Chuyên gia kỳ vọng chống thao túng ngân hàng từ Luật Các tổ chức tín dụng 2024
(KDPT) – Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, các quy định về hạn chế sở hữu cổ phần, minh bạch thông tin trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sẽ giúp giải quyết tình trạng sở hữu chéo, lũng đoạn, thao túng ngân hàng.
Hạn chế sở hữu cổ phần: Góp phần “trị” sở hữu chéo
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được thông qua đã có hàng loạt quy định mới. Trong đó, đáng chú ý là các quy định nhằm ngăn chặn sở hữu chéo, giảm rủi ro tập trung tín dụng tại ngân hàng. Việc này được thực hiện thông qua các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông cũng như các yêu cầu công bố thông tin chặt chẽ hơn.
Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định, một tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% (so với 15% luật cũ); nhóm cổ đông liên quan không được sở hữu vượt quá 15% (so với mức 20% của hiện tại) vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Đi kèm với đó, luật cũng quy định rõ các cá nhân có liên quan.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định một tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. |
Thêm nữa, luật mới 2024 cũng siết chặt việc cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng lớn. Cụ thể, giảm từ mức 15% (đối với một khách hàng) và 25% (đối với nhóm khách hàng có liên quan) vốn tự có của tổ chức tín dụng xuống lần lượt là 10% và 15%. Quy định này được kỳ vọng sẽ giảm đi tình trạng ngân hàng tập trung vốn cho các doanh nghiệp “sân sau”.
Các quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ tăng thêm tính minh bạch, nâng cao khả năng giám sát đối với tổ chức tín dụng. Những biện pháp này cũng sẽ giúp hạn chế mối liên kết giữa ngân hàng và các tập đoàn doanh nghiệp lớn (thường vượt quá các giới hạn quy định). Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng thao túng ngân hàng, sở hữu chéo, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, phát triển bền vững trong tương lai.
Trao đổi với PV, LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw đánh giá, các quy định về việc hạn chế sở hữu cổ phần trong tổ chức tín dụng sẽ giúp hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giảm thiểu rủi ro đến hoạt động của tổ chức tín dụng.
LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw |
Theo ông Hà, lộ trình thực hiện cần vừa hạn chế được tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cổ đông cũng như hoạt động ổn định của ngân hàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng cần thực hiện đầy đủ các quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng như quy định công khai thông tin các cổ đông nắm từ 1% vốn cùng người có liên quan mà không chỉ thực hiện mỗi quy định về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu.
Bên cạnh đó, luật sư này đề xuất, để hạn chế sự xáo trộn tới hệ thống ngân hàng, cổ đông và người có liên quan có tỷ lệ cổ phần cao hơn quy định được tiếp tục duy trì, nhưng không được tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần nâng cao năng lực quản trị, bởi năng lực quản trị là một trong những yếu tố nền tảng quan trọng giúp chuyên nghiệp hóa các mặt hoạt động của hệ thống quản trị ngân hàng. Từ đó, nâng cao năng lực tự giám sát trong việc hài hòa lợi ích giữa ngân hàng, cổ đông và khách hàng.
Sở hữu 1% cổ phần phải công bố thông tin
Đặc biệt, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng yêu cầu các cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ trở lên cung cấp hàng loạt thông tin và công bố công khai; các cá nhân có chức vụ quan trọng ở tổ chức tín dụng cũng phải cung cấp thông tin về người và doanh nghiệp có liên quan…
Công khai thôngtin cổ đông để tránh sở hữu chéo |
Theo LS. Nguyễn Thanh Hà, quy định này được thiết lập nhằm đảm bảo quyền lợi cho cổ đông thiểu số, đồng thời tác động trực tiếp đến mục tiêu hạn chế sở hữu chéo.
“Quy định việc công bố thông tin này thứ nhất sẽ tạo ra một môi trường minh bạch trong quản lý cổ đông, sở hữu. Từ đó giúp giảm thiểu tình trạng nhờ người khác làm người đứng tên sở hữu”, ông Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Hà cũng cho rằng, quy định này giúp tạo ra cơ chế đảm bảo tính chính xác của thông tin được cung cấp. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước có thể tiến hành điều tra, xác minh nguồn tiền được đóng góp. Qua đó, góp phần ngăn chặn sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng.
“Quy định này đã củng cố sự chặt chẽ, tăng tính công khai minh bạch thông tin của chủ sở hữu cũng như hỗ trợ việc giám sát, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước. Đây là khuôn khổ pháp lý cần thiết kế nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng”, ông Hà nói.
Vụ thao túng chấn động tại ngân hàng SCB là bài học lớn đối với hoạt động ngân hàng |
Có chung quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc công bố thông tin cổ đông sẽ giúp minh bạch hơn. Theo LS. Trương Thanh Đức, thời gian qua đã có rất nhiều bài học liên quan đến các vấn đề thao túng ngân hàng. Do đó, các quy định cần chặt chẽ hơn nữa.
Theo vị luật sư, vấn đề quan trọng là cần tăng cường việc thanh tra, giám sát, bởi khâu giám sát, thực thi luật là vướng nhất.
LS. Trương Thanh Đức |
Tại một toạ đàm mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng nêu quan điểm, có những tổ chức tín dụng, có những người không thấy trong danh sách cổ đông, không xuất hiện tại ngân hàng nhưng có người đại diện cho họ 80-90% cổ phần.
Do đó, các cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên phải công bố các thông tin liên quan là cần thiết, để mọi người biết cổ đông này có vốn thật, có thực lực chứ không phải đứng tên hộ cho người khác để chi phối ngân hàng./.
Hoài Phong
—————
Kinh doanh & Phát triển (Kinh tế) 28-02-2024:
(93/1.241)