3.660. Bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư

(TN) – Nhiều nhà đầu tư mua cổ phần tại tập đoàn Egroup nhưng khi hết hạn thỏa thuận thì không được công ty mua lại như cam kết. Nhà đầu tư phản ánh là bị ép tái ký thì mới được trả lãi. Việc huy động vốn từ cổ phần phát hành thêm tại tập đoàn này đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng lưu ý.

Một trung tâm tiếng Anh của Apax (ảnh chụp trước dịch Covid-19).

Lo mất tiền tỷ, nhà đầu tư khóc ròng

Trong đơn phản ánh gửi tới báo Thời Nay, bà Thái Thị Bình (66 tuổi, ở phố Phan Văn Trường (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngày 5/1/2021, bà ký kết một văn bản gọi là “Thỏa thuận hợp tác chiến lược” với Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame, có địa chỉ tại tầng 2, nhà 25T1 lô đất N05 KĐT Đông Nam đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội); do ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) đứng tên.

Theo thỏa thuận này, bà Bình đồng ý nhận chuyển nhượng 5.263 cổ phần của Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup (là công ty mẹ của Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame) với giá trị chuyển nhượng là 200 triệu đồng.

Bà Bình cũng cho biết, đến ngày 28/2/2022 (tức ngày hết hạn của thỏa thuận), bà được nhận 141 cổ phần tặng thêm. Nếu bà có nhu cầu chuyển nhượng lại một phần hoặc toàn bộ số cổ phần này thì Công ty Egame “cam kết và bảo đảm sẽ tìm đối tác có nhu cầu mua hoặc sẽ mua lại (trong trường hợp không tìm được đối tác có nhu cầu mua) với giá là 42.560 đồng/cổ phần”. Ngược lại, bà Bình ủy quyền cho Egame thay mặt và thực hiện toàn bộ các quyền và nghĩa vụ cổ đông của mình đối với số cổ phần kể trên.

Thỏa thuận không ghi rõ số tiền nhà đầu tư này được hưởng song bà Bình cho biết, công ty trả lãi suất 18%/năm. Ngoài ra, nếu công ty thực hiện đúng cam kết thì đến ngày 28/2/2022, số tiền bà được nhận sau khi chuyển nhượng lại cổ phần sẽ là gần 230 triệu đồng.

Nhưng trên thực tế, theo phản ánh của nhà đầu tư này thì vào ngày 28/2/2022, khi đến Công ty Egame để thanh lý Thỏa thuận, rút tiền về thì phía công ty từ chối trả tiền và yêu cầu tái ký. “Một người phụ nữ tên là Ngọc, giới thiệu là quản lý kinh doanh của công ty trả lời tôi là công ty hiện đang khó khăn, không thể trả tiền gốc cho nhà đầu tư, yêu cầu tôi tái ký hoặc trả lãi theo tuần với số tiền “nhỏ giọt”. Hiện tại, gia đình tôi rất khó khăn nên tôi không đồng ý, do vậy đến giờ vẫn chưa nhận được tiền”, bà Bình nói.

Một nhà đầu tư khác là bà N.N.T (78 tuổi, ở Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phản ánh về việc ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược trị giá 2 tỷ đồng với Công ty Egame với các điều khoản tương tự. Đến ngày 19/10/2021, thỏa thuận giữa bà T. và Egame hết hạn nhưng bà T. cũng không lấy được tiền về.

“Công ty yêu cầu tôi tái ký thì mới trả lãi, nếu không tái ký sẽ không được trả cả gốc lẫn lãi. Một cô em họ tôi cho vay 500 triệu đồng sợ mất tiền gốc nên vừa rồi tái ký thì đã được nhận lãi. Còn tôi kiên quyết thu hồi tiền về. Nếu công ty không giải quyết, tôi sẽ làm đơn kiện”, bà T. bức xúc nói.

Cả hai nhà đầu tư này cho biết thêm, có rất nhiều người (phần lớn là người già, hưu trí) cho Công ty Egame vay tiền thông qua hình thức trên và đến nay đều đang lo lắng.

Chúng tôi đã liên hệ ông Phạm Ngọc Thập, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Egroup để xác minh vấn đề trên. Trả lời phóng viên qua điện thoại, ông Thập xác nhận là có chuyện một số nhà đầu tư yêu cầu thanh lý giao dịch hợp tác để rút tiền về nhưng công ty không có khả năng thanh toán cho tất cả nhà đầu tư vào thời điểm hiện tại. “Hai năm nay, ngành giáo dục rất khó khăn, công ty vẫn rất trách nhiệm với khách hàng và đa số khách hàng đều chia sẻ để vượt qua khó khăn. Công ty sẽ có người làm việc với khách hàng và thống nhất giải quyết”, ông Thập cho hay.

