3.661. Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn nút thắt an ninh năng lượng trong nước

(QHTV) – Giá xăng dầu quốc tế và trong nước liên tục lập đỉnh mới. Trong nước tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ được cho là một trong những nguyên nhân đẩy giá xăng trong khi đã xây dựng, vận hành Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, chiếm thị phần cung ứng lớn. Đây là dự án được ưu đãi tối đa từ bao tiêu đến bù giá. Thế nhưng, sau những ưu đãi đó thì an ninh năng lượng trong nước vẫn chưa được bảo đảm.

Thời gian qua, thị trường xăng dầu đang trở thành vấn đề nóng được toàn xã hội quan tâm. Bên cạnh việc giá dầu thế giới tăng cao, tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ được cho là một trong những nguyên nhân đẩy giá xăng, dầu liên tục lập đỉnh mới. Nhiều câu hỏi đặt ra về quan hệ cung cầu của thị trường trong nước khi Việt Nam đã xây dựng, vận hành Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, chiếm thị phần cung ứng lớn nhưng vẫn để xảy ra thiếu hụt xăng dầu.

Thiếu hụt xăng dầu từ giảm công suất lọc hóa dầu Nghi Sơn

Đầu năm 2022, Nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn thông báo về nguy cơ dừng hoạt động do khó khăn về tài chính. Đơn vị này quyết định hủy nhập 2 lô dầu thô, đồng thời giảm công suất nhà máy. Nguồn cung xăng dầu trong nước bị thay đổi đột ngột khiến một số đơn vị phân phối xăng dầu bị ảnh hưởng.

Ông LÊ THIÊN NGA – Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Thanh Hóa:“Nếu đúng theo hợp đồng thì công ty Petrolimex Thanh Hóa lấy hơn 5000 m3 trong tháng. Nhưng hiện tại thì chỉ được khoảng 3000 – 3500 m3, chủ yếu là xăng, còn dầu thì không lấy được.”

Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng phải bán cầm cự khi nguồn hàng nhập về chậm hơn so với kế hoạch, chi phí để hoạt động tăng cao nên lợi nhuận bị ảnh hưởng.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TUẤN – Giám đốc Cửa hàng Xăng dầu Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa“Cần lượng hàng bán ra ngoài thì phải chủ động hẹn trước, báo trước rất nhiều. Thông thường thì lượng hàng bán trong ngày báo hôm nay thì mai có, nhưng giờ phải chờ 3 – 4 ngày mới có.”

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 35% thị phần xăng dầu cả nước. Theo Bộ Công Thương, việc giảm công suất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong tháng 2 khiến nguồn cung bị giảm 43% so với kế hoạch.

Ông BÙI VĂN ĐỈNH – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Anh Phát Petro: “Giảm công suất đột ngột thì chúng tôi phải tiếp cận ngay với đối tác. Đây là khó khăn chuẩn bị về nguồn lực, nguồn vốn, và kết nối đối tác nước ngoài. Thế nhưng nguồn hàng với đối tác nước ngoài cũng hạn chế. Chính vì vậy, khi kết nối với các đơn vị đưa hàng về thì sẽ bị đội phụ phí lên, đây là những khó khăn trong cạnh tranh.”

PGS. TS NGÔ TRÍ LONG – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính: “Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, muốn ký kết giao ngay thì giá rất cao cũng tạo cái khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đồng thời ảnh hưởng tới nguồn vốn. Cho nên, đây cũng là một cảnh báo, một bài học rất lớn với chúng ta. Dù đã chủ động nhưng an ninh năng lượng vẫn còn trắc trở, rủi ro.”

Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm phần lớn thị phần tiêu thụ xăng dầu trong nước, vì lẽ đó, sẽ xảy ra tình trạng thị trường dễ bị chi phối, phụ thuộc. Thực tế, việc giảm công suất nhà máy đã ảnh hưởng tới mọi mặt kinh tế – xã hội và xa hơn là ảnh hưởng trực tiếp tới điều hành kinh tế vĩ mô.

Bù giá tỷ USD nhưng an ninh năng lượng chưa đảm bảo

Dự án Lọc Hóa dầu Nghi Sơn từ lúc kêu gọi đầu tư cho tới vận hành đều được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện tối đa, thậm chí có những cam kết phá vỡ quy luật thị trường như: sản phẩm làm ra sẽ được bao tiêu toàn bộ hay việc bù giá cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, sau những ưu đãi đó, an ninh năng lượng lại chưa được đảm bảo.

