Nới điều kiện đối với người mua nhà ở xã hội, chuyên gia nói gì?
(KDPT) – Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLaw đồng tình việc Bộ Xây dựng đã “nới” điều kiện đối với người mua nhà ở xã hội lên 15 triệu đồng/tháng. Ông đánh giá đây là động thái tích cực của cơ quan quản lý.
Nới điều kiện về thu nhập đối với người mua nhà ở xã hội
Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 phải hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 1,06 triệu căn. Trước mắt, năm 2024 mục tiêu xây dựng 130.000 căn.
Thời gian qua, dù nhu cầu về nhà ở rất lớn và các địa phương cũng đã tích cực trong việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhưng nhà ở phân khúc này còn hạn chế so với mục tiêu của đề án; một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.
Nhu cầu lớn nhưng việc triển khai nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc. (Ảnh: VnExpress)
Thực tế, đã có quá nhiều phản ánh về việc gần như không thể tiếp cận nhà ở xã hội đối với người thu nhập thấp tại đô thị, nhưng khoảng cách giữa thu nhập và giá nhà vẫn ngày một xa. Ngoài ra, điều kiện về đối tượng mua nhà ở xã hội rất khó khăn (nhà ở, thu nhập, cư trú) khiến người mua lẫn chủ đầu tư đều nản lòng.
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) mới đây, có 39% người lao động tham gia khảo sát cho biết còn nhiều khó khăn khi mua nhà ở xã hội và các quy định về điều kiện để được mua nhà ở xã hội là rào cản lớn nhất.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu không có những thay đổi thực sự mạnh mẽ về chính sách, việc mua nhà ở xã hội vẫn rất gian nan.
Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất một số quy định mới về điều kiện mua nhà ở xã hội tại Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó, đáng chú ý là Bộ Xây dựng đề xuất nâng điều kiện về thu nhập đối với người mua nhà lên 15 triệu đồng/tháng thay vì 11 triệu đồng như quy định hiện nay. Thời hạn xác định mức thu nhập được tính trong 3 năm liền trước đó.
Nới điều kiện để được mua nhà ở xã hội lên mức 15 triệu đồng/tháng. (Ảnh minh hoạ)
Bộ Xây dựng cũng đơn giản hoá điều kiện về nơi ở đối với người mua, cụ thể: Trường hợp chưa sở hữu nhà và vợ hoặc chồng chưa có tên trong “sổ đỏ” nhà đất khác tại tỉnh, thành có dự án nhà ở xã hội; trường hợp đã có nhà, người dân vẫn có thể được hưởng chính sách về nhà ở xã hội nếu diện tích nhà ở bình quân của những người đăng ký thường trú tại căn nhà đó dưới 15 m2 sàn/người, trong khi quy định hiện tại là dưới 10 m2 sàn/người…
Thêm nhiều người tiếp cận được nhà ở xã hội
Giới chuyên gia đánh giá sự thay đổi này sẽ mở rộng đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội so với mức 11 triệu đồng như hiện tại.
Trước đây, quy định người có thu nhập 9 triệu đồng/tháng mới mua được NƠXH, sau tăng lên 11 triệu đồng. Tuy nhiên người dân phản ánh mức thu nhập này mới chỉ đủ duy trì cuộc sống chứ không thể mua được nhà. Do đó, việc nới điều kiện về thu nhập sẽ giúp người dân có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội.
Ngưỡng thu nhập đóng thuế 11 triệu đồng/tháng đã “làm khó” rất nhiều người có nhu cầu mua nhà ở xã hội. (Ảnh minh hoạ)
Trao đổi với phóng viên, một doanh nghiệp chuyên làm nhà ở xã hội cũng cho rằng quy định hiện hành về điều kiện thu nhập trong tính thuế thu nhập cá nhân hay cả đối tượng được mua nhà ở xã hội đều đã quá lạc hậu.
“Thực sự với thu nhập 15 triệu/tháng thì một gia đình 4 người cũng không dễ để mua được nhà ở xã hội. Nhưng dù sao việc nới điều kiện về thu nhập cũng là tín hiệu đáng mừng, người dân có thêm cơ hội để hy vọng có nhà”, doanh nghiệp này nói.
Thêm nữa, điều kiện thu nhập không chỉ là rào cản đối với người mua nhà, mà còn khiến “khách hàng” của doanh nghiệp triển khai nhà ở xã hội bị thu hẹp. Điều kiện quá chặt chẽ cũng khiến doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư nhà ở xã hội vì lo “đầu ra”.
Nói với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLaw cũng đồng tình việc Bộ Xây dựng đã “nới” điều kiện đối với người mua nhà ở xã hội lên 15 triệu đồng/tháng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLaw
Theo ông Hà, việc nâng mức thu nhập cho người mua nhà ở xã hội là một bước tiến tích cực từ Bộ Xây dựng. Điều này cho thấy sự nhạy bén của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội, đồng thời giúp tạo ra sự công bằng và cơ hội tiếp cận với nhà ở cho mọi người.
“Việc tăng mức thu nhập cho phép nhiều người hơn có thể tiếp cận với nhà ở xã hội và tạo ra sự ổn định. Tăng điều kiện mức thu nhập bình quân hàng tháng phù hợp với thực tiễn hiện nay khi giá nhà ở xã hội đã tăng so với trước”, ông Hà nói.
Tóm lại, LS. Hà cho rằng, việc nâng mức thu nhập cho người mua nhà ở xã hội là một bước tích cực, nhưng cần kết hợp với các biện pháp khác để đảm bảo hiệu quả và công bằng trong việc cung cấp nhà ở cho nhóm dân cần hỗ trợ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đánh giá, nhiều quy định về nhà ở xã hội hiện nay có sự bất cập. Do đó, ông đồng tình với việc cần mở rộng đối tượng người được hỗ trợ mua nhà ở xã hội, bởi mức giá nhà hiện nay rất cao.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn rằng, nhà ở xã hội là hỗ trợ của Nhà nước dành cho người thu nhập thấp, nhưng mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng thì khó có thể gọi là thu nhập thấp, bởi ngưỡng đóng thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng.
“Như vậy, Bộ Xây dựng đề xuất nâng ngưỡng điều kiện về thu nhập để mua nhà ở xã hội lên 15 triệu đồng/tháng dựa vào cơ sở nào? Dù mức thu nhập này chưa chắc đã mua được nhà ở xã hội ở thành phố hiện nay”, ông Đức nêu.
Hoài Phong
————-
Kinh doanh & Phát triển (Kinh tế) 05-3-2024:
(169/1.267)