(TN) – Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Những năm qua, quy định 7 bậc với mức thuế cao nhất lên tới 35%, gần gấp đôi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp khiến người làm công ăn lương “còng lưng”… Vậy, cần sửa làm sao để tạo được sự công bằng và việc nộp thuế không trở thành gánh nặng đối với người làm công ăn lương.
Lao động ở một số lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao hiện nay đang phải nộp mức thuế TNCN chưa phù hợp. Ảnh: K.MINH
Lạc hậu, không còn phù hợp
Chị Dung, nhân viên một công ty dược tại Hà Nội bày tỏ, với mức biến động giá vài năm nay, mức chi tiêu cũng tăng lên mạnh. Chị kể, trước đây chỉ cần 200.000 đồng là mua đủ đồ ăn cho gia đình bốn người, nhưng nay tiết kiệm lắm cũng phải gấp đôi số tiền này. “Hành lá, thì là tăng từ 50 nghìn đồng/kg lên lần lượt 250 nghìn đồng/kg, 400 nghìn đồng/kg… riêng rau thơm, gia vị đã phải mất 30 nghìn đồng mỗi bữa ăn”, chị Dung nói và cho biết, các loại thịt, cá đều tăng giá mạnh. Chưa kể, tiền điện, nước, sinh hoạt phí đều tăng. Trong khi, tiền lương của chị 3 năm nay gần như không tăng, thậm chí mất hơn 20 tháng giảm thu nhập tới 50% do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, hai con nhỏ theo giảm trừ gia cảnh của bố, nên dù lương trung bình 12.300.000 đồng mỗi tháng, chị vẫn phải bị trừ thuế TNCN bất chấp “bão giá” tiêu dùng thời gian qua.
Tương tự, chị Thủy, một nhân viên hành chính cho biết, tổng thu nhập của chị năm 2021 là hơn 200 triệu đồng, sau khi được giảm trừ khoảng 180 triệu đồng, số tiền thuế phải nộp là 6,7 triệu đồng. Tuy nhiên, trong năm chị Thủy có một số khoản thu nhập bất thường và bộ phận kế toán đã tạm thu 10% là 3,5 triệu đồng. Sau khi quyết toán, chị Hương còn phải nộp 3,2 triệu đồng thuế TNCN.
Cộng thêm tiền lương của chồng mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, tổng chi thu nhập của gia đình chị Thủy khoảng hơn 300 triệu đồng/năm. Dù vậy, chi phí cho hai con nhỏ rất tốn kém, chiếm tới 30% chi tiêu gia đình. Chưa kể, họ còn có một khoản nợ tiền nhà ở ngân hàng khoảng gần 200 triệu đồng, mỗi tháng phải trả khoảng 14 triệu đồng, tức khoảng gần 50% thu nhập… Bởi vậy, hai vợ chồng chị phải chật vật chi tiêu tiết kiệm để trang trải.
Thực tế, dù số thuế phải đóng đã giảm so năm 2020 khi được nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 11 triệu đồng, thay vì 9 triệu đồng như trước đây và nâng mức giảm trừ đối với người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/người/tháng. Song, để bảo đảm cho người lao động như trường hợp của chị Thủy có đời sống khá hơn, lúc đó nhiều ý kiến đã kiến nghị, chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh chưa đủ mà cần phải sửa bậc thuế, thuế suất…
Theo quy định hiện hành, có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế với các mức thuế suất và cách tính khác nhau, trong đó duy nhất thu nhập từ tiền lương, tiền công áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần (thuế suất 5 – 35%), còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần. Nếu so sánh mức thuế của cá nhân kinh doanh (7%) với mức thuế bậc cao nhất của cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công (35%), nhiều ý kiến cho là không phù hợp.
Trong nội dung gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về sửa đổi Luật Thuế TNCN, liên quan biểu thuế, Bộ Tài chính cho biết, có ý kiến phản ánh biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc như: Biểu thuế có quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, tăng số lượng phải quyết toán thuế. Thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp. Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tiếp tục nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp khi sửa Luật Thuế TNCN.
