3.671. Từ vụ xuất khẩu điều nghi bị lừa và bài học pháp lý cho doanh nghiệp?

(DĐDN) – Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc phỏng vấn Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI về vụ “xuất khẩu điều nghi bị lừa” và bài học pháp lý cho doanh nghiệp.

Tác giả: HUYỀN TRANG – BẢO LOAN thực hiện

————-

Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 21-3-2022:

https://diendandoanhnghiep.vn/video/tu-vu-hat-dieu-nghi-bi-lua-dao-va-bai-hoc-phap-ly-cho-doanh-nghiep-219340.html

(8 phút 44):

—————

Phần chữ

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, chiều 13/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết trong báo cáo đến Thủ tướng về vụ việc 1 số doanh nghiệp có dấu hiệu bị lừa đảo khi xuất hàng sang Ý đã khẩn thiết và kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và Interpol Việt Nam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Vinacas cũng khẩn thiết và kính đề nghị các bộ, ngành và Văn phòng Interpol Việt Nam quan tâm, bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý thành công vụ việc; với mục tiêu: giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được nhận lại hàng.

Theo TTXVN, Thương vụ Việt Nam tại Ý thông tin ngày 10-3, cảnh sát tài chính Ý đã ra quyết định giữ tại cảng 4 container hạt điều được vận chuyển đến cảng Genoa của nước này nhờ các thông tin kịp thời từ phía Việt Nam. Hiện cả hệ thống cảng của Ý đã được báo động về vụ việc này. Trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Ý và Thương vụ Việt Nam tại Ý sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước giải quyết vụ việc này.

Từ tháng 2, thời điểm Tết Nguyên đán, thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt, 5 doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu điều sang Ý với tổng số lượng gần 100 container cho nhiều khách hàng Ý và bắt đầu giao hàng. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp thu tiền hàng qua hình thức D/P (giao tiền sẽ giao chứng từ) thì phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường nên đã tìm cách ngăn chặn các lô hàng.

Mặc dù vậy, vẫn có 36 container, giá trị hơn 7 triệu USD đã và đang đến các cảng của Ý trong tháng 3 trong khi doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam bị mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ của lô hàng. Không rõ các bộ chứng từ này đang ở đâu trong khi theo thông lệ quốc tế, bất cứ ai có được tài liệu này đều có thể đến hãng tàu để lấy hàng.

Có 4 hãng tàu liên quan đến vụ việc là: Cosco, Yangming, HMM, One. Vinacas cũng đã gửi thư đến các hãng đề nghị áp dụng biện pháp “khẩn cấp” tạm thời giữ các container hàng đã và đang trên đường đến các cảng của Ý. Đồng thời, mong muốn các hãng tàu hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp chủ hàng thủ tục cần làm để được hoàn trả hàng trong trường hợp người bán không nhận được thanh toán từ ngân hàng của người mua.

Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty luật ANVI

-Thưa Luật sư, ông đánh giá như thế nào về vụ việc này? Từ vụ việc này, chuyên gia có đánh giá như thế nào về vấn đề lừa đảo trong các vụ giao dịch quốc tế nói chung?

Với những dấu hiệu cho đến thời điểm ngày 17-3-2022, thì khả năng rất cao đây là  một vụ lừa đảo thương mại quốc tế, có sự tính toán, dàn dựng tinh vi mà nạn nhân rất khó gỡ

Dường như việc lừa đảo vẫn gia tăng cùng với sự tăng trưởng của các giao dịch quốc tế nói chung, giao dịch thương mại nói riêng. Cái khác trong vụ này là, không phải bằng cách thức mới, phương tiện hiện đại, mà vẫn là cách truyền thống từ xưa, vì xuất khẩu hàng hoá thanh toán nhờ thu trả ngay (D/P) là phương thức thanh toán truyền thống vẫn không có gì thay đổi từ trước đến nay.

-Ông đánh giá như thế nào về những ưu điểm và hạn chế của phương thức thanh toán D/P.

Theo phương thức thanh toán D/P, nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ đề nghị một ngân hàng trong nước (phục vụ người xuất khẩu) nhờ một ngân hàng nước ngoài (phục vụ người nhập) thu hộ tiền hàng, sau đó giao bộ chứng từ giao hàng cho người nhập khẩu để đến cảng nhận hàng. Cuối cùng, hai ngân hàng ở 2 nước phối với nhau giữ hộ tiền và chuyển trả lại cho người bán.

Ưu điểm của phương thức thanh toán này là đơn giản, nhanh chóng, vì về phía ngân hàng thì khách hàng cứ yêu cầu làm gì, ngân hàng sẽ thực hiện đúng như thế, mà không phải chịu trách nhiệm thay cho ai; về phía người bán hàng thì không phải đặt cọc, chứng minh năng lực tài chính hay khả năng cung cấp hoặc phải có tài sản bảo đảm như thanh toán bằng thư tín dụng (L/C), nhất là với bên mua hàng nhập khẩu. Và quan trọng là chỉ phải trả một khoản phí hợp lý.

Nhược điểm của phương thức thanh toán này là xuất hàng đi rồi mà không chắc là người mua có nhận hay không. Nếu người mua không nhận hàng, tức là không thanh toán, thì người bán phải xử lý số hàng hoá đó. Trong trường hợp vì lý do nào đó, người mua chưa thanh toán, nhưng hàng hoá đã được giao một cách hợp pháp, hợp lệ cho người đang nắm giữ bộ chứng từ gốc, thì người bán mất hàng mà không thể đòi được tiền từ ngân hàng cũng như người mua hàng và thậm chí cả người thực tế đã nhận hàng.

– Doanh nghiệp khi sử dụng phương thức giao dịch này cần lưu ý điều gì?

Về nguyên tắc, trong giao dịch thương mại, bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì sẽ rủi ro hơn bên kia. Tuy nhiên, trong giao dịch thương mại quốc tế, do khoảng cách lãnh thổ và hành lang pháp lý khác nhau nên có khác hơn và đặc biệt rủi ro sẽ phụ thuộc nhiều vào phương thức thanh toán. Trong vụ việc xuất khẩu hạt điều thanh toán theo phương thức D/P, về nguyên tắc thì người bán hàng chỉ giao hàng sau khi đã nhận được tiền. Tuy nhiên, thực chất thì bên bán đã xuất hiện rủi ro từ khi hàng hoá đã được bốc xếp lên tàu xuất khẩu. Rủi ro lớn hơn là việc bị mất bộ chứng từ vận chuyển (vận đơn), như là một loại giấy tờ có giá và có giá trị tương đương với số hàng hoá.

Mắt xích trong vụ trên dường như đang nằm ở khâu vận chuyển chứng từ. Nhưng lại rất khó có thể quy trách nhiệm cho bên vận chuyển ngoài thoả thuận bồi thường do thất lạc chứng từ, đằng này lại không phải là trường hợp bị mất mà nghi ngờ là bị tráo ruột.

Vì vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận phương thức này, thì buộc phải chấp nhận những khả năng rủi ro có thể xảy ra như trên.

Vậy, khi xảy ra trường hợp có nguy cơ bị lừa như vụ hạt điều thì các doanh nghiệp phải làm gì?

Trước hết, doanh nghiệp xuất khẩu cần lập tức tạm dừng những lô hàng chưa bốc xếp lên tàu để xem xét nguyên nhân. Nếu đã bốc xếp và chuyển bộ chứng từ cho ngân hàng rồi thì liên hệ với hãng tàu và ngân hàng của bên xuất khẩu để hỗ trợ trong khả năng. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam thông qua con đường ngoại giao và hợp tác khác để đề nghị hàng tàu và cảng nơi đến giúp đỡ xử lý trong trường hợp có nghi ngờ lừa đảo. Cuối cùng điểm mấu chốt là cần phải đề nghị chứng minh và thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, như Toà án chẳng hạn, ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không giao hàng cho người có bộ chứng từ gốc, đồng thời điều tra xử lý những người có dấu hiệu lừa đảo.

 – Vậy, việc khởi kiện sẽ được tiến hành ra sao, thưa ông?

Người xuất khẩu có quyền khoải kiện đối tác, ngân hàng hay người khác về những lỗi vi phạm dẫn đến hậu quả thiệt hại. Tuy nhiên, việc khởi kiện ở nước ngoài là vô cùng khó khăn, phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian.

Nếu việc khởi kiện mà đúng đủ bằng chứng thuyết phục và không kịp thời thì cũng không đạt được kết quả, thậm chí còn mất cả chì lẫn chài.

 – Có cách nào để các doanh nghiệp yêu cầu các hãng tàu ngừng giao hàng không, thưa ông?

Các hãng tàu quốc tế thường hành xử rất chuyên nghiệp, giao hay không giao hàng cũng đều phải tuân thủ đúng pháp luật và thông lệ quốc tế. Do vậy, họ chỉ có thể hợp tác, giúp đỡ khi có những căn cứ xác đáng và trong giới hạn nhất định, chẳng hạn như có thể trì hoãn việc giao hàng một thời hạn ngắn. Còn thì về cơ bản chỉ không giao hàng theo lệnh của Toà án.

 – Theo ông, trong vụ việc này, mấu chốt sẽ là gì? Doanh nghiệp có thể khắc phục ra sao?

Mấu chốt trong vụ việc này là phải giải quyết nghi án lừa đảo. Doanh nghiệp đành phải giải quyết theo tình thế khẩn cấp để ngăn chặn thiệt hại trước mắt, đồng thời tiếp tục theo đuổi giải quyết theo con đường tố tụng chính thức để xử lý hậu quả tiếp theo.

 – Từ góc nhìn của một người làm nghề luật, chuyên gia có những khuyến nghị khi giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, các điều khoản nào cần lưu ý cho doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng?,…

Hợp đồng với nước ngoài thì không thể giao kết bằng lời nói, mà phải ký kết bằng văn bản. Điều quan trọng nhất trong hợp đồng mua bán, đối với bên mua là về hàng hoá, đối với bên bán là điều khoản thanh toán. Ngoài những điểm chính thuộc về sở trường là các điều kiện thương mại, thì các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý về các vấn đề rủi ro, nhất là về pháp lý, từ ngôn ngữ, áp dụng pháp luật, cho đến chỉ định cơ quan giải quyết tranh chấp.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,172