động sản lâu rồi, Việt Nam cũng cần phải theo thông lệ quốc tế. 

Trong thực tế, đối với đất, người dân phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp từ bao năm nay. Nếu muốn đánh thuế đối với nhà, trước hết cần rà soát các chính sách thuế đối với nhà và đất. Đặc biệt là phải có cơ sở dữ liệu về nhà đất để cơ quan quản lý có thông tin căn nhà này do ai sở hữu.

Trong thực tế, ngay tại Hà Nội, nhiều nhà còn đang bị loạn cả số, nói gì đến quản lý thuế. 

“Phải khẳng định mục tiêu đánh thuế nhà và quyền sử dụng đất là để tăng thu ngân sách. Còn những ý kiến cho rằng đánh thuế với nhà, quyền sử dụng đất là để góp phần ngăn chặn đầu cơ, theo tôi, là không đúng bản chất. Trong nền kinh tế thị trường, đầu cơ là tốt. Thị trường phải sôi động, có người mua, người bán. Vấn đề là cung cầu và thị trường quyết định”, ông Đức nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Tú (ĐH Kinh doanh và công nghệ) cho rằng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong 2 năm nay, Quốc hội và Chính phủ đang ban hành một loạt chính sách giảm thuế, cấp bù lãi suất… để phục hồi và phát triển kinh tế. Do đó, trong 2 năm này chỉ nói đến giảm thuế để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và DN giảm chi phí.

“Để không gây tâm lý hoang mang không cần thiết cho người dân, không thể nói đến việc tăng thuế hay đẻ thêm sắc thuế mới trong năm nay và năm sau”, ông Tú nói.

 

* Luật sư Trương Thanh Đức (giám đốc Công ty luật ANVI):

Chỉ nên đánh thuế đối với người giàu

Trong khi đa số người dân có thu nhập thấp và đời sống còn nhiều khó khăn, chỉ nên đánh thuế quyền sử dụng đất và sở hữu nhà đối với những tài sản có giá trị cao, tức là đánh thuế đối với người giàu. Ngưỡng tính thuế có thể trên 5 tỉ đồng, còn trị giá dưới mức này thì không chịu thuế.

Tuy nhiên, ngưỡng cụ thể là bao nhiêu, Bộ Tài chính cần tính toán nghiên cứu thận trọng cân đối rất nhiều yếu tố như an sinh xã hội… và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi cơ quan, bộ ngành, địa phương và người dân.

Mặt khác, cần đánh thuế lũy tiến quyền sử dụng đất và nhà giống như biểu lũy tiến thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, ai sử dụng nhiều đất, nhà với giá trị càng lớn, tiền thuế càng tăng nhưng mức đánh thuế bậc đầu tiên rất thấp thôi.

Với những người có nhiều nhà hay ở trên những mảnh đất rộng ngay trung tâm đô thị lớn, thậm chí để không nhiều thửa đất sẽ phải đóng thuế cao. Nhà nước không khuyến khích cá nhân sử dụng quá nhiều đất vì tài nguyên này có hạn mà đất cần phải xây dựng nhà máy, công viên… tạo giá trị gia tăng cho cộng đồng.

* TS Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Đừng làm méo mó thị trường

Ảnh hưởng do dịch COVID-19 nên lạm phát đang có xu hướng tăng cao, nền kinh tế phát triển chậm so với những năm chưa có dịch… Ngoài ra, trong tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều biến động, cần xem xét thời điểm thích hợp để bàn và đưa ra thuế tài sản. Nếu đưa vào thời điểm không đúng hoặc áp thuế quá nặng sẽ gây tiêu cực.

Cũng cần tính toán đánh thuế có làm tăng giá nhà thuê hay không, bởi người đi thuê nhà ở VN phần lớn là công nhân, lao động tự do, sinh viên… Bất động sản là một lĩnh vực rất phức tạp, nên khi đánh thuế cần xem xét một cách toàn diện, thận trọng, tránh đưa ra thuế xa rời thực tế làm người dân thất vọng, không đáp ứng được mong đợi.

Muốn đánh được thuế tài sản trước mắt cần phải kiểm soát được giao dịch bất động sản. Đến bao giờ vẫn còn tình trạng sang tay nhà đất không qua ngân hàng, sàn giao dịch bất động sản…, việc đánh thuế tài sản là vô cùng khó khăn vì không thể chứng minh được họ có bao nhiêu tài sản để đánh thuế.

Khi không thể biết được mỗi người có bao nhiêu bất động sản, việc đánh thuế chỉ làm méo mó hơn thị trường bất động sản, khiến nhà đất khan hiếm hàng hơn và người có thu nhập trung bình, dưới trung bình khó có cơ hội tiếp cận nhà ở.

L.THANH – Q.THẾ

————————

Tuổi trẻ (Nhà đất) 11-3-2022:

https://nhadat.tuoitre.vn/bo-tai-chinh-de-xuat-danh-thue-nha-dat-chuyen-gia-lo-nha-dat-lai-tang-gia-20220310222251598.htm

(608/1.522)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,174