Nên giảm bậc, nới khoảng cách?
Về sửa Luật Thuế TNCN, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) góp ý, nên nới mức không phải đóng thuế cao hơn hiện nay vì đời sống người dân cao hơn thì phải bảo đảm cho họ đủ chi tiêu. Mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nâng từ 11 lên 15 – 20 triệu đồng.
Còn đối với biểu thuế lũy tiến từng phần, nhiều ý kiến cho rằng, quy định 7 bậc với mức thuế cao nhất lên tới 35%, gần gấp đôi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp khiến người làm công ăn lương “còng lưng” chịu thuế. Do đó, nhiều chuyên gia đề nghị giảm còn 3-5 bậc thuế, hạ thuế suất của các bậc nhằm giảm áp lực cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương. Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, đã nhận được nhiều kiến nghị về vấn đề này.
Tuy nhiên, để sửa được thì phải sửa luật và việc này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình sửa đổi các luật thuế bắt đầu thực hiện ngay từ năm nay. “Các nội dung như bậc thuế, thuế suất, giãn thuế… sẽ được nghiên cứu để sửa thời gian tới”, bà Lan nói.
Nhìn nhận thẳng thắn, theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, bất cập hiện nay là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng.
Theo ông, hiện người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng nhưng còn rất nhiều khoản tiền khác phải chi không được tính đến. Thí dụ, một người thu nhập khá cao nhưng sống vẫn khó khăn vì phải chi phí cho học hành, bệnh tật, thuê nhà ở. Còn người khác thu nhập thấp hơn nhưng lại sống sung sướng hơn vì phải nộp thuế ít hơn và không phải chi cho y tế, học hành…
Luật sư Trương Thanh Đức lưu ý, có một điều vô lý là mức lương tối thiểu theo bốn vùng chênh nhau gấp 1,5 lần mà mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau. Ngoài ra, cách tính giảm trừ gia cảnh hợp lý là phải tính giảm trừ kết hợp giữa hai tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu (có hóa đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý).
Đưa ra kiến nghị về các bậc thuế và thuế suất hiện nay, theo vị luật sư, mức thuế suất bậc 1 khá nhẹ nhàng, người nộp thuế không phải “tính đếm” đến khoản thuế phải nộp, nên không tìm cách gian lận thuế. Nhưng khoảng cách giữa các bậc thuế quá ngắn: Từ bậc 1 (thuế suất 5%) đến bậc 2 (thuế suất 10%) chỉ có 5 triệu đồng/tháng, từ bậc 2 đến bậc 3 (thuế suất 15%) chỉ có 8 triệu đồng/tháng. Khoảng cách mức thuế phải nộp giữa bậc cao nhất với thuế suất 35% cũng chỉ gấp bậc thấp nhất 16 lần. Trong khi ở Trung Quốc, khoảng cách này là 200 lần, Malaysia là 100 lần, Thailand là 50 lần… Do đó, mức thu thuế với đối tượng thu nhập trung bình hiện nay là quá cao. Trước đây, thuế thu nhập doanh nghiệp đã từng lên đến hơn 50%, bây giờ giảm xuống 18-20%, thuế thu nhập cá nhân không có lý do gì mà để cao ngang, thậm chí là hơn cả thuế thu nhập doanh nghiệp như vậy.
Bởi vậy, luật sư Đức đề xuất chỉ cần ba bậc thuế, đó là bậc thấp cho người thu nhập dưới 30 triệu đồng, bậc trung bình cho người thu nhập hơn 30 triệu đồng nhưng dưới 100 triệu đồng và bậc cao cho ngưỡng hơn 100 triệu đồng/tháng. Trong đó, bậc thấp chỉ thu thuế mức 5%, bậc trung bình 10%, bậc cao 20%. Còn nếu được thì mức thấp nhất là 2% để mọi người không cảm thấy nhiều gánh nặng.
Ngọc Diệp
————
Thời nay (Kinh tế – Báo Nhân Dân) 15-3-2022:
https://nhandan.vn/baothoinay-kinhte-taichinh/van-de-sua-doi-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-689270/
(495/1.560)