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 14, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra nhiều lỗ hổng, bất cập trong cam kết Bảo lãnh Chính phủ ( GGU) với nhà đầu tư nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trong đó, tại thời điểm ký đã phát sinh 3 nội dung ưu đãi trái quy định gồm: Áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp cho toàn bộ đời của dự án; các cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân; trong bất cứ tình hình thị trường quan hệ cung cầu ra sao thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng, dầu do nhà máy sản xuất ra tại cổng nhà máy.

Gây thiệt hại lớn nhất có thể kể đến việc cam kết trong 10 năm kể từ ngày nhà máy lọc hóa dầu vận hành thương mại, Lọc hóa dầu Nghi Sơn được áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập cộng thuế nhập khẩu. Theo đó, thuế nhập khẩu được tính vào giá là 7% với xăng, dầu; 5% với khí hóa lỏng và 3% đối với sản phẩm hóa dầu. Chính phủ đảm bảo phải thanh toán cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu thực tế và mức cam kết trong bảo lãnh chính phủ. Theo tính toán, nếu giá dầu là 100USD/thùng thì trong 10 năm Chính phủ phải chi trả thêm cho nhà đầu tư hơn 88 nghìn tỷ đồng.

Ông TRẦN QUANG CHIỂU – Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, Quốc hội khóa XIV: “Với các cam kết như trên, đến nay chưa có cơ quan nào tính toán cụ thể số tiền thiệt hại thêm cho ngân sách quốc gia là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không phải là nhỏ, nó phải là hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng, cộng với số tiền phải thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu 3 năm 7% như nêu trên thì số tiền thiệt hại cho ngân sách quốc gia là rất lớn. Có phải chăng đây là vụ việc gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia lớn nhất từ trước tới nay.”

Vừa qua, Quốc hội đã ra nghị quyết về cơ chế bù giá cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn và PVN sẽ dùng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm. Ưu đãi chồng ưu đãi để đảm bảo nhiệm vụ ưu tiên số 1 là đảm bảo an ninh năng lượng. Nhưng câu hỏi đặt ra là việc nhà máy Nghi Sơn giảm công suất có thực sự do quy luật cung cầu? hay do chính những bất cập từ công tác quản trị, vận hành? Khi mà đến nay Nhà máy đã lỗ lũy kế lên tới 3,3 tỉ USD trong 3 năm, số tiền nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỉ USD.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam: “Có thể đánh giá sơ bộ đây là những sai lầm nghiêm trọng khi mà đặt ra những ưu đãi, dẫn tới câu chuyện dự án không cần quan tâm tới hiệu quả, không cần thành công, tất cả đều đổ dồn về trách nhiệm, nghĩa vụ và thiệt hại cho Việt Nam. Chúng ta đã cam kết rồi thì có giá trị không thay đổi được, với giá trị lớn, đầu tư, doanh thu lớn như vậy thì nguy cơ chúng ta sẽ thiệt hại nhiều tỷ USD trong nhiều năm tới.”

PGS. TS ĐINH TRỌNG THỊNH – Chuyên gia kinh tế: “Giá xăng dầu mua bán trao ngay thì rất cao, rõ ràng làm giá xăng dầu đội lên, tạo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cũng như đẩy cao giá xăng trong nước. rõ ràng, một doanh nghiệp lại gây sức ép, tổn hại tới kinh tế đất nước là cần phải nghiêm túc xem xét.”

Hiện, giá dầu thế giới đang ngày càng tăng, trong khi các khó khăn về tài chính của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Tương lai gần, liệu nhà máy này có tiếp tục giảm công suất? Nếu có, Việt Nam sẽ hứng chịu ảnh hưởng khi mục tiêu an ninh năng lượng tiếp tục bị lung lay.

