(VNB) – Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.
Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết. (Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng).
Theo thông tin từ Bộ Công An, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) vừa tiến hành điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, CTCP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/01, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, hành vi của ông Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết.
Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan. Các Quyết định, Lệnh tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) phê chuẩn theo quy định pháp luật.
Hình phạt mà ông Trịnh Văn Quyết có thể đối mặt?
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI hiện tại cơ quan điều tra đã đưa ra hai hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết với các mức phạt tù khác nhau. “Với hai tội danh cùng mức độ vi phạm theo thông tin hiện này thì mức xử phạt sẽ là kịch khung. Tuy nhiên, hình phạt cuối cùng sẽ tùy vào việc điều tra, xem xét hành vi, mức độ vi phạm mà cơ quan chức năng có thể đưa ra quyết định cụ thể”, ông Đức nói.
Theo luật sư, nếu vụ việc liên quan đến ông Quyết rơi vào tình huống mở rộng điều tra thì mọi thứ sẽ trở nên rất phức tạp và mất nhiều thời gian để xử lý, không nhanh chóng như việc xử lý hai tội danh ban đầu.
Ngoài ra, Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng không loại trừ khả năng xem xét huỷ quyết định xử phạt hành chính trước đây đối với ông Trịnh Văn Quyết, nếu như bị xử phạt hình sự về cùng một hành vi vi phạm.
Theo ông Đức, trường hợp xác định hành vi “bán chui” và hành vi cấu thành tội phạm là các hành vi khác nhau thì sẽ vẫn giữ nguyên quyết định xử phạt hành chính 1,5 tỷ trước đây.
Như đã đưa tin, hồi đầu năm 2022, ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 10/1/2022. Theo đó, ông Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 1.750 tỷ đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ 10/1 – 1751. Mục đích được ông Quyết nêu là cơ cấu tài sản.
Ngày 11/1, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ra thông báo huỷ bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1 theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nguyên nhân huỷ giao dịch do ông Trịnh Văn Quyết đã không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch.
Ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán nhà nước xử phạt ông Quyết 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán của ông trong vòng 5 tháng.
Trước đó, ngày 28/3, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết. Theo quyết định này, ông Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 26/3 đến hết ngày 25/4/2022.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, không chỉ bị xử lý về hành vi “bán chui”, mà còn liên quan đến nhiều vi phạm đối với hai tội trong Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 209 về “Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán thuộc trường hợp có tổ chức; thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng trở lên thì có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 211 về “Tội thao túng thị trường chứng khoán”, Bộ luật Hình sự 2015, sẽ bị phạt tiền từ 2-4 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm, nếu phạm tội có tổ chức hoặc thu lợi bất chính 1,5 tỷ trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng trở lên, với một trong các hành vi sau:
– Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
– Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
– Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
– Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
– Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
– Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Doanh Chính
—————-
VietnamBiz (Kinh doanh) 29-3-2022:
(534/1.248) #FLC #ROS #trinhvanquyet