Giá vàng ngày càng nóng và yếu tố kép với thị trường vàng trong nước
(TBTC) – Giá vàng tiếp tục leo dốc và đạt đỉnh mới, trong bối cảnh này, giá vàng trong nước đang đứng trước các yếu tố tác động kép, một phần từ ảnh hưởng của thị trường thế giới còn một phần nữa liên quan đến các yếu tố pháp lý đang được đặt ra với vấn đề quản lý thị trường vàng.
Vàng thiết lập kỷ lục
Ngày 2/3, giá vàng miếng và vàng nhẫn đều ghi nhận tốc độ tăng mạnh mẽ. Theo đó, vàng miếng SJC 9999 trong ngày đã có lúc đạt mốc 80,8 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, vàng nhẫn SJC 9999 cũng có thời điểm cán mốc 66,5 triệu đồng/lượng bán ra. Cuối ngày, giá vàng miếng tuy có hạ nhiệt chút ít, nhưng vẫn neo ở mức khá cao với mức giá bán ra ghi nhận ở mức 80,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng có phần chịu sự ảnh hưởng từ thị trường vàng thế giới bởi trong ngày 2/3, giá vàng thế giới bất ngờ có nhịp bật tăng mạnh, đến chiều tối ngày 2/3 đã ghi nhận ở mức giá 2.082 USD/ounce. Đây là mặt bằng giá cao hơn khá nhiều so với mặt bằng giá chỉ khoảng 2.045 USD/ounce duy trì trong các ngày 29/2 – 1/3.
Giá vàng trong nước ngày 2/3 nóng lên do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Ảnh: T.L |
Trước đó ít ngày, Goldman Sachs đưa ra một báo cáo dự báo giá vàng có thể tăng lên 2.175 USD/ounce trong vòng 12 tháng tới. Lập luận của cơ quan này cho rằng hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và nhu cầu mua lẻ tại các thị trường mới nổi gia tăng.
Một số dự báo đưa ra về khả năng tăng mạnh của giá vàng thế giới dựa trên phán đoán về lộ trình giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Theo quy luật thông thường, lãi suất giảm thường kéo theo hiệu ứng dòng vốn dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác ngoài tiền gửi, trong đó vàng là một trong những kênh thường rất được quan tâm. Đây là yếu tố dễ tạo ra tâm lý đầu cơ tích trữ vàng trong giới đầu tư.
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có quan điểm cho rằng tác động lên giá vàng vẫn chưa thực sự rõ ràng bởi thị trường tài chính hiện vẫn chưa chắc chắn về thời điểm giảm lãi suất của FED trong thời gian tới.
Yếu tố pháp lý với vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, giá vàng một phần chịu sự tác động của thị trường vàng thế giới, phần khác lại có những diễn biến riêng. Bởi lẽ, ngoài một số thời điểm vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới, nhưng cũng có lúc giá vàng thế giới giảm, nhưng giá vàng trong nước vẫn không giảm. Đặc biệt, sự chênh lệch của giá vàng miếng SJC so với các loại vàng khác và giá vàng thế giới cũng là một trong những nội dung gây ra nhiều bàn cãi trong thời gian qua.
Đối tượng áp dụng của Nghị định 24Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vàng trên lãnh thổ Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng. |
Tâm điểm gây nhiều tranh cãi nhất có thể kể đến là các quy định cũng như việc thực hiện Nghị định số 24/2023/NĐ-CP về hoạt động quản lý kinh doanh vàng.
Ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, giá vàng trong nước hiện chênh lệch với giá vàng thế giới có lý do từ sự độc quyền vàng miếng SJC, nên nguồn cung ở thị trường nội địa khan hiếm. Trong khi đó, thị trường vàng trong nước không được liên thông với thế giới.
Các vấn đề về quản lý thị trường vàng đang được đặt mối quan tâm. Ảnh: T.L |
Với quan điểm này, ông Khánh cho rằng, Nghị định 24 không còn phù hợp với diễn biến của thị trường hiện nay và Hiệp hội Kinh vàng Việt Nam cũng mong muốn nghị định này sớm được sửa đổi.
Trong khi đó, bình luận về các vấn đề pháp lý liên quan đến vàng, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, ngoài các quy định trong các văn bản ngân hàng, chúng ta cũng cần xem xét cả Luật Đầu tư với phần nội dung các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Về quan điểm quản lý thị trường, ông Đức cho rằng, việc này có thể tách 2 phần, một phần là những yếu tố liên quan đến chính sách tiền tệ và một phần là những yếu tố khác. Tuy nhiên, việc này cần phải luật hoá, tức đưa vào văn bản luật chứ không chỉ dừng ở cấp độ thông tư, nghị định.
Phạm vi của Nghị định 24Nghị định 24 quy định về hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm: Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng. Các quy định của Nghị định 24 không áp dụng đối với hoạt động khai thác và tinh luyện vàng của doanh nghiệp khai thác vàng. |
Chí Tín
————-
Thời báo Tài chính (Ngân hàng) 02-3-2024:
(127/998)