Tái cấu trúc tổng thể nhà máy lọc hóa dầu nghi sơn

Sau khi đạt thoả thuận về hỗ trợ tài chính ngắn hạn với PVN, nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã tiếp tục nhập dầu thô, nâng dần công suất. Trong tháng 3, nhà máy sẽ nhập khẩu 600 nghìn thùng dầu thô siêu nhẹ từ Kuwait và hoạt động với 86% công suất. Dự kiến tới tháng 4 sẽ vận hành hết công suất nhà máy. Trong thoả thuận này cũng các bên đã chấp thuận nguyên tắc tái cấu trúc.

Ông ATSUSHI YAMAMOT – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn: “Về tái cấu trúc tài chính, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang làm việc với các chủ đầu tư và bên cho vay để có biện pháp đảm bảo hỗ trợ tiền mặt dài hạn cho tất cả các bên liên quan và muộn nhất trong tháng 5/2022 sẽ phải xong thỏa thuận này. Chúng tôi cũng đang làm việc với các chuyên gia tư vấn để cải thiện lợi nhuận của nhà máy với các sáng kiến khác nhau. Một trong các sáng kiến là sẽ đa dạng hóa các nguồn dầu thô, điều này giúp chúng tôi tăng lợi nhuận cận biên.”

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng trị giá đầu tư trên 9 tỷ USD do 4 thành viên góp vốn gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Công ty Mitsui Chemicals; Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait và Công ty Idenmitsu Kosan. Trong đó, PVN chỉ chiếm 25,1% vốn điều lệ, phần lớn thuộc về liên doanh nhà đầu tư nước ngoài. Việc vốn nội chiếm phần nhỏ sẽ khó chi phối điều hành được liên doanh nước ngoài.

PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH – Chuyên gia kinh tế:“Khi đó PVN còn thiếu nguồn lực, cũng như chưa có kinh nghiệm tự mình có thể đưa ra những kỹ năng để xây dựng cũng như điều hành các nhà máy lọc hóa dầu. Cho nên, có thể lượng tham gia nhỏ, nhưng rõ ràng chúng ta không thể để việc với tỷ lệ vốn nhỏ như vậy làm cho việc quyết định đường hướng sản xuất kinh doanh cũng như hoạt động kinh tế, cấu trúc tài chính nó hoàn toàn bị phía nước ngoài điều tiết.”

Thực tế, các vấn đề nội tại liên quan tới nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gồm chi phí tài chính; giá đầu vào cao; chi phí nhân sự lớn đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của nhà máy.

PGS. TS NGÔ TRÍ LONG – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính: “Tuy chúng ta có vốn ít của PVN, nhưng chúng ta cũng có quyền. Do đó, phải đánh giá, góp ý, ý kiến chính thức. Với một doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, nhưng lương cán bộ, nhân viên, chuyên gia lại cao như vậy là điều vô lý. Theo tôi, chúng ta cần phải quán triệt vấn đề này và kiểm tra, giám sát hiệu quả.”

PGS.TS Ngô Trí Long cũng đề xuất: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang trong quá trình khôi phục sản xuất và tái cơ cấu, để chủ động đảm bảo an ninh năng lượng, cơ quan điều phối xăng dầu cần có chỉ đạo để chủ động nguồn hàng trong nước. Đồng thời sử dụng các công cụ về bảo hiểm giá, hợp đồng phái sinh trong xăng dầu để có nguồn hàng đúng theo kế hoạch, giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt xăng dầu trong nước khi nguồn cung và giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp.

“Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế Việt Nam, nhiệm vụ này không bao giờ thay đổi ngay cả khi giá thị trường xăng dầu toàn cầu có biến động” đây là khẳng định của đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Thế nhưng, những quyết định vừa qua của nhà máy này đã gây tổn hại tới cả 2 mục tiêu kể trên. Và nếu không tái cấu trúc, Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tiếp tục là gánh nặng cho ngân sách quốc gia và điểm yếu của an ninh năng lượng. Do đó, Việt Nam cần thể hiện rõ vai trò chủ nhà đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm giải quyết gốc rễ thị trường xăng dầu đang bị chi phối, phụ thuộc./.

Thực hiện : Xuân Dần Trọng Hiếu Tiến Cường

—————–

Truyền hình Quốc hội (Tiêu điểm) 12-3-2022:

https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-du-an-loc-hoa-dau-nghi-son-nut-that-an-ninh-nang-luong-trong-nuoc

(115/2.373, phút 5:40)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,172