Tập đoàn Egroup đang làm ăn ra sao

Hiện tại, tập đoàn Egroup bao gồm các công ty con mang thương hiệu Apax Holdings, Apax Leader, iGarten, English Now… thuộc các lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, đầu tư giáo dục, game giáo dục…

Thông tin về tình hình kinh doanh của cả tập đoàn này khá ít ỏi. Trong hệ sinh thái Egroup, chỉ có Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC), đơn vị sở hữu thương hiệu tiếng Anh Apax English, là công ty đại chúng duy nhất. Hiện, công ty này đang làm ăn khá bết bát.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất 2021 của doanh nghiệp cho thấy, doanh thu thuần cả năm đạt hơn 1.733 tỷ đồng, giảm gần 11,2% so với năm 2020. Trừ đi giá vốn 1.256 tỷ đồng, lãi gộp còn lại chỉ có 478 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng 300 tỷ đồng, chi phí quản lý 165 tỷ đồng, chi phí lãi vay 153 tỷ đồng… đã ăn mòn hết lãi gộp.

Tuy nhiên, nhờ khoản doanh thu hoạt động tài chính 319 tỷ đồng (tăng gấp ba lần năm 2020), doanh nghiệp đã chuyển lỗ thành lãi trước thuế 152,5 tỷ đồng, lãi sau thuế 95,7 tỷ đồng và tăng 136,7% lợi nhuận so kế hoạch năm (mặc dù doanh thu chỉ đạt 59,8% kế hoạch).

Trong công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để giải trình về lợi nhuận tăng, ông Nguyễn Hoàng Lương, Giám đốc tài chính của Apax Holdings lý giải, lợi nhuận trước thuế tăng (mặc dù doanh thu giảm) là do “tăng thu tài chính từ việc bán quyền mua cổ phần phát hành thêm của các công ty thành viên”.

Thừa nhận đang gặp khó khăn về tài chính, đại diện doanh nghiệp cho biết, doanh thu của chuỗi giảm do phải đóng cửa trung tâm tiếng Anh và trường mẫu giáo từ Tết đến 30/4/2021 và sau đó từ tháng 5 đến tháng 12/2021 lại đóng cửa hầu hết trung tâm tiếng Anh tại các tỉnh, thành phố bùng phát dịch.

Báo cáo tài chính (BCTC) của Apax Holdings ghi nhận, đầu năm 2021, Egroup vay 45 tỷ đồng từ Apax Holding, thời hạn vay 12 tháng với lãi suất 8,5%/năm, để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh. Nhưng đến hạn 31/12/2021, Egroup không trả được nên đã phải gia hạn khoản vay thêm một năm.

Vào quý II/2021, Apax Holdings cũng thoát lỗ nhờ khoản doanh thu tài chính 85,56 tỷ đồng (tăng 3,7 lần so quý II/2020). Khoản mục đó phần lớn phát sinh từ hoạt động nhượng quyền mua cổ phần (75 tỷ đồng) phát hành mới tại Công ty CP Anh ngữ Apax (Apax English) cho Công ty CP Quản lý quỹ Amber. Sang quý III/2021, “bổn cũ” tiếp tục được soạn lại sau khi doanh nghiệp chuyển nhượng thành công quyền mua cổ phần trị giá 40 tỷ đồng…

Theo kế hoạch, ngày 16/3 tới, Apax Holdings sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 để thông qua một số nội dung quan trọng, trong đó có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu IBC trị giá 831 tỷ đồng, để nâng vốn điều lệ lên gấp đôi hiện tại, đạt 1.663 tỷ đồng.

Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI, Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Một số doanh nghiệp huy động vốn bằng hình thức chuyển nhượng cổ phần với những cam kết bất lợi cho nhà đầu tư nhưng nhiều nhà đầu tư do thiếu hiểu biết pháp luật nên đã ký vào, vô hình trung rơi vào “bẫy” của những người quản lý doanh nghiệp. 

Nhiều người cứ tưởng bỏ tiền vào, được nhận cổ phần và sau đó bán lại thu tiền về là chắc ăn, nhưng đã mua cổ phần thì phải chịu rủi ro rất lớn, lời ăn lỗ chịu. Kể cả trường hợp có thỏa thuận rõ ràng, cụ thể về việc bán lại, nhưng nhiều khi cũng không thực hiện được vì sự ràng buộc của pháp luật và hợp đồng. Chẳng hạn như công ty không có tiền để thanh toán thì việc mua hay không mua lại cũng chẳng còn ý nghĩa. Khi công ty phá sản thì cổ đông mất hết mà không thể đòi được ai, ngoại trừ trường hợp có gian lận, lừa đảo.

Vì vậy, nhà đầu tư nên tìm hiểu rất kỹ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, cân nhắc kỹ những điều khoản cam kết giữa hai bên trước khi đầu tư để bảo toàn vốn cho mình, trong đó điểm quan trọng nhất là phải biết rõ bản chất và hậu quả pháp lý trước khi chấp nhận giao dịch”.

HOÀNG YẾN

—————-

Thời nay – Nhân Dân (Kinh tế) 11-3-2022:

https://nhandan.vn/baothoinay-kinhte/bao-dam-quyen-loi-nha-dau-tu-688827/

(249/1.640) #TPDN #traiphieu #egroup

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,899