Công bố Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Kỳ vọng chống thao túng ngân hàng
(1TG) – Ngày 19.2, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Kỳ vọng chống sở hữu chéo, thao túng ngân hàng
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.
Việc xây dựng luật nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của tổ chức tín dụng; tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; luật hóa một số quy định về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…
Chia sẻ tại họp báo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đoàn Thái Sơn cho biết mục tiêu xuyên suốt khi xây dựng luật là hạn chế việc lạm dụng, thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng từ cổ đông lớn và nhóm cổ đông lớn.
Quá trình cụ thể hóa nguyên tắc này được cơ quan soạn thảo thể hiện qua nhiều quy định. Bên cạnh mục tiêu siết chặt kỷ luật kỷ cương, mục tiêu trung gian là đại chúng hóa hoạt động của tổ chức tín dụng. Vì vậy, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng mở rộng khái niệm “người có liên quan” trong xác định sở hữu cổ phần chính thông qua “mối quan hệ về lợi ích” hoặc hoạt động sở hữu; quản trị điều hành nhằm tránh việc chi phối việc cấp tín dụng.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn
Ông Sơn cũng cho biết luật mới cũng yêu cầu phải công khai họ tên cá nhân, tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ cùng người có liên quan lên website ngân hàng. Định kỳ hàng năm, tổ chức tín dụng công bố những thông tin này với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng.
“Như vậy, quy định mới tạo ra kênh giám sát từ công chúng trong đó có cả phương tiện truyền thông với người chủ sở hữu cũng như người quản trị điều hành của tổ chức tín dụng”, Phó thống đốc nói.
Ngoài ra, ông Sơn cho rằng luật mới đã giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, của nhóm cổ đông và người có liên quan; quy định lộ trình 5 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng.
Ông Sơn cho biết luật tập trung nâng cao chuẩn quản trị điều hành; hạn chế việc tham gia quản trị điều hành của người liên quan. Luật mới cũng giới hạn việc cấp tín dụng tối đa cho khách hàng theo lộ trình 5 năm và giảm dần.
Ông Sơn nhấn mạnh việc siết chặt các quy định tại luật mới chỉ là biện pháp về kỹ thuật, quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện.
“Quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và các bộ ngành liên quan để các quy định được thực hiện nghiêm trong thực tiễn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng nêu, Luật Các tổ chức tín dụng cũng bổ sung điều khoản chuyển tiếp cho những quy định được sửa đổi, bổ sung tại luật, qua đó hạn chế tác động lớn tới thị trường khi Luật có hiệu lực.
Quan trọng là khâu thực thi, giám sát
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ giúp các tổ chức tín dụng hoạt động một cách thị trường hơn, công khai minh bạch hơn. Tuy nhiên, luật chưa thực sự giải quyết triệt để những vấn đề tồn đọng trong thị trường tài chính thời gian qua.
“Một trong những vấn đề nhức nhối là sở hữu chéo, cần phải quản lý giám sát chặt chẽ để triệt tiêu tình trạng này mới có thể đảm bảo các ngân hàng hoạt động công khai, bình đẳng, minh bạch, đáp ứng yêu cầu chung của cộng đồng quốc tế và cơ quan quản lý nhà nước”, ông Thịnh nói.
Tại hội thảo mới đây, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, một trong những điểm nhấn của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là đã đưa ra nhiều quy định để kiểm soát việc thao túng tổ chức tín dụng của cổ đông.
Cụ thể, Điều 63 quy định, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ; cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác; cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin (bao gồm cả thông tin về người có liên quan)…
“Đây là quy định rất cần thiết để hạn chế thao túng của cổ đông với hoạt động của tổ chức tín dụng”, ông Hùng bình luận.
Phân tích rõ hơn, vị đại diện hiệp hội cho rằng, trên thực tế, có những cổ đông “gần như không thấy xuất hiện” vì có tên trong danh sách cổ đông nhưng người khác đại diện; cũng bởi không công bố thông tin minh bạch nên không biết người đại diện đó là ai. Vì thế, luật quy định tỷ lệ từ 1% sở hữu vốn điều lệ bắt buộc phải cung cấp thông tin là cần thiết để thấy cổ đông đó có thực lực, qua đó hạn chế tình trạng chi phối tổ chức tín dụng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, để tránh tiêu cực, lũng đoạn ngân hàng dẫn đến rủi ro cho toàn hệ thống, có 3 vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất là tỷ lệ sở hữu cổ phần, bởi khi cổ đông và người có liên quan chiếm tỷ lệ sở hữu lớn thì dĩ nhiên họ sẽ chi phối hoạt động ngân hàng; thứ hai là tỷ lệ cho vay.; thứ ba là quản trị, điều hành. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định đã khá rõ và chặt chẽ. Tuy vậy, vấn đề cần đặc biệt lưu tâm là khâu thực thi.
Ông Đức lý giải, so với thế giới, từ trước đến nay tỷ lệ sở hữu ngân hàng của Việt Nam được khống chế rất chặt, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra những vụ án thao túng ngân hàng. Do đó, cần thiết quản lý chặt chẽ ở tất cả các khâu. Công tác thanh tra, giám sát cũng cần được tăng cường để bảo đảm quy định được thực thi đúng.
Sơn Nam
————-
Một thế giới (Kinh tế) ngày 19-02-2024:
(199/